Theo ông Trương Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, doanh nghiệp (DN) dù lớn hay nhỏ cũng đều phải liên tục đổi mới để tìm ra mô hình đúng. Trong giai đoạn hiện nay, một trong những giải pháp mà DN đã và đang thực hiện là thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số, áp dụng kinh doanh thương mại điện tử để phát triển bền vững.
Ông Trương Thanh Hùng |
Trong tình hình kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi suy thoái thì mỗi DN phải liên tục đổi mới, tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh để thích nghi với xu hướng tiêu dùng luôn thay đổi.
Đổi mới liên tục là yêu cầu tất yếu
* Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc đổi mới mô hình kinh doanh, cập nhật xu thế thị trường có vai trò như thế nào, thưa ông?
- Theo tôi, không phải đến bây giờ khi kinh tế toàn cầu khó khăn DN mới cần phải đổi mới để phát triển. Đổi mới kinh doanh là gốc rễ cho sự tăng trưởng bền vững của mỗi DN. Dù lớn hay nhỏ, không có một DN nào có thể vượt lên nếu mô hình kinh doanh của mình không đổi mới sáng tạo từng ngày, từng giờ, hoặc ít nhất là từng thời kỳ.
Ví dụ DN đặt ra thời hạn cho mình là 6 tháng phải ngồi lại để bàn bạc, làm lại mô hình kinh doanh, tìm ra điều gì đó mới để hoạt động hiệu quả hơn. DN không cần phải đổi mới tất cả mà có thể thay một cấu trúc nào đó bằng cái phù hợp hơn để việc kinh doanh tiếp tục phát triển. Vì thế, đổi mới mô hình kinh doanh là việc thường trực của mỗi DN nếu muốn trở nên to lớn hơn trong tất cả mọi thời kỳ chứ không chỉ là giai đoạn khó khăn hiện nay. Nếu DN đợi đến khi khó khăn mới đổi mới thì sẽ chậm chân so với yêu cầu của thị trường.
* Ông có đánh giá như thế nào về tầm quan trọng và lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho các DN?
- Tôi cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và internet, việc sử dụng công nghệ số để cải thiện quy trình kinh doanh, tối ưu hóa hiệu suất và tăng cường trải nghiệm khách hàng trở thành yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy thành công của DN hoặc dự án khởi nghiệp.
Chậm chuyển đổi, DN sẽ bị bỏ lại phía sau, không thể tận dụng cơ hội mới từ thị trường số hóa nhanh chóng. Kế đến là đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, vì các DN chuyển đổi số sẽ tăng cường hiệu quả hoạt động, tiếp cận linh hoạt hơn, tối ưu hóa chi phí và cung cấp giá trị tốt hơn cho khách hàng từ đó thu hút được nhiều khách hàng hơn.
* Một ví dụ cụ thể hơn của chuyển đổi số là kinh doanh thương mại điện tử, theo ông DN cần chuẩn bị cho điều này như thế nào?
- Xu hướng thương mại điện tử hay bán hàng trực tuyến trong thời đại công nghệ 4.0 đã và đang phát huy hiệu quả vượt bậc. Các mô hình kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phát triển nhanh chóng để đáp ứng với mọi nhu cầu của khách hàng.
Mô hình kinh doanh thương mại điện tử là một kiểu kinh doanh online tạo điều kiện cho các tổ chức, startup giao dịch, mua và xử lý hàng hóa thông qua mạng điện tử như internet. Tại đây, startup có thể mua và bán nhiều loại hàng hóa trên phạm vi toàn thế giới, ở bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào startup chọn, đây là điểm nổi bật của thương mại điện tử.
Muốn tham gia và đạt hiệu quả cao trong kinh doanh, một startup thương mại điện tử cần phải có trực giác, kiến thức sâu về thị trường, nghiên cứu cẩn thận về các sản phẩm và đặc biệt về mô hình kinh doanh để xây dựng được kế hoạch kinh doanh hiệu quả. Để chọn đúng mô hình kinh doanh thương mại điện tử cho chính mình, trước tiên, chủ startup cần làm quen và tìm hiểu từng loại mô hình này. Startup cũng sẽ cần xác định một nền tảng thương mại điện tử phù hợp với nhu cầu của mô hình kinh doanh.
* Ông vừa tham gia đào tạo cho các DN trên địa bàn Đồng Nai về các giải pháp để ứng dụng chuyển đổi số, kinh doanh thương mại điện tử. Vậy ông có nhận xét gì về sự quan tâm của các DN Đồng Nai với những lĩnh vực trên?
- Đối với chuyển đổi số nói chung và thương mại điện tử nói riêng, một trong những vấn đề khó khăn đầu tiên là sự nhận thức của chủ DN. Những chương trình đào tạo sẽ là sự khai mở cho các DN thấy được bức tranh tổng thể của chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng số hóa. Mọi thất bại hay thành công đều là từ những quyết sách của chủ DN đưa ra trong con đường kinh doanh của mình.
Tôi nhận thấy, sự quan tâm, tìm hiểu và triển khai thực hiện ở các DN đã tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là ở những người trẻ. Điều này hứa hẹn sẽ tạo ra sự bùng nổ trong giai đoạn tới trên lĩnh vực kinh doanh số, thương mại điện tử.
Các học viên trao đổi, thảo luận tại khóa học về kinh doanh trên thương mại điện tử vừa được tổ chức ở TP.Biên Hòa |
Muốn bền vững phải hướng đến kinh doanh liêm chính
* Gần đây, vấn đề liêm chính trong kinh doanh hay được nhắc đến, theo ông cần hiểu về vấn đề này như thế nào?
- Liêm chính trong kinh doanh là vấn đề cần được quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường của đất nước. Bởi nó cần được bảo đảm nguyên tắc, chuẩn mực liêm chính trong kinh doanh là trách nhiệm, nghĩa vụ chung của cả xã hội. Liêm chính trong kinh doanh là xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, một trong những yếu tố quan trọng giúp cho DN có thể thành công, phát triển bền vững.
Ông TRƯƠNG THANH HÙNG nhấn mạnh, chuyển đổi số hiện nay là chuyến tàu DN không thể bỏ lỡ, nếu không từng DN sẽ chậm chân. Như vậy, nền kinh tế sẽ thiếu những yếu tố để có thể cạnh tranh trên thương trường. |
* Như vậy, DN cần tiếp nhận điều đó ra sao?
- Tôi nghĩ, DN cần xác định tinh thần nghiêm túc, trước tiên là tuân thủ tốt pháp luật; sau đó có thể áp dụng các bộ quy tắc ứng xử nội bộ để quản lý, tôn trọng khách hàng, giữ cam kết, giữ lời hứa, minh bạch, chính trực và thực hiện nhất quán các cam kết với các bên liên quan. Thực tế, trong những năm qua đã xuất hiện nhiều DN làm ăn chụp giật, thậm chí lừa dối khách hàng, lừa đảo và đã bị các cơ quan chức năng xử lý. Điều này làm méo mó thị trường, tác động xấu đến cộng đồng DN khác làm ăn đàng hoàng, nghiêm túc.
Do đó, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xây dựng Bộ tiêu chí “Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và DN khởi nghiệp”, cũng như “Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII)”. Là một cơ quan của VCCI, Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, chúng tôi sẽ ngày càng đào tạo nhiều hơn về liêm chính cho DN khởi nghiệp để giúp họ hiểu rằng minh bạch và liêm chính là bệ đỡ vững chắc trong kinh doanh.
* Từ nhiều năm nay, ông đóng vai trò là cố vấn khởi nghiệp, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình ông đã phải nỗ lực như thế nào?
- Cố vấn khởi nghiệp là mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Theo đó, người cố vấn, dự án khởi nghiệp phải cùng nhau phát triển và cùng hưởng lợi về mối quan hệ này. Dự án khởi nghiệp được cố vấn sẽ nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện, khả năng thành công sẽ cao hơn. Cố vấn khởi nghiệp phải thường xuyên rèn luyện thêm kỹ năng, cập nhật thông tin, kiến thức về công nghệ mới, xu hướng mới thông qua quá trình cố vấn.
Một cố vấn khởi nghiệp tốt, ngoài kinh nghiệm, tri thức tích lũy được còn phải có đam mê, sẵn sàng cống hiến, cần phải được đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tạo tác động xã hội, kỹ năng làm cố vấn. Đồng thời, cần có môi trường thực tế của dự án khởi nghiệp để họ thực hành cố vấn.
* Xin cảm ơn ông!
Văn Gia (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin