ThS Hà Thị Thu Quỳnh, Trưởng bộ môn Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai là một trong 20 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên cả nước được vinh danh, tuyên dương nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua. Để có được vinh dự này, bản thân cô Thu Quỳnh đã không ngừng tự học và truyền cảm hứng cho sinh viên về nghề hộ sinh.
ThS Hà Thị Thu Quỳnh khi làm công việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: NVCC |
ThS Thu Quỳnh cho rằng, chính cái tâm với nghề đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn và trở ngại trong cuộc sống để tiếp tục vững vàng với nghề.
* Hạnh phúc với nghề dạy học
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y dược TP.HCM vào năm 2010, cô giáo trẻ Thu Quỳnh về công tác tại Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai.
Rẽ lối từ nghề nữ hộ sinh sang làm công tác giảng dạy, cô Quỳnh đã gặp phải nhiều khó khăn. Cô chưa hề có kinh nghiệm giảng dạy, chưa biết đến soạn giáo án, giáo trình, bài trình chiếu, chưa biết xử lý các tình huống sư phạm. Tuy vậy, giảng viên trẻ này đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ và tham gia các hội giảng từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Qua mỗi hội giảng, cô lại được trau dồi thêm các kỹ năng về phương pháp giảng dạy, áp dụng hiệu quả những cách thức xử lý tình huống sư phạm. Đến năm 2021, cô tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc và đạt giải nhất.
ThS Thu Quỳnh kể lại: “Thời điểm đó, Đồng Nai đang nằm trong đỉnh dịch Covid-19, tất cả thầy, cô giáo và sinh viên của trường đều tham gia chống dịch. Bản thân tôi vừa tham gia ở đội tiêm ngừa vaccine cho người dân vừa tranh thủ chuẩn bị cho bài dự thi. Do dịch Covid-19, hội giảng được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Đây là một thử thách đối với các giáo viên tham dự hội giảng bởi hình thức này yêu cầu thêm nhiều kỹ năng về công nghệ thông tin”.
Vượt qua những khó khăn đó, cô Thu Quỳnh đã đạt giải nhất hội giảng. Đối với cô, đó là món quà nhỏ dành để tri ân những người đang ngày đêm cố gắng chiến đấu không ngừng nghỉ vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
“Y dược là một lĩnh vực cần cập nhật đổi mới liên tục, do đó, người giảng viên cần phải trau dồi, học hỏi, rèn luyện nhằm nâng cao năng lực chuyên môn mới có thể áp dụng thuận lợi và hiệu quả trong quá trình giảng dạy” - cô Thu Quỳnh tâm sự.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, ThS Thu Quỳnh cho biết, bản thân chị cảm thấy tự hào khi giảng dạy lĩnh vực chăm sóc SKSS trong suốt các giai đoạn cuộc đời của người phụ nữ. Đó là niềm vui được đồng hành với những người mẹ từ khi mang thai đến khi sinh con; cảm nhận được giây phút thiêng liêng khi là người đầu tiên nâng đỡ, hỗ trợ trẻ sơ sinh đến với cuộc đời tươi đẹp này.
* Truyền lửa đam mê
Trong hệ thống ngành Y tế, hộ sinh là một ngành riêng biệt mà công việc chính là chuyên chăm sóc SKSS trong suốt các giai đoạn sinh nở của người phụ nữ và của trẻ sơ sinh như: khám thai, khám phụ khoa, theo dõi chuyển dạ và đỡ sinh, may tầng sinh môn, chăm sóc sau sinh thường - sau mổ lấy thai, chăm sơ sinh, thông tắc tuyến sữa, massage mẹ và bé…
Cô Thu Quỳnh cho biết, không có cách thức nào có thể truyền được đam mê nghề nghiệp tốt nhất, ưu việt nhất ngoài con đường từ trái tim đến trái tim. Khi đã cảm nhận được ý nghĩa, mục đích, vai trò và tầm quan trọng của nghề thì người học sẽ học với một tâm thế đam mê và cống hiến không mệt mỏi. |
Y tế Việt Nam hiện đang “khát” nhân viên hộ sinh. Đặc biệt, nhu cầu hộ sinh không chỉ tăng cao trong nước mà cả thế giới đều rất cần nhân lực ngành này. Báo cáo tình trạng hộ sinh thế giới công bố Ngày quốc tế Hộ sinh 5-5-2021 khẳng định đang thiếu hụt khoảng 900 ngàn hộ sinh.
Thực tế trên cho thấy, hộ sinh là một nghề triển vọng trong xã hội hiện nay. Nhu cầu nhân lực nghề này ngày càng nhiều khi lĩnh vực chăm sóc SKSS cho phụ nữ và chăm sóc sơ sinh càng được chú trọng hơn.
Theo cô Thu Quỳnh, để trở thành một hộ sinh giỏi, trước hết, các bạn trẻ cần có một tình yêu thương, đồng cảm, thấu hiểu, một thái độ tâm huyết và tận tụy khi đồng hành với người phụ nữ và trẻ sơ sinh. Vì vậy để sinh viên có thể yêu và tâm huyết với nghề thì trước hết là cần yêu thương chính người mẹ của mình.
“Trong các bài giảng, tôi luôn đề cao và khẳng định vai trò, sự hy sinh thầm lặng của người mẹ: Từ những cơn đau quặn thắt, những giọt nước mắt hạnh phúc, những nụ cười rạng rỡ ngập tràn niềm vui khi trải qua nhiều giờ chuyển dạ đau đớn mới có thể đón con đến với thế giới này. Rồi hành trình mẹ phải vượt qua những khó khăn cả về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh...” - cô Thu Quỳnh chia sẻ.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin