Vụ việc một cô giáo dạy Âm nhạc ở Tuyên Quang bị học sinh chửi bới, xúc phạm, quay video sau đó phát tán lên mạng xã hội mới đây đã gây bức xúc, hoang mang trong dư luận. Vì sao lại xảy ra hành động bạo lực phản cảm như vậy trong nhà trường, với những học sinh lớp 7 vốn đã quá quen với câu nói “tôn sư trọng đạo”?
Hình ảnh cô giáo dạy Âm nhạc ở Tuyên Quang bị học sinh chửi bới, xúc phạm |
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên việc học trò vô lễ với giáo viên được phát giác. Trước đó cũng không hiếm trường hợp học sinh do mắc lỗi trong học tập, rèn luyện bị thầy cô nhắc nhở đã có lời nói xúc phạm giáo viên. Nhưng việc ném dép và giở thói côn đồ với giáo viên như những học sinh ở Tuyên Quang cho thấy tính chất, mức độ của sự việc đã đi quá xa. Điều này chứng tỏ môi trường học đường đang có những vấn đề cần phải chấn chỉnh, nhất là trong quan hệ giữa thầy và trò, trò và thầy.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo làm rõ sự việc; đồng thời đề nghị phải có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan. Bộ cũng yêu cầu Sở GD-ĐT Tuyên Quang rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, đồng thời tập trung tăng cường công tác quản lý và đánh giá giáo viên, xây dựng đội ngũ nhà giáo, tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh.
Sau mỗi vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, bài học rút ra là muốn xây dựng văn hóa học đường thành công, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Trong đó, thầy cô và học sinh là đối tượng chính để thực hiện văn hóa học đường. Thầy phải ra thầy và trò phải ra trò. Thầy cô phải yêu thương, gần gũi, cư xử với học sinh đúng chuẩn mực. Học sinh kính trọng, lễ phép với thầy cô. Tuy nhiên, thực tế không ít thầy cô vì thiếu kiềm chế, khi xảy ra những sự việc không như ý muốn trong quá trình giảng dạy đã có những hành xử khiến học sinh bất bình. Thậm chí, có thầy cô đã sử dụng bạo lực với học sinh để lại những ấn tượng xấu trong dư luận xã hội và sau đó phải rời khỏi ngành vì không chịu được áp lực.
Để xây dựng văn hóa học đường, năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chỉ thị nêu rõ: Trong những năm qua, công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường. Ở một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu hấp dẫn.
Chỉ thị cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương với mong muốn việc kết hợp giữa dạy chữ với dạy làm người được chú trọng để không còn xảy ra những vụ việc đau lòng…
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin