Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng, tập trung đi vào chiều sâu, đa dạng hình thức đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao kiến thức cũng như ý thức tự giác tuân thủ pháp luật cho các tầng lớp nhân dân.
Các mô hình tuyên truyền, PBGDPL được triển khai thực hiện từ thành thị đến nông thôn, từ trường học đến các nhà máy, xí nghiệp. Đó không chỉ dừng lại ở các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí đến tận các khu dân cư, khu nhà trọ mà còn là việc thành lập ngày càng nhiều điểm tư vấn của pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, Hội Luật gia tỉnh dần phủ kín các địa phương trong tỉnh. Người dân dễ dàng được tư vấn pháp luật miễn phí khi có nhu cầu. Nhờ đó, các tình huống pháp lý phát sinh trong cuộc sống được đội ngũ chuyên môn tư vấn hướng giải quyết đúng pháp luật; hạn chế gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền và PBGDPL cũng đang được đẩy mạnh tại Đồng Nai với việc nhiều năm liền tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật Việt Nam thu hút đông đảo người dân tham gia, trong đó có khá đông học sinh. Nhiều sở, ngành, địa phương, đơn vị cũng có website hoặc các trang mạng xã hội riêng để tuyên truyền, PBGDPL đến với các thành viên, hội viên, đoàn viên và người dân. Trong đó, có những trang mạng xã hội Facebook như: Thanh niên Đồng Nai, Hoa hồng đỏ… thường xuyên đăng tải những bài viết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; vạch trần sự thật đằng sau các thông tin giả, xấu, độc. Qua đó giúp người dân luôn tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không bị các đối tượng xấu dụ dỗ lừa đảo, thao túng tâm lý.
Để người dân “thấm sâu, nhớ lâu” các kiến thức, quy định pháp luật thì công tác tuyên truyền, PBGDPL cần không ngừng đổi mới nội dung tuyên truyền, lẫn hình thức thể hiện sao cho phù hợp với xu thế phát triển của thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ. Tùy theo đối tượng đặc thù mà có cách thức tuyên truyền, PBGDPL cho phù hợp làm sao để tạo thành thói quen, phong trào tự giác tìm hiểu pháp luật trong đông đảo quần chúng nhân dân.
Để làm được việc này, ngoài nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, còn có ý thức tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của mỗi công dân. Bởi chỉ khi từng công dân nắm rõ kiến thức pháp luật, chấp hành nghiêm pháp luật thì mới không xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật; không để các tệ nạn xã hội dễ dàng xâm nhập; góp phần quan trọng trong việc giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Thư Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin