Câu chuyện mở cõi phương Nam của Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cách đây 325 năm đã vang danh lịch sử chắc hẳn ai cũng biết. Thế nhưng, chuyện về bộ áo mão mà Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh thường mặc đến nay vẫn được gìn giữ thì có lẽ vẫn còn là câu chuyện mà ít người hay.
Những người trông coi đền thường xuyên dọn vệ sinh điện thờ. Ảnh: N.LIÊN |
Bộ áo mão của Chưởng cơ Lễ Thành hầu hiện đang được gìn giữ và trông coi cẩn trọng tại đền thờ đức ông Nguyễn Hữu Cảnh (còn gọi là đình Bình Kính). Không ai biết thời điểm bộ áo mão này ra đời, nhưng theo những người trông coi đền thờ, bộ áo mão trên đã có qua nhiều đời ông cha của họ từng làm việc trông coi đền.
* Bảo vật hiếm có của Đồng Nai
Theo sử sách ghi lại, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh thời luôn dành tình yêu thương và đối xử nhân hậu với các quan quân cũng như người dân. Do đó, ông được người dân kính trọng và xưng hô theo những cách rất thân mật như quan Chưởng cơ, quan Thống suất, Lễ công, đức ông. Ngày nay, khu vực P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), nơi có đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, người dân cũng vẫn gọi ông là đức ông. Đối với đền thờ đức ông, công việc quét dọn, chăm sóc đền vẫn được Ban Quý tế của đền duy trì hàng ngày. Do đó, khách tham quan không cần đăng ký trước vẫn có thể đến đền thờ bất cứ lúc nào.
Chị Nguyễn Như Ý, sinh viên năm thứ ba, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ, lần đầu tiên đến thăm đền thờ đức ông, được nghe những câu chuyện về ông, và đặc biệt, các bạn trong đoàn tham quan cũng bị lôi cuốn khi lần đầu tiên thấy nguyên vẹn bộ áo mão của đức ông. Vốn là người con của đất Đồng Nai nên khi nghe những câu chuyện về thời mở cõi 325 năm trước của đức ông, chị Như Ý đã rất tôn kính và hãnh diện.
Lớp thanh niên dâng hương tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh |
Là người thuộc đời thứ 5 trông coi đền thờ đức ông, ông Nguyễn Trung Chánh, thư ký Ban Quý tế của đền chia sẻ về áo mão của đức ông đang được trưng bày tại đền: "Chẳng biết bộ áo mão của đức ông được làm từ khi nào, nhưng từ khi còn nhỏ, thời ông nội tôi trong Ban Quý tế của đền kể rằng, bộ áo mão này khi còn sống đức ông thường hay mặc nên trải qua bao đời, với sự tôn kính vô biên dành cho ông được thể hiện rõ".
Lãnh đạo Viện Kinh tế văn hóa thăm và ghi vào sổ nhật ký tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh |
Theo lời thành viên Ban Quý tế của đền đức ông, bộ áo mão gồm: mão (mũ), cân đai, hia (hài), áo đủ 4 bộ (4 lớp áo trong 1 lần mặc). Theo ông Nguyễn Trung Chánh, bộ áo mão được trưng trong tủ kiếng ở trên cao. Mỗi năm vào dịp giỗ đức ông, Ban Quý tế sẽ làm lễ xin phép ông được đưa áo mão xuống để kiểm tra, bảo dưỡng. Ông Chánh cũng cho biết, bộ áo mão thường được mặc vào các dịp lễ cúng hoặc vào các dịp trọng đại. Thời gian qua, một số nhà khoa học đã khảo sát và tìm về để nghiên cứu và cho biết chất liệu áo vẫn còn rất tốt.
Bộ áo mão được để nơi trang trọng tại đền thờ |
* Đức ông đáng kính của dân phương Nam
Một nhà sử học đã nhận định về đức ông: "Bàn tay "kinh lược" cũng như gót chân "khai sơn phá thạch" của ông đã làm khiếp đảm lân bang. Lần đầu tiên đất này được chia dinh định huyện, là nhờ ông. Ông là hiện thân của chính quyền xứ này từ năm 1698 và là cố chủ của vùng Đồng Nai ngày nay".
Đức ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê Quảng Bình giàu tinh thần yêu nước và nhân nghĩa. Trong thời gian mở cõi, đức ông luôn lấy dân làm gốc, có sự gần gũi với dân. Tấm lòng và đức tính cao cả đó đã khắc ghi được tên tuổi, sự kính trọng trong lòng người dân. Ngày nay, đức ông Nguyễn Hữu Cảnh vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân Nam bộ cũng như người dân cả nước. Cùng với đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng từ hàng trăm năm nay tại cù lao Phố (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), nhiều nơi ở các tỉnh Nam bộ cũng đều lập đền thờ đức ông như: TP.HCM, An Giang, Long An…, duy nhất ở Đồng Nai còn lưu lại được bộ áo mão của đức ông. Theo các chuyên gia nghiên cứu về di sản văn hóa, bộ áo mão chính là câu chuyện hấp dẫn và được xem như một bảo vật địa phương phải bảo quản và giữ gìn.
Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh hiện đang thu hút nhiều đoàn khách tham quan du lịch. Đặc biệt là những đoàn dã ngoại của học sinh, sinh viên, trở thành điểm du lịch về nguồn khá phong phú. Theo bà Bình, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những điểm đến chính mà các công ty du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa khách đến tham quan. Nơi đây đã trở thành những bài học lịch sử dã ngoại trực quan sinh động, thu hút khách du lịch đến với Biên Hòa cũng như các địa phương còn lại của miền Nam.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin