Báo Đồng Nai điện tử
En

Không dung túng cho hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Phương Liễu
16:51, 07/10/2023

Thông tin về tình trạng các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh xả nước thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước được báo chí phản ánh trong thời gian qua nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc (BĐ).

Một cơ sở chăn nuôi heo ở xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất) không có hệ thống xử lý nước thải mà cho chảy xuống hố tự hoại, gây ô nhiễm nguồn đất và nước ngầm. Ảnh: An Nhiên

Nhiều ý kiến BĐ cho rằng, không thể để kéo dài hoạt động chăn nuôi gây tác động xấu đến môi trường và chất lượng sống của nhiều người. Cơ quan chức năng cần xử lý thật mạnh tay đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

* Khổ vì ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi

Gần đây, Sở TN-MT và các cơ quan liên quan đã tiến hành tổng kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 10 ngàn cơ sở chăn nuôi trên địa bàn. Kết quả phát hiện hơn 320 trang trại chăn nuôi heo, gà chưa được cấp phép môi trường, trong đó H.Thống Nhất có số cơ sở vi phạm nhiều nhất. Qua kiểm tra tại H.Thống Nhất, trong số hơn 1,2 ngàn cơ sở chăn nuôi đang hoạt động, chỉ có hơn 100 cơ sở được cấp thủ tục về bảo vệ môi trường.

Nhiều BĐ cho rằng, không thể chấp nhận tình trạng trên địa bàn có hàng trăm cơ sở chăn nuôi không phép, không xử lý chất thải, nuôi số lượng gia súc vượt quá quy mô, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, đe dọa sức khỏe mà ngang nhiên tồn tại từ nhiều năm nay, đe dọa sức khỏe và làm giảm chất lượng sống của người dân.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất) ngày 15-8, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh THÁI BẢO yêu các địa phương và ngành chức năng cần xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, buộc các cơ sở vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục môi trường; đồng thời thực hiện lộ trình di dời các cơ sở chăn nuôi vào khu vực tập trung, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo kế hoạch của tỉnh.

Bà N.T.H. (ngụ xã Lộ 25, H.Thống Nhất) cho biết, gia đình bà sinh sống gần 1 trang trại nuôi heo nên nhiều năm nay phải sống rất khổ sở trong mùi hôi của chất thải và ruồi từ trang trại chăn nuôi này. Bà mong cơ quan chức năng có biện pháp với chủ trang trại này để trả lại môi trường trong lành cho người dân.

Ông Trần Quang Thoại (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay trong TP.Biên Hòa vẫn có một vài hộ chăn nuôi heo, dù quy mô nhỏ nhưng cũng gây khổ sở đối với hàng xóm vì mùi hôi và ruồi nhặng. Đồng Nai phát triển đa ngành nghề. Bằng nhiều nỗ lực, tỉnh đã khống chế khá tốt tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động công nghiệp nên không thể để cho tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, xả thải tràn lan ra môi trường.

* Nhiều cơ sở chăn nuôi sẽ phải di dời, ngừng chăn nuôi

Những năm qua, sự phát triển của ngành chăn nuôi đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, mật độ các cơ sở chăn nuôi dày, quy mô, số lượng vật nuôi lớn nên tình trạng ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi cũng là vấn đề khiến lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng... đau đầu.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp hạn chế tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, thế nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Ông Huỳnh Văn Tuấn (ngụ P.Tân Phong, TP. Biên Hòa) cho rằng, các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường tồn tại một thời gian dài thì cần xem xét thêm vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Với gần 1,5 ngàn cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22,2 ngàn cơ sở chăn nuôi hộ gia đình, trong đó, tổng đàn heo khoảng 25 triệu con và đàn gà là 26 triệu con, Đồng Nai trở thành “thủ phủ” chăn nuôi lớn của cả nước.

 “Tôi đề nghị lãnh đạo các cấp và các cơ quan chức năng cần quy hoạch và di dời những trang trại chăn nuôi lớn ra một khu riêng, cách xa khu dân cư. Nếu ở trong khu dân cư thì chỉ được chăn nuôi quy mô nhỏ và phải thực hiện các biện pháp xử lý chất thải hiệu quả. Cơ sở nào không đáp ứng được thì buộc ngừng hoạt động” - ông Tuấn kiến nghị.

Một số BĐ cho rằng, hoạt động chăn nuôi của các công ty và hộ dân góp phần phát triển kinh tế cho các địa phương, nhưng để các cơ sở chăn nuôi tiếp tục hoạt động, không phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường thì các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; giới thiệu các biện pháp, phương pháp, thiết bị xử lý chất thải chăn nuôi thật hiệu quả để tạo sự phát triển bền vững.

Trao đổi về vấn đề nói trên, Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, tình trạng vi phạm môi trường trong chăn nuôi vẫn còn nhiều. Hiện Sở TN-MT đã hoàn thành đợt tổng kiểm tra các cơ sở chăn nuôi thuộc thẩm quyền tỉnh quản lý, đang chờ báo cáo kết quả kiểm tra từ UBND cấp huyện để hoàn thiện báo cáo, từ đó tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi.

Theo ông Trần Trọng Toàn, để từng bước khắc phục các tồn tại trên, đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 296/QĐ-UBND (ngày 24-2-2023) về việc phê duyệt danh sách hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi phải di dời và ngừng hoạt động, hầu hết các cơ sở này là các nông hộ hoặc trang trại quy mô vừa và nhỏ, trong đó bao gồm hơn 2,1 ngàn cơ sở phải di dời và 861 cơ sở phải ngừng chăn nuôi. Hiện UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, UBND các huyện và thành phố thực hiện.

“Chỉ đạo của UBND tỉnh đối với tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi lần này rất quyết liệt, cho thấy quyết tâm bảo vệ môi trường của lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn. Đây được xem là một trong những đợt sắp xếp lại cơ sở chăn nuôi lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay” -  ông Trần Trọng Toàn cho biết.

Phương Liễu

Tin xem nhiều