TP.Biên Hòa hiện có 27 di sản văn hóa được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Việc nhận diện giá trị di sản và xây dựng chương trình bảo tồn, phát huy giá trị của từng di sản là rất cần thiết.
Lễ nghinh Đức Ông Quan Thánh đế quân, nghinh Thần của lễ hội chùa Ông trên sông Đồng Nai. Ảnh: NGUYỄN HỮU DŨNG |
Tuy nhiên, để các di sản này phát huy triệt để các giá trị, đặc biệt là trong khai thác du lịch thì không thể tách rời từng di sản mà cần kết nối các di sản lại với nhau và kết nối với các di sản ở khu vực TP.HCM, Bình Dương.
Góp sức cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
Sau 3 tháng chuẩn bị, tọa đàm khoa học về phát huy giá trị di sản văn hóa ở TP.Biên Hòa đã diễn ra thành công. Tọa đàm được đánh giá là có chất lượng cao về mặt khoa học với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ 5 trường đại học trong và ngoài tỉnh với 33 bài tham luận. Trong đó, Nhóm nghiên cứu Di sản văn hóa trong đời sống đương đại (Nhóm nghiên cứu) thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) phụ trách tổ chức nội dung khoa học.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa NGUYỄN XUÂN THANH:
Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của mọi công dân nhưng trước hết thuộc về chính quyền và các đoàn thể nhân dân. UBND TP.Biên Hòa mong được các tầng lớp nhân dân, các nhân sĩ trí thức, các nhà nghiên cứu và nhà quản lý văn hóa đóng góp ý kiến xây dựng để TP.Biên Hòa làm tròn trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Việc phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học đã giúp thành phố thu nhận được nhiều ý kiến rất quý báu.
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng nhóm nghiên cứu, tọa đàm có nhiều bài tham luận được nghiên cứu rất sâu, trong đó có nghiên cứu Mộc bản triều Nguyễn về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và cống hiến của danh nhân Trịnh Hoài Đức; nghiên cứu các khía cạnh liên quan đến giá trị biểu tượng của Quan Đế (Quan Công) và ý nghĩa về kiến trúc mỹ thuật trang trí và lễ hội chùa Ông ở TP.Biên Hòa; nghiên cứu về vị trí của di sản mộ Trịnh Hoài Đức, lễ hội chùa Ông trong dòng chảy của truyền thống lịch sử, văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và của cả khu vực nói chung.
Để nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa cần có sự đối thoại, chung tay góp sức của nhà khoa học, nhà quản lý và quần chúng nhân dân. Trên cơ sở đó, xây dựng được bộ phương pháp cụ thể cho từng di sản văn hóa, từng cụm di tích và trong tổng thể vùng văn hóa.
Bên cạnh đó, cũng cần phải lắng nghe ý kiến của công chúng, đặc biệt là công chúng đang sống với di sản ở khu vực Biên Hòa và du khách đến với Biên Hòa. Việc lắng nghe sẽ giúp nhà khoa học, nhà quản lý biết được nhu cầu của công chúng khi tìm đến với di sản; biết được thế mạnh của từng loại di sản và có một kế hoạch trong việc tái phát huy, xây dựng ý nghĩa thương hiệu của nó. Từ đó, đưa vào các chương trình nghị sự về chính trị, xã hội cũng như về du lịch.
Cần có sự kết nối
TS Phan Anh Tú, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho biết, về giá trị khoa học, tọa đàm đã góp phần xây dựng cơ sở lý luận trong nghiên cứu hệ thống di sản văn hóa của TP.Biên Hòa, đặc biệt là 2 di tích chùa Ông và kiến trúc quần thể mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức. Đồng thời, các nhà khoa học cũng đặt ra yêu cầu các giá trị di sản văn hóa này cần được bảo tồn theo tính nguyên bản.
Đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, các nhà khoa học cho rằng, cần kết nối giữa di tích chùa Ông với không gian di sản văn hóa cù lao Phố - nơi có 20 di tích kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo và tín ngưỡng nằm trên cùng địa bàn P.Hiệp Hòa. Trong đó, lấy lễ hội chùa Ông làm sự kiện trọng điểm để kết nối với không gian di sản văn hóa ở cù lao Phố trong xây dựng các chương trình du lịch. Mở rộng ra, các di sản văn hóa của Biên Hòa - Đồng Nai cần được kết nối trong tổng thể với các di sản văn hóa khu vực TP.HCM, Bình Dương.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ cho biết, TP.Biên Hòa hiện có 27 di sản được công nhận di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Các di sản văn hóa này đều là các mắt xích trong cùng một dòng chảy của dòng sông Đồng Nai hay còn gọi là dòng sông văn hiến Đồng Nai.
“Chúng ta không nên chia nhỏ các cụm di tích. Việc nhận diện ý nghĩa và giá trị là đúng, nhưng chúng ta không thể nào khai thác một cách rời rạc được mà phải có một sự kết nối. Sự kết nối này không bắt đầu từ tư tưởng của chúng ta - con người của thời đương đại mà phải bắt đầu từ bản thân, tính chất, thuộc tính của di sản của nền văn hiến Đồng Nai. Đó chính là dòng sông Đồng Nai - dòng sông hình thành và phát triển của cả diện mạo văn hóa Nam bộ, trong đó Biên Hòa - Đồng Nai mang tính dẫn dắt” - PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ nhấn mạnh.
Không chỉ tích hợp các di sản của Biên Hòa lại với nhau mà chúng ta còn phải kết nối và giao tiếp với các di sản ở khu vực TP.HCM và khu vực Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) để hình thành một cụm các di sản gắn liền với hệ thống sông Đồng Nai. Trên cơ sở đó, có thể xây dựng các chương trình du lịch, tuyến du lịch di sản văn hóa sông Đồng Nai.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin