Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi tìm sự khác biệt của gốm Biên Hòa

Ngọc Liên
21:46, 15/12/2023

Theo những người thợ làm gốm thủ công tại khu vực làng gốm Tân Vạn (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa), điều làm nên sự khác biệt của gốm Biên Hòa chính là những yếu tố về đất, men và lửa. Khi gốm được nung trong lò truyền thống, những yếu tố này đã tạo nên những sắc màu lung linh, riêng biệt cho từng sản phẩm gốm Biên Hòa.

Vận chuyển gốm mộc vào lò chuẩn bị mẻ gốm mới. Ảnh: N.LIÊN
Vận chuyển gốm mộc vào lò chuẩn bị mẻ gốm mới. Ảnh: N.LIÊN

Đó cũng là lý do để hiểu rằng, dù nghề gốm phát triển ở nhiều nơi và tồn tại từ rất lâu, thế nhưng gốm Biên Hòa vẫn có danh của riêng mình. Bởi trong mỗi sản phẩm, những người thợ gốm đã gửi gắm vào đó cả sự nhiệt huyết, sáng tạo và niềm đam mê cùng với trách nhiệm nghề, để tạo nên những dòng sản phẩm về gốm đất đen và gốm đất trắng vô cùng độc đáo.

* Sắc gốm lung linh theo sắc lửa

Gốm Biên Hòa được tạo nên từ nguyên liệu chính là đất sét. Gốm có 2 loại chính là gốm đất đen và gốm đất trắng (gốm trắng). Trong đó, gốm đất đen thường được nung tự nhiên không phủ men, còn gốm trắng thường dùng trang trí, phủ men tạo hình hoa văn trang trí khá công phu.

Ngày nay, gốm trắng Biên Hòa có thể nung bằng lò truyền thống hoặc lò gas hiện đại. Tuy nhiên, để có sản phẩm gốm đất đen thì bắt buộc phải nung gốm trong lò truyền thống bằng củi. Dạo quanh một số lò nung gốm truyền thống tại khu vực làng gốm Tân Vạn, các chủ lò cho biết, lò gốm ở Tân Vạn được làm theo quy cách lò nghiêng, có hình dáng như một con cá heo, có chiều dài từ vài chục đến cả trăm mét. Hai bên thân lò có các mắt lửa (nơi để bỏ củi dọc theo thân lò).

Ông TRẦN THÀNH TÂM nhận định, theo thời gian, cùng với những quy định của Nhà nước, các cơ sở gốm phải di dời vào cụm công nghiệp để sản xuất tập trung, có sự kiểm soát về môi trường.

Đối với các lò truyền thống, nung gốm là khâu quan trọng quyết định thành bại của mẻ gốm. Do đó, để có được mẻ gốm thành công, các lò thường có đội thợ lửa riêng để canh lò, thêm bớt mắt lửa dọc thân lò hợp lý nhất.

Ông Lý Văn Hùng, thợ lửa chuyên phụ trách công việc canh lò cho các lò truyền thống trên địa bàn P.Tân Vạn chia sẻ, quy trình cho 1 mẻ gốm hoàn thành từ khi bắt đầu xếp gốm mộc (gốm chưa được nung) vào lò cho đến khi ra lò khoảng 1 tuần. Gốm mộc sau khi được xếp vào lò sẽ bắt đầu công đoạn sấy khô gốm trong lò khoảng 2 ngày bằng cách đốt củi cuối lò cho tăng nhiệt trong lò để sấy gốm. Sau khi gốm đã được sấy khô hoàn toàn, thợ lửa bắt đầu công việc lên lửa cho mắt lò đầu tiên, bắt đầu quy trình nung gốm. Quá trình nung gốm, nhiệt độ trong lò phải luôn duy trì ổn định ở trên dưới 1.2000C. Độc đáo ở chỗ, toàn bộ quy trình nung gốm không hề có một thiết bị công nghệ nào mà hoàn toàn dựa vào "con mắt nghề" của các người thợ lửa. Màu sắc của từng sản phẩm gốm cũng không giống nhau bởi nó phụ thuộc vào từng vị trí lửa gần hay xa, hoặc lửa chỉ táp thoáng qua trên sản phẩm cũng cho ra một màu hoàn toàn khác nhau.

Ông Trần Thanh Tâm, chủ doanh nghiệp gốm Tâm Phát chia sẻ, lò nung gốm ở Tân Vạn được làm theo dạng lò nghiêng, lò phải có độ dốc đi từ dưới lên để bảo đảm lửa không được quẩn ngược lại phía sau. Mỗi mẻ gốm sẽ tốn khoảng 20 tấn củi và cho ra được nhiều thể loại, kích cỡ của các sản phẩm gốm khác nhau.

Bộ gốm phước - lộc - thọ được chế tác hơn 100 năm tại Tân Vạn
Bộ gốm phước - lộc - thọ được chế tác hơn 100 năm tại Tân Vạn

Theo ông Tâm, những người đam mê đồ gốm rất thích gốm Biên Hòa bởi nó được nung trên lò lửa, tạo ra những màu sắc độc và lạ. Gần đây, khi các đoàn khách du lịch tới tham quan đều rất thích thú với nghề làm gốm thủ công. Ông Tâm đang ấp ủ sẽ kết hợp vừa là cơ sở gốm, vừa tạo sân chơi cho các em thiếu nhi, khách du lịch tham quan, trải nghiệm nghề gốm.

* Giữ nghề truyền thống

Để có được một sản phẩm gốm Biên Hòa, ngoài nguyên liệu, các tiêu chí để cho ra được sản phẩm gốm có màu sắc cơ bản sẽ bắt đầu trải qua các công đoạn, từ người thợ in, thợ chấm men, thợ lửa cho đến thợ hoàn thiện sản phẩm.

Gốm truyền thống Biên Hòa ban đầu được sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong đời sống người dân như: bình, lu, hũ… Hiện nghề làm gốm truyền thống không còn nhiều, nhu cầu sử dụng chính là trang trí. Những sản phẩm gốm Biên Hòa được ưa chuộng cả trong nước lẫn quốc tế. Đặc biệt, sản phẩm gốm đất đen ngày nay thường cung cấp cho thị trường miền Trung và miền Bắc hoặc xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ…

Các sản phẩm gốm đất đen sau khi hoàn chỉnh
Các sản phẩm gốm đất đen sau khi hoàn chỉnh

Ngày nay, để đáp ứng các quy định cũng như sự tiện ích trong sản xuất, nhiều cơ sở đã sử dụng lò công nghiệp để sản xuất gốm. Tuy vẫn giữ được những nét riêng nhưng sự lung linh, đa dạng sắc màu trên một sản phẩm gốm, không còn như dùng lò thủ công bởi lò hiện đại luôn có sự chính xác, trong khi lò thủ công phụ thuộc vào sự hòa quyện lửa tự nhiên bên trong lò.

Bà Phạm Thị Mỹ Duyên, thợ chấm men cho một cơ sở gốm ở P.Tân Vạn cho biết, theo từng độ lửa mà người thợ có thể chế ra nhiều màu cho phù hợp với tính chất trang trí của từng sản phẩm. Men trên đồ gốm là một sự góp nhặt những vẻ đẹp độc đáo của sản phẩm. Gốm trắng thường được dùng để sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ, phục vụ thị thường. Ngày nay, thợ chấm men, thợ vận chuyển đồ nhẹ tại các lò truyền thống chủ yếu là phụ nữ. Bà Duyên cho biết, đây là công việc mang lại thu nhập chính cho bà và bà đã gắn bó hàng chục năm qua.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều