Trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (1930-1995) cũng như trên Wikipedia, thông tin về liệt sĩ Điểu Xiển rất ít ỏi, dù ông là một trong các vị đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước ta.
Trường học dành cho người dân tộc thiểu số của tỉnh Biên Hòa |
Điểu Xiển là người dân tộc Chơro, quê ở làng Võ Dõng, tổng Phước Thành (nay thuộc xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất). Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương từ rất sớm, vào tháng 2-1937. Là người dân tộc thiểu số vốn bị xem thường dưới thời Pháp thuộc, thế nhưng Điểu Xiển có “lý lịch” quá lẫy lừng, trong khi thân thế ông lại khá mơ hồ, ít người biết. Bà Đào Thị Nhẫn (sinh năm 1928), một trong số ít người thân còn lại của ông (bà đã mất năm 2007) thường kể cho con cháu nghe về người anh hùng Điểu Xiển, lấy đó làm niềm tự hào về truyền thống gia đình. Và đến nay, những điều bà Nhẫn kể vẫn còn truyền lưu dù thân nhân trực hệ của ông Điểu Xiển không còn ai.
Trí thức người dân tộc thiểu số
Theo bà Nhẫn, tuy trong lý lịch ghi là sinh năm 1913, nhưng thực tế ông Điểu Xiển sinh khoảng năm 1910. Cha của Điểu Xiển là vị tộc trưởng có uy tín nổi tiếng trong vùng. Vì thế để “lấy lòng”, người Pháp đã chọn Điểu Xiển đưa đi học nội trú ở trường dành cho người dân tộc thiểu số, lúc ấy nằm ở vùng Chứa Chan, Gia Ray (nay thuộc H.Xuân Lộc). Do lúc nhập học Điểu Xiển đã khá lớn tuổi, nên nhà trường tự ý ghi sụt năm sinh của ông nhỏ đi 3 tuổi.
Điểu Xiển thông minh, sáng dạ, nhanh chóng hoàn thành chương trình học ở trường, sau đó ông được đưa đi học tiếp lên cao ở Sài Gòn. Chính tại đây, Điểu Xiển sớm tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ nhen nhóm trong giới học sinh, sinh viên, đặc biệt là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là con đường đưa ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Bà Nhẫn kể, Điểu Xiển có vóc dáng cao lớn vạm vỡ, nhìn rất mạnh mẽ. Khi ở Sài Gòn ông mặc âu phục, nói tiếng Pháp “rôm rốp”, nhưng khi về nhà ông vẫn đóng khố, đi rừng, làm rẫy như bao đàn ông khác trong làng, rất hòa đồng.
Năm 1970, bà Thị Thường em bị địch bắt, giam giữ ở Bà Rịa, đến năm 1973 mới được thả ra. Bà Thường chị lúc ấy đã tái giá với một đồng đội cũ, đưa em về Xuân Phú (nay thuộc H.Xuân Lộc) để tạm lánh và đổi tên bà Thường em thành Đào Thị Nhẫn để che mắt địch. Bà Nhẫn được các con của bà Thường chị phụng dưỡng cho đến khi qua đời; được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong đợt đầu tiên của tỉnh năm 1994.
Từ giữa năm 1945, Điểu Xiển nhận nhiệm vụ của Đảng, trở về tham gia chỉ đạo khởi nghĩa ở quận Xuân Lộc. Thời điểm ấy, khắp nơi trong tỉnh Biên Hòa xuất hiện lực lượng Thanh niên tiền phong, tập hợp thanh niên địa phương tạo thành sức mạnh chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới. Riêng Điểu Xiển thành lập hẳn một đội dân quân người Chơro với hơn 30 người, suốt ngày tập luyện võ nghệ, tập bắn ná, đánh gậy. Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, đội dân quân của Điểu Xiển đã cùng lực lượng cách mạng và người dân Xuân Lộc tham gia cướp chính quyền.
Đêm 22, rạng sáng 23-9-1945 tại Sài Gòn, quân Pháp nổ súng tấn công với âm mưu chiếm lại Sài Gòn và Nam bộ, làm bàn đạp đánh chiếm toàn bộ nước ta, lập lại chế độ thuộc địa. Nhiều tổ chức vũ trang của lực lượng Vệ quốc đoàn anh dũng kháng cự, chống trả quyết liệt, Điểu Xiển cũng từ Xuân Lộc trở lên Sài Gòn, tham gia chiến đấu ở mặt trận Thị Nghè - Hàng Xanh. Mặt trận Sài Gòn bị vỡ, các lực lượng kháng Pháp nhận lệnh rút khỏi Sài Gòn, chuẩn bị chiến đấu lâu dài, Điểu Xiển cũng rút về địa bàn quê hương là Xuân Lộc, tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Ủy ban hành chính kháng chiến làng Võ Dõng được thành lập, gồm Chủ tịch Điểu Xiển, Phó chủ tịch Điểu Nhông, Ủy viên phụ trách phụ nữ Điểu Thị Thiên, Ủy viên phụ trách thanh niên Điểu Hùng.
Thời điểm ấy, bà Nhẫn vừa tròn 17 tuổi. Bà vốn cũng không phải họ Đào. Con gái dân tộc Chơro đều gọi là Thị và kèm theo tên. Bà cùng với người chị gái sinh đôi đều được gọi là Thị Thường, để phân biệt mọi người gọi là Thường chị và Thường em. Gia đình Thường chị, Thường em rất nghèo, nghèo như bao người Chơro khác trong làng, quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng vẫn đói ăn, thiếu mặc, sống lay lắt bằng củ mì, củ chụp, rau rừng. Năm 1944, Thường em “bắt chồng” là anh công nhân cao su ở đồn điền Cẩm Mỹ, tên Võ Văn Khối. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, cuối năm 1945 cả gia đình Thường chị, Thường em cùng với đồng bào Chơro dời vào làng kháng chiến Võ Dõng. Ở đây, Thường chị tham gia công tác phụ nữ.
Cuộc sống ở làng kháng chiến tuy cực nhưng rất vui. Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Điểu Xiển thường mặc bộ đồ kaki, vai đeo xắc-cốt, hông dắt khẩu súng ngắn rất oai. Nhưng khi ông đóng khố, cùng với các thanh niên Chơro trong làng luồn rừng lấy nhựa cây sui - một loại nhựa có độc làm tê liệt thần kinh có thể dẫn đến tử vong, du kích tẩm nhựa sui vào mũi tên để chiến đấu với địch; hay khi ông tập luyện võ nghệ cùng đội du kích, cô Thường chị càng thấy nể phục ông hơn. Tình cảm nảy nở, cô Thường chị “bắt” Điểu Xiển làm chồng theo tập tục của người Chơro.
Ngày 6-1-1946, cử tri tỉnh Biên Hòa (trừ xã Bình Trước lúc này nằm trong vòng kiểm soát của quân Pháp) cùng với cả nước hân hoan đi bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tỉnh Biên Hòa có 3 đại biểu trúng cử là: Điểu Xiển, Phạm Văn Búng và Hoàng Minh Châu. Ngày 2-3-1946 là ngày Quốc hội họp phiên đầu tiên, do giao thông khó khăn, từ Biên Hòa ra Hà Nội đôi lúc phải mất cả tháng nên Điểu Xiển khởi hành từ đầu tháng 2. Trong khi đó, từ ngày 26-1-1946, quân Pháp đã đánh chiếm Xuân Lộc. Dọc theo quốc lộ 20 và liên tỉnh lộ 2, địch chiếm lại các đồn điền cao su An Lộc, Bình Lộc, Hàng Gòn, Cam Tiêm... và đóng đồn bót khắp nơi. Vì thế, trên đường đi Điểu Xiển bị lọt vào ổ phục kích của quân Pháp. Sau nhiều lần dụ hàng thất bại, ông bị chúng cột vào sau xe, kéo lê trên đường đến chết.
Những nỗi đau khôn nguôi
Tin Điểu Xiển hy sinh bay về Võ Dõng, lúc này bà Thường chị đang mang thai được 3 tháng. Quân Pháp càn quét, đốt phá làng kháng chiến tan hoang. Gia đình bà Thường em chuyển về chiến khu Xuyên Phước Cơ (Bà Rịa) sinh sống, cưu mang luôn cả bà Thường chị. Tại đây, bà Thường chị sinh người con trai, đặt tên là Điểu Buội. Bà Thường em sau 5 lần sinh nở cũng chỉ giữ được người con trai duy nhất là Võ Văn Bình. Cứ thế, 2 chị em vừa chăm con nhỏ, vừa tăng gia sản xuất nuôi gia đình, tiếp tế cho cách mạng.
Năm 1946, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đã viết bài thơ khi hay tin Điểu Xiển hy sinh: Anh vẫn đứng lặng im/ Hiên ngang như ngọn núi/ Máu căm thù dâng lên trong mắt đỏ/ Nhìn lũ giặc như hùm thiêng nhìn chó/ Bỗng gầm lên mấy tiếng vang trời:/ “Không, không đầu Tây/ Tao thề chết tại đây!”/ Chiếc xe hốt hoảng rồ ga/ Phóng tới như điên khiến anh ngã gục/ Từ cao xa ngọn Chứa Chan còn thấy/ Thấy một anh hùng dân tộc/ Đuổi theo xe như một khối căm hờn/ Máu anh đỏ mãi ruộng vườn/ Núi rừng Xuân Lộc nhớ thương đời đời.
Năm 1954, kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Từ Xuyên Phước Cơ, chị em bà Thường chị, Thường em cùng đưa con về Xuân Mỹ (nay thuộc H.Cẩm Mỹ) sinh sống. Tuy nhiên, cuộc sống dưới chế độ Ngô Đình Diệm rất ngặt nghèo bởi chính quyền liên tục lùng bắt, truy sát những người kháng chiến cũ, nhất là từ khi Luật 10/59 ra đời. Cuối năm 1959, cả 2 mẹ con bà Thường chị đều bị địch bắt đưa qua nhiều trại giam khác nhau, sau đó về khám Chí Hòa. Bị tra khảo tàn bạo trong nhiều tháng, giữa năm 1960, Điểu Buội - người con trai duy nhất của liệt sĩ Điểu Xiển đã tự sát trong tù, lúc ấy anh chưa tròn 14 tuổi.
Khi bọn địch thả ra, bà Thường chị đã gần như điên dại do bị tra tấn, do hay tin con trai duy nhất không còn. Bà Thường em một lần nữa đón chị về chăm sóc, mấy năm sau bà Thường chị mới dần hồi phục. Năm 1964, anh Võ Văn Bình - con của bà Thường em, mới 16 tuổi đã thoát ly gia đình vào đội du kích xã, một năm sau thì chuyển lên huyện làm công tác giao liên. Kể từ đó, bà không gặp được con lần nào nữa cho đến lúc anh Bình hy sinh vào tháng 4-1969. Con hy sinh nhưng bà không hay biết, mãi đến sau ngày giải phóng đồng đội của con đến nhà báo tin, bà mới chết lặng. Nghe kể, Bình và 3 đồng đội khác trên đường công tác thì lọt ổ phục kích của địch, một đại đội lính vây chặt kêu gọi đầu hàng nhưng các anh vẫn chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, rồi anh dũng hy sinh...
Hà Lam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin