Hiệp hội Cảng biển Việt Nam hiện có hơn 80 thành viên trải khắp địa bàn ven biển của cả nước. Hệ thống cảng biển đóng vai trò rất quan trọng, quyết định tương lai đất nước theo xu hướng tiến ra biển của Việt Nam, là cửa ngõ để giao thương của đất nước với thế giới.
Ông Trần Khánh Hoàng |
Tuy nhiên đến hiện tại, sự phát triển của lĩnh vực cảng biển ở Việt Nam vẫn đang gặp nhiều rào cản. Chia sẻ cùng Báo Đồng Nai cuối tuần, Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam TRẦN KHÁNH HOÀNG cho rằng, liên kết, xanh hóa, số hóa cảng biển trong hoạt động kinh doanh là yêu cầu tất yếu mà không một đơn vị nào có thể đứng ngoài cuộc chơi.
Cảng biển rất quan trọng với phát triển kinh tế
* Ông đánh giá như thế nào về vai trò của cảng biển trong phát triển kinh tế của Việt Nam?
- Kể từ thời điểm khởi đầu của thương mại hàng hải quốc tế, cảng biển đã chiếm vai trò trung tâm trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Trên 80% số lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển. Trong đó, cảng container là mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Phát triển hạ tầng cảng biển chất lượng cao, khai thác hệ thống cảng biển hiệu quả được xem là điều kiện tiên quyết để xây dựng chiến lược phát triển thành công, đặc biệt đối với các quốc gia mạnh về xuất khẩu. Những quốc gia theo đuổi chiến lược phát triển hạ tầng cảng biển chất lượng cao sẽ có mức độ tăng trưởng cao hơn các quốc gia khác. Vai trò của các bến cảng container và các bến cảng tổng hợp, bến cảng chuyên dụng (than, lỏng - khí, sắt thép, xi măng…) là cực kỳ quan trọng trong hệ thống cảng biển quốc gia.
* Với quốc gia có bờ biển dài, xuất khẩu lớn như Việt Nam thì tầm quan trọng trong phát triển cảng biển như thế nào, thưa ông?
- Với Việt Nam, vai trò của cảng biển rất lớn. Hệ thống cảng biển góp phần vào tăng trưởng GDP, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, tạo ra công ăn việc làm cho địa phương và vùng lân cận. Nó cũng đóng góp doanh thu tài chính cho chính quyền địa phương và trung ương thông qua các khoản thu thuế. Ngoài ra, cảng biển còn đóng vai trò quan trọng trong quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, nếu cảng biển tắc nghẽn sẽ khiến hàng hóa chậm thông quan, giảm năng suất giải phóng tàu, tăng chi phí logistics cho doanh nghiệp. Từ đó nó sẽ kìm hãm phát triển kinh tế và giảm đi sức hấp dẫn của điểm đến trong mắt nhà đầu tư. Việc tắc nghẽn tại cảng biển sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của khu vực và cả nước.
Hiệp hội Cảng biển Việt Nam được thành lập từ năm 1994, hiện tại có hơn 80 cảng thành viên. Khối lượng hàng nhập xuất qua các cảng của hiệp hội trong năm 2022 đạt 369 triệu tấn.
* Những năm qua, Việt Nam đã có những kế hoạch gì để thúc đẩy phát triển cảng biển?
- Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định chủ trương về kinh tế hàng hải. Theo đó, trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế.
Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cảng biển được đánh giá là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư.
* Xanh hóa và số hóa cảng biển là điều tất yếu
* Dù đã được ưu tiên đầu tư nhưng hệ thống cảng biển ở Việt Nam vẫn có những điểm nghẽn và theo ông phải tháo gỡ ra sao?
- Hiện nay, hệ thống cảng biển chưa kết nối hiệu quả đến các trung tâm hàng hóa. Quy hoạch cảng biển vẫn có xu hướng giới hạn cỡ tàu lớn nhất vào cảng, chia nhỏ các bến cảng, giảm năng lực cạnh tranh hệ thống cảng Việt Nam. Nguồn lực nhà nước chưa đáp ứng cho nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải. Thị trường vận tải biển hàng container của Việt Nam do hãng tàu nước ngoài thống lĩnh và chi phối, dần dần mất đi tính độc lập cần có cho cảng biển công cộng quốc gia phù hợp với thương mại hàng hải quốc tế. Quá trình số hóa cảng biển còn chậm, thiếu đồng bộ, xanh hóa cảng biển vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Các dự án cảng mở và khu thương mại tự do tiến độ chậm, chưa đáp ứng được kịp thời nhu cầu của nhà đầu tư. Tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều bến cảng có khả năng tiếp nhận cỡ tàu lớn nhất thế giới.
Một cảng trong hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải |
* Ông từng nói, xanh hóa cảng biển đang còn ở bước khởi đầu. Vậy cần làm gì để đạt được kết quả như mong đợi?
- Chuyển đổi số và tự động hóa là những xu hướng thúc đẩy quá trình xanh hóa, phát triển bền vững không chỉ của ngành logistics, cảng biển mà còn của cả nền kinh tế. “Cảng xanh" là cảng phát triển dựa trên tiêu chí về tăng trưởng kinh tế xanh và đề án Phát triển cảng xanh tại Việt Nam được Bộ GT-VT phê duyệt từ tháng 10-2020. Nhưng đến nay "cảng xanh" chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu vì sau năm 2030, tiêu chí này mới được áp dụng bắt buộc tại Việt Nam.
Do vậy, các cảng biển Việt Nam cần nhanh chóng số hóa cảng biển và xây dựng cảng xanh để đáp ứng yêu cầu của hiện tại và tương lai. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước có thể cung cấp các giải pháp số về quản lý và điều hành, thanh toán trực tuyến, xây dựng các hệ sinh thái logistics. Số hóa cảng biển tại Việt Nam đã được đẩy mạnh trong thời gian qua với những thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn nhiều thử thách phía trước.
* Trong thời gian tới, để tăng tốc phát triển cảng biển, theo ông cần những giải pháp gì?
- Đối với các địa phương, trước hết là hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối liên vùng, từ các trung tâm sản xuất đến trung tâm dịch vụ cảng biển. Đơn cử như các tỉnh, thành Đông Nam bộ, việc kết nối giao thông là rất quan trọng, tạo cơ hội cho việc khai thác hết tiềm năng lợi thế của hệ thống cảng trong khu vực.
Đối với Hiệp hội Cảng biển và các thành viên thì tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin trực tuyến, phối kết hợp giải quyết nhanh công việc để phục vụ cho nhu cầu quản lý, khai thác cảng biển.
Hiệp hội đã kiến nghị cơ quan nhà nước ưu tiên đầu tư cho luồng lạch, giao thông kết nối cảng biển, kể cả đường sắt, đường sông theo quy hoạch và nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết cho các nhóm cảng biển. Có đủ cơ chế đổi mới phát triển cảng biển quy mô vùng miền, có tổ chức đầu mối chịu trách nhiệm về hiệu quả tổng thể, có điều tiết thị trường để cạnh tranh minh bạch.
Làm được như vậy chúng ta mới thực hiện thành công quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo mục tiêu đề ra trong quy hoạch đến năm 2030.
* Xin cảm ơn ông!
Vương Thế (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin