Báo Đồng Nai điện tử
En

Đỗ Hữu Tài, kỳ tài & phức tạp

Bùi Quang Huy
07:54, 09/12/2023
 

Nhà giáo nhân dân, TS Đỗ Hữu Tài rời cửa thế đã ba năm. Nếu còn, giờ Anh 76 tuổi, thời nay chưa phải đã quá già. Tiếc thay!

Nhà giáo nhân dân, TS Đỗ Hữu Tài

Nhà báo Bùi Thuận có bảo tôi viết một bài về Anh để in trong cuốn Kỷ yếu Trường Trung học Công Thanh, ngôi trường trung học thứ hai của tỉnh Biên Hòa cũ, sau Trường Trung học Ngô Quyền. Quả tình, thật bối rối, không phải không biết nhiều về Đỗ Hữu Tài. Nhưng, viết nhiều trang chưa hẳn đã đủ về một con người như Anh. Đương thời, đã có rất nhiều bài viết về Đỗ Hữu Tài, một nhà giáo cả nước đều biết tiếng; một nhạc sĩ có nhiều ca khúc, xuất bản thành album riêng... Đỗ Hữu Tài cũng là người đầu tiên sáng lập ra một trường đại học tư thục ở Đồng Nai (khi Nhà nước chưa có chủ trương trường tư thục, trường mang tên dân lập). Trường đại học Lạc Hồng do nhà giáo Đỗ Hữu Tài thành lập và làm chủ thực sự đã không ngừng phát triển, trở thành một trường đại học đa ngành, đào tạo cả bậc sau đại học. Rồi rất nhiều chuyện, nhiều việc nữa. Ví như, Anh là Chủ tịch Hội Từ thiện của tỉnh mà đứng đầu tổ chức ấy, không phải người đầu tiên đóng góp tiền của “coi sao được” và “làm chẳng xong”! Ai kỳ công có thể viết về một công trình nghiên cứu về nhà giáo Đỗ Hữu Tài.

Thế nhưng, tôi nghĩ, hiểu được và hiểu đúng “con người” Đỗ Hữu Tài quả không dễ! Nói trộm vía Anh, từ vài mươi năm trước, thuở Anh cường tráng, uống rượu phà phà, tôi luôn nghĩ Anh là người kỳ tài và phức tạp. Ngắm nhìn, ngẫm nghĩ về một con người như thế thật thú vị biết bao!

Vào thập niên chín mươi của thế kỷ trước, khi ấy nhà giáo Đỗ Hữu Tài đang là Hiệu trưởng Trường PTTH Ngô Quyền. Đây là trường trung học đầu tiên của đất Biên Hòa xưa và là ngôi trường cấp III lớn nhất của tỉnh Đồng Nai. Một hôm, tôi không còn nhớ rõ là ngày nào, có những cầu thủ từ ngoài Bắc vào Đồng Nai chơi. Trong đó có hai huấn luyện viên của hai đội bóng đang rất nổi tiếng là Thể Công và Công an Thanh Hóa. Tôi nhớ, những người khách xứ Bắc vô cùng thích thú khi nghe thầy Đỗ Hữu Tài nói chuyện trên trời dưới biển, chứ không riêng gì chuyện đá banh. Một vị huấn luyện viên, lớn tuổi hơn, ngạc nhiên khi biết Đỗ Hữu Tài cũng là dân Hướng Đạo như mình hồi xa xưa. Kiểu cách của những Hướng Đạo sinh dù có giấu cách gì họ cũng nhận ra nhau. Và, từ lúc đó, tôi thấy giữa hai người như những anh em thân thiết từ lâu!

Lần khác, khi nhân dịp khai giảng năm học mới của Trường Ngô Quyền, anh Đỗ Hữu Tài mời ông Huỳnh Văn Bình, Chủ tịch UBND tỉnh, về dự. Sau buổi lễ, ở nhiều nơi, ông Năm Bình kể với mọi người rằng, thầy giáo Tài rất khôn: Trường có dãy lầu mới xây được tầng trệt, tầng trên cọc bê tông lổn nhổn chỉa lên trời. Tôi biết ngay dụng ý của thầy hiệu trưởng khi mời tôi về khai giảng. Quả nhiên, trường được cấp thêm kinh phí và người cấp cũng rất vui vẻ! Lịch sử ngành giáo dục Đồng Nai sau này hẳn phải ghi nhớ công sức của nhà giáo Đỗ Hữu Tài, nhất là việc xây trường, mở lớp, xóa ca ba. Chỉ trong vòng hai ba năm, hàng loạt ngôi trường ọp ẹp từ thời bao cấp đã được thay thế bằng những ngôi trường mới xây khang trang, học sinh ở vùng sâu, vùng xa có chỗ học đàng hoàng. Dĩ nhiên, tiền xây trường là từ ngân sách, nhưng có thể nó vẫn là tiền thôi!

Đỗ Hữu Tài là nhà giáo, nhưng nếu Anh dấn thân vào con đường chính trị, hoặc chuyên chú làm kinh tế chắc sẽ nổi danh chẳng kém gì (Tôi nói nổi danh chứ không nói thành công)! Tiếc thay, tạo hóa không cho con người tất cả. Càng tiếc hơn, những người như Anh không ở với chúng ta dài lâu hơn nữa!

Dáng dấp bề ngoài Đỗ Hữu Tài đôi khi như là một “hảo hán” hơn là thầy giáo. Nghiệp sư phạm phần nào che lấp “tay chơi” ở Anh chăng? Nhưng nhờ thế, Đỗ Hữu Tài rất thành công trong giáo dục, nhất là giáo dục cá biệt và khi ra khỏi phạm vi nhà trường, Anh “chơi” được với nhiều dạng người, đương nhiên là rất hiểu họ! Thầy giáo Đỗ Hữu Tài có thể nói chuyện sôi nổi ở các lĩnh vực, từ giáo dục, chính trị, quân sự, kinh tế... Chuyện gì Anh cũng lôi cuốn người nghe. Vốn là thầy giáo môn Lý - Hóa, nhưng đàn hát, văn chương Đỗ Hữu Tài đều rành rẽ. Đặc biệt, Anh có tài hùng biện, không cần giấy tờ, bút mực mà lại nói năng lưu loát, ngon lành! Tôi luôn thầm nghĩ, đất Biên Hòa có những con người thật thú vị. Họ thú vị trước hết không phải ở công lao, sự nghiệp, mà ở chỗ khiến cho cuộc đời này không tẻ nhạt, nhàm chán.

Thầy Tài, không ít lần, hay kể, trong Tam quốc, Anh thích Tào Tháo hơn cả, rằng Lưu Bị mới là kẻ mị dân. Hình như sau này, đứng về phía con người và diễn trình lịch sử, cái nhìn ấy đông đảo dần lên!

            Mạnh Hạ, Quý Mão

Tin xem nhiều