Tại phiên họp ngày 25 và 26-10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước như dự thảo Chính phủ trình. Đồng thời các đại biểu cũng tán thành việc bổ sung đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước là người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Người dân ngoại tỉnh đến làm thủ tục cấp căn cước công dân tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh. Ảnh: P.Liễu |
Nội dung này đang được dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước là nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn, cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự.
* Nhiều ý kiến đồng tình
Theo dự án Luật Căn cước, đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước bao gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; người di cư tự do sống dọc biên giới Việt Nam với các nước láng giềng.
Ông Vũ Dương Lai (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) phân tích, mỗi người sống và làm việc rất cần giấy tờ hợp pháp. Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhóm đối tượng gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng không xác định được quốc tịch là tạo điều kiện cho họ khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự trên địa bàn, nhưng nên là một loại thẻ khác để phân biệt, chứ không thể cấp cho họ thẻ căn cước như công dân Việt Nam, bởi họ chưa phải là công dân Việt Nam.
ThS luật Trần Thị Phương Loan (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho rằng, những người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng thì sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội.
Dự án Luật Căn cước có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Căn cước tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 25-10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Căn cước có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết. Dự án luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân mà còn ý nghĩa cho việc phát huy giá trị, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước, giá trị, tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu mục tiêu Đề án 06 đang triển khai.
* Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Theo Bộ Công an, hiện nay có khoảng hơn 31 ngàn người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Trong đó có 775 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch; 10,6 ngàn người không xác định được quốc tịch và số còn lại không có giấy tờ tùy thân, không đăng ký cư trú tập trung tại bất kỳ địa phương nào. Thực tế này gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh trật tự khi họ vi phạm pháp luật.
Trường hợp người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam không được thu thập thông tin, dữ liệu và quản lý mà vi phạm pháp luật thì cơ quan Nhà nước sẽ không có thông tin để tra cứu, xác minh, nhất là thông tin sinh trắc học về vân tay, ảnh chân dung, gây khó khăn cho việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khi cấp giấy chứng nhận căn cước thì Nhà nước sẽ quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống tại địa phương và tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xem xét cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch cũng là một giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tạo thuận lợi cho người không quốc tịch yên ổn làm ăn, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Khi được cấp giấy chứng nhận căn cước, người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch có thể sử dụng để tham gia các giao dịch dân sự, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Phương Liễu
Đại tá TRẦN NGỌC MINH, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh:
Gỡ khó cho công tác quản lý nhân khẩu
Cấp giấy chứng nhận căn cước là bước đầu tiên giúp cơ quan, chính quyền địa phương có thông tin, dữ liệu ban đầu quản lý nhân khẩu, giải quyết các vấn đề về an sinh.
Hiện Đồng Nai còn nhiều nhân khẩu đặc biệt, trong đó chiếm phần đông là dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam. Những người trong diện này chủ yếu sống rải rác ven sông, hồ, mưu sinh bằng giăng câu thả lưới, cất lều tạm, hoặc sống trên các làng bè. Do không có giấy tờ tùy thân, chưa xác định được quốc tịch nên các nhân khẩu này còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, chưa đảm bảo được các điều kiện cơ bản về an sinh xã hội như: học tập, y tế, việc làm…
Vì vậy, theo dự án Luật Căn cước, các đối tượng này sẽ được cấp số định danh và được cấp giấy chứng nhận căn cước là bước đầu tiên giúp cơ quan, chính quyền địa phương có thông tin, dữ liệu ban đầu quản lý nhân khẩu từ đó làm tiền đề giải quyết các vấn đề về an sinh cơ bản như y tế, giáo dục, việc làm… Từ đó thuận lợi trong công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự tại cơ sở, giúp đảm bảo quyền, lợi ích tối thiểu cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được Quốc tịch.
Kim Liễu (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin