Trong những năm chống Mỹ ác liệt, lực lượng phụ nữ đã kề vai sát cánh cùng cả nước vượt qua gian khổ của cuộc kháng chiến. Những người vợ, người mẹ ấy còn trải qua những hy sinh mất mát, những khoảnh khắc lắng lòng không thể nào quên…
Bà Huỳnh Thị Phượng cùng ông Phạm Văn Hy tại Căn cứ Khu ủy miền Đông, năm 1971. Ảnh: Tư liệu |
* Tình riêng gác lại
Năm 1962, bà Huỳnh Thị Phượng (Bảy Phượng) hoạt động ở đội công tác mật cao su Bình Sơn (H.Long Thành). Có một lần, Bảy Phượng và chị Hai Khanh đi công tác gấp giữa ban ngày. Hai Khanh cao lớn, có đôi chân mày rậm, bèn hóa trang thành đàn ông, mặc đồ vét, mang giày, đội nón nỉ, mắt đeo kính đen, tay xách va li oai vệ đi trước. Bảy Phượng nhỏ con, thấp bé nên đóng vai “vợ”, mặc quần Mỹ A láng, áo cổ bà lai khép nép đi sau. Cả hai hóa trang khéo đến nỗi bọn địch không tài nào nhận ra.
Vậy mà lúc tình cờ đi ngang qua một đám trẻ con đang chơi, dù hai người đi thật nhanh, nhưng mới vừa vụt qua, hai cháu Tỵ, Được (con của Hai Khanh) đã đứng phắt dậy, ngó ngó rồi rượt theo, miệng còn nói vói với bọn trẻ: “Ai giống y như má tao”. Nghe mà thấy thương các cháu, tình mẫu tử thiêng liêng, che được mắt ai chứ với các con đã quen thuộc bóng hình của mẹ làm sao giấu được. Dù thương, nhưng cả hai phải đi nhanh hơn vì sợ các cháu vô tình làm lộ bí mật.
Đến nhà má Chín Thu, hai đứa nhỏ đuổi theo kịp, “đôi vợ chồng” phải lẩn vô nhà má Chín, còn má lanh trí ra đóng cửa lại, mắng át rồi đuổi hai đứa nhỏ đi. Thấy Tỵ còn muốn kêu, má Chín xáng cho một bạt tai để ngăn lại: “Má tía gì ở đây, đi chỗ khác chơi”. Hai đứa nhỏ buồn thiu, ngơ ngác, chậm rãi quay ra mà nước mắt giọt ngắn giọt dài. Bên trong, hai bà mẹ cũng không kìm được nước mắt. Trẻ con luôn cần hơi ấm, cần tình thương yêu trìu mến của mẹ. Vì nghĩa lớn, những người mẹ thời chiến phải dứt ruột xa con, giáp mặt con cũng chẳng dám nhìn, chẳng dám hôn hít, nựng nịu con một cái cho đỡ nhớ, cảnh ngộ thật tím ruột bầm gan.
* Tình yêu thiêng liêng nhất: Tổ quốc
Năm 1967, Trung ương Cục sáp nhập 2 tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, bà Lê Thị Huệ (Ba Huệ) từ Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Long Khánh được điều về làm Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc. Tháng 11-1969, giữa lúc đang căng thẳng đối phó với địch và ổn định con đường tiếp tế lương thực, vũ khí, thuốc men, thì bà hay tin chồng là ông Lâm Văn Lợi sau 11 năm tù đày ở Côn Đảo đã được thả về ở Bình Dương. Biết chồng bình yên trở về, bà mừng lắm, cả tuần lễ liền nôn nao không ngủ được, lòng thầm ao ước được gặp lại chồng. Nhưng trong thời chiến, ước muốn đơn giản vậy cũng xa vời vợi. Cung đường từ Xuân Lộc qua Bình Dương thời điểm đó là con đường rất ác liệt bởi địch liên tục càn quét, hơn nữa công việc của bà lại quá bộn bề, không thể nào dứt ra được. Ba Huệ cắn răng nén chặt thương nhớ trong lòng để lo hoạt động.
Thấu hiểu hoàn cảnh của đôi “vợ chồng Ngâu”, ông Phạm Văn Hy (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh) chủ động gặp ông Sáu Phát (Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một) đề nghị cho ông Lợi về Bà Rịa công tác để hợp lý hóa gia đình. Từ Chiến khu Đ, đoàn cán bộ trong đó có ông Lợi đi hơn một tuần lễ mới đến căn cứ của H.Xuân Lộc. Ba Huệ đang ở cơ quan Huyện ủy thì nhận được tin báo “Chị Ba ơi, qua mà nhận người. Anh Ba mới về tới, đang ở đây nè”. Bà nghe mà không tin vào tai mình, ngơ ngẩn hỏi lại “Anh Ba nào?”, khiến mọi người cười rần rần. Mặc kệ, xác định đúng là “ba sấp nhỏ”, bà tốc chạy như bay. Nhìn thấy chồng, Ba Huệ đứng sựng, chỉ kêu được một tiếng “Ông Ba” rồi nghẹn ngang...
Tối đó, đôi vợ chồng mắc võng nằm kề nhau, bà kể chồng nghe về chuyện gia đình, công tác. Ông động viên, cả nước đang trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm ác liệt, gia đình mình dù mỗi người mỗi nơi nhưng còn được bình yên là đã quá hạnh phúc rồi. Biết được quá trình phấn đấu và những đóng góp của vợ cho cách mạng, trưởng thành của con, ông rất vui, an lòng và nói về những dự định sắp tới. Cứ vậy, vợ chồng Ba Huệ "nằm suông" bên nhau sau mười mấy năm xa cách, phía bên kia là vợ chồng Mười Hy - Năm Vân cũng mắc võng "Trường Sơn đông - Trường Sơn tây" như thế. Những đôi vợ chồng thời chiến có được bao nhiêu riêng tư cho nhau? Nhưng chưa bao giờ họ cảm thấy nặng nề, vì ở thời điểm ấy tình yêu quê hương, đất nước thiêng liêng, cao cả đã bao trùm lên cái tình riêng nhỏ bé vợ chồng, ai cũng chỉ quan tâm đến cái chung nhất là cố gắng hoàn thành trách nhiệm với đất nước, đồng bào, ít nghĩ đến hạnh phúc riêng mình.
Ở Xuân Lộc được mấy ngày, ông Lợi chia tay Ba Huệ về Bà Rịa nhận nhiệm vụ mới: Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy. Là vợ chồng với nhau tính đến lúc ấy đã 21 năm, nhưng những ngày họ thật sự ở bên nhau không nhiều, cộng lại chắc chưa được con số lẻ.
* Nước mắt nuốt ngược vào tim
Sau này, cháu Tỵ lớn lên cũng thoát ly đi kháng chiến. Cả hai mẹ con chị Hai Khanh đều hy sinh, cả nhà chỉ còn lại cháu Được… |
Đầu năm 1970, bà Lê Thị Não (Hai Não), Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Dĩ An được đồng chí Phan Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa phân công về Thị ủy Biên Hòa. Để che mắt địch đồng thời tạo thế hợp pháp hoạt động, bà vòng xuống Long Thành móc nối cơ sở làm sổ gia đình, rồi lộn về Chợ Đồn (nay là P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa), “mượn” một đồng chí nam là ông Mười Đậu đóng vai “chồng”. Báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy về việc này, bà còn thẳng thắn trao đổi với vợ đồng chí Mười Đậu và chồng mình, ông Sáu Nhàn - lúc đó đang tạm lánh vì mới ra tù, còn bị địch theo dõi trong khi bà lại hoạt động bí mật nên không thể sống chung hợp pháp. Được người thân, đồng chí thấu hiểu, hỗ trợ, tạo vỏ bọc tốt, bà Hai Não công tác thuận lợi, từng bước khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở Bửu Hòa, cửa ngõ quan trọng của TX.Biên Hòa.
Năm 1974, ông Sáu Nhàn bệnh nặng do thời gian dài bị tù đày. Lúc này trên danh nghĩa bà Hai Não là “vợ” ông Mười Đậu, làm sao ra mặt chăm sóc cho ông. Bà nhờ ông Sáu Tợ, một cơ sở tin cậy của cách mạng, đưa ông Sáu Nhàn xuống điều trị ở Bệnh viện Nguyễn Văn Học (nay là Bệnh viện Nhân dân Gia Định), dành dụm, vay mượn được đồng nào bà đều tìm cách gởi cho ông chữa bệnh. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Biên Hòa biết ông bà khó khăn, cũng thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ.
Tháng 7-1974, ông Sáu Nhàn ngày càng suy kiệt, bác sĩ kêu đưa ông về lo hậu sự. Đưa ông về đâu khi bà không phải là vợ hợp pháp, chăm sóc ông thế nào khi bà chỉ là “người dưng”? Suy tính nát nước, bà nhờ người đưa ông Sáu về Tân Vạn ở nhờ nhà ông Chín Mạnh, một người hào hiệp thường giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Với danh nghĩa là “em bà con”, bà chạy đi chạy lại vừa công tác vừa chăm sóc ông Sáu.
Được mấy bữa, hôm đó bà đi nhận tiền người dân đóng góp cho cách mạng, tiện thể tranh thủ mua gòn về nhồi cho ông cái nệm nằm đỡ đau lưng. Buổi chiều trời đổ mưa to, không hiểu sao trong lòng bà cảm thấy hồi hộp không yên. Vừa ngớt mưa, bà hối hả đón xe lam từ Chợ Đồn qua Tân Vạn thăm ông, đem theo cái nệm gòn mới nhồi. Tới đầu đường, người quen gặp bà, báo tin ông mất. Tay ôm tấm nệm, bà cứ đứng mãi dưới trời mưa, đầu óc choáng váng, cả người rã rời trước tin dữ. Ông ra đi trong căn phòng ở đậu, không có được mái nhà ấm cúng che đầu, xung quanh lạnh lẽo không một người thân thích, cũng không trối trăn được với vợ con tiếng nào. Ông ra đi đã đành phận, bà là vợ, nhìn người chồng đầu ấp tay gối mất đi không dám khóc, nỗi đau chỉ biết nén vào trong, âm thầm cứa vào tim thật đau đớn. Con đến đám tang cũng không thể gọi ông tiếng cha mà chỉ gọi là cậu, nhận là cháu, đau đớn đến tột cùng...
Nhưng nghĩ kỹ, bà nhận thấy hoàn cảnh của mình so với bao đồng chí, đồng đội đã và đang hy sinh xương máu thì vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều. Ông được Đảng quan tâm chu đáo trong lúc ốm đau bệnh tật, được vợ con chăm sóc trong một thời gian dài, ra đi không có gì ân hận. Sinh ly tử biệt, bà rất đau xót, nhưng vẫn tự nhắc mình là đảng viên đang hoạt động trong “hang cọp”, không thể sơ suất bởi sinh mạng bao đồng bào cảm tình cách mạng, đồng chí, đồng đội đang nằm trong tay mình. Vì vậy, bà Hai Não đã nuốt ngược nước mắt vào tim, tiếp tục công tác, chuẩn bị cho những ngày chiến dịch sắp tới...
Hà Lam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin