Báo Đồng Nai điện tử
En

Xã hội Đông Nam bộ từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XXI

Cẩm Điệp
11:01, 08/09/2023

Là một trong số ít những tác phẩm về vùng Đông Nam bộ, Xã hội Đông Nam bộ từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XXI của tác giả Huỳnh Ngọc Đáng do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành mang nhiều giá trị tâm huyết của tác giả khi nghiên cứu văn hóa lịch sử về vùng đất và con người miền Đông Nam bộ.

 

TS Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng công tác nghiên cứu về miền Đông Nam bộ là đề án khoa học có tầm nhìn vượt thời gian bởi đây là vùng đất cổ hình thành từ cách nay hàng chục triệu năm, “từ xa xưa là nơi sinh sống của các dân tộc bản địa, chủ nhân của văn hóa Đồng Nai, nền văn hóa cùng thời và có độ sáng rực rỡ tương đương với Sa Huỳnh, Đông Sơn”. Tác giả đánh giá “Đông Nam Bộ có bề dày văn minh tương đương các vùng khác ở Đông Nam Á”, tiếc là hàng trăm năm qua không có nhiều nghiên cứu nghiên cứu khoa học chuyên sâu về vùng đất này.

* Khởi thủy đồi gò, đất đỏ ba-zan

Đông Nam bộ tuy thuộc vùng văn hóa Nam bộ song là một tiểu vùng có những đặc điểm khác biệt so với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, “đây là một thế giới của đồi gò, rừng rậm, đất đỏ ba-zan; của những nhánh sông có thượng lưu nước ngập tràn bờ vào mùa mưa và trơ đáy vào mùa khô nên không dễ dàng thông thương”.

Các di chỉ khảo cổ tiền sử ở Đông Nam bộ cho thấy xã hội người nguyên thủy hình thành với các điểm cư trú đông người trên vùng ven bờ hai con sông Đồng Nai và sông Bé, hình thành lao động sơ khai, trao đổi vận chuyển hàng hóa. Văn hóa Đồng Nai ở thiên niên kỷ I và II trước Công nguyên có vị trí quan trọng trong phức hệ văn hóa Việt Nam, xuất hiện từ lớp dân cư mới thuộc thời đại kim khí ở lưu vực sông Đồng Nai mà về sau được phát hiện với hàng ngàn di vật đồ đá, gốm… vô giá, trong đó có trang sức bằng đồng tìm thấy ở Long Khánh (Đồng Nai) hay trống đồng ở Phú Chánh (Bình Dương).

TS sử học HUỲNH NGỌC ĐÁNG sinh năm 1958, quê quán Tân Uyên, Bình Dương, là Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII và hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương. Ông cũng là tác giả của công trình nghiên cứu Chính sách của các vương triều Việt Nam đối với người Hoa (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 2018). TS Huỳnh Ngọc Đáng bày tỏ mong muốn các ngành học thuật nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống về quá trình phát triển của vùng Đông Nam bộ.

TS Huỳnh Ngọc Đáng đúc kết Đông Nam bộ có nền sinh thái tự nhiên khá đặc trưng; xã hội thời tiền và sơ sử đã bước vào văn minh trên nền tảng văn hóa Đồng Nai; từng là xã hội của các tiểu quốc biệt lập (trước thế kỷ XVII) và sau đó người Việt vào khai khẩn đất Đồng Nai - Gia Định, lập xã hội Việt Nam ở phương Nam chính thức ra đời từ sau năm 1698…

* Môi trường chi phối văn hóa

Tác giả Huỳnh Ngọc Đáng viết rằng “tự nhiên và môi trường sinh thái Đông Nam bộ chi phối mạnh mẽ lịch sử, văn hóa của con người địa phương”. Xã hội vùng này “không hề đứng yên” mà có độ mở lớn dẫn đến sự biến đổi và phát triển rực rỡ, “luôn đi trước theo đà văn mình” trong suốt nhiều thiên niên kỷ.

“Các tộc người bản địa Đông Nam bộ bước vào thời kỳ văn minh với hành trang lớn mang theo là di sản văn hóa Đồng Nai” - TS HUỲNH NGỌC ĐÁNG.

Chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần, TS Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng: “Trải qua năm tháng lịch sử, người Đông Nam bộ cần cù, sáng tạo, trọng nghĩa, thực nghiệp, thích ứng với chuyển biến của kinh tế - xã hội bằng tính cách dám nghĩ dám làm, ủng hộ yếu tố mới lạ, hình thành và phát triển một môi trường tự nhiên và sinh thái xã hội đa văn hóa, đa tộc người cởi mở, trọng nghĩa tình”.

Theo tác giả, Đông Nam bộ là vùng được người Pháp ưu tiên phát triển trong cả hai cuộc khai thác thuộc địa, tạo ra những chuyển biến kinh tế - xã hội sâu sắc so với cả nước. Nơi này là một trong những vùng trọng điểm ác liệt của chiến tranh Việt Nam, sau khi nước nhà thống nhất “trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam, nơi từng là cái nôi của công cuộc đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Xã hội Đông Nam bộ từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XXI của tác giả Huỳnh Ngọc Đáng
Xã hội Đông Nam bộ từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XXI của tác giả Huỳnh Ngọc Đáng

Ông Huỳnh Ngọc Đáng bày tỏ: “Xã hội Đông Nam bộ có nội dung, đặc điểm lịch sử và văn hóa khá đặc trưng, xứng đáng được nghiên cứu, khái quát thành những chuyên đề học thuật, nhằm trang bị tri thức, có thể giúp các đơn vị chức năng tham khảo trong xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển vùng đất này”.

Đông Nam bộ: Nơi dễ sống và đáng sống

Miền Đông Nam bộ là vùng đất nằm trên nửa phía Đông của Nam bộ, có diện tích tự nhiên hơn 23.552,8km2, dân số 18,8 triệu người (năm 2022 - chiếm 18,9% dân số cả nước), ngày nay thuộc địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Đông Nam bộ có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao nên được xếp là tỷ lệ “dân số vàng”. Đây là vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh, đóng vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

“Về tự nhiên, Đông Nam bộ có diện tích rừng chiếm một phần ba đất tự nhiên với khoảng 1.900.000 ha; địa hình có sự phân tầng từ cao đến thấp với hệ thống sông Đồng Nai - Vàm Cỏ xuyên qua các vùng; có đường bờ biển dài với 36 cửa biển và cửa sông, ngoài khơi có đảo lớn là Côn Đảo; có đường biên giới chung với vương quốc Campuchia dài 615,527km trên địa hình chủ yếu là bằng phẳng với nhiều cửa khẩu quốc tế. Nơi đây cũng là trung tâm các trục giao thông thủy bộ nối liền với các vùng miền và khu vực trong, ngoài nước” - trích Xã hội Đông Nam bộ từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XXI.

Đúc kết Đông Nam bộ có những nét riêng truyền thống xuyên suốt lịch sử như “tiền phong, năng động và dung dị”, TS Huỳnh Ngọc Đáng tâm đắc nhận định: “Đông Nam bộ không chỉ là nơi lý tưởng để khởi nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, đây còn là nơi đông đảo cư dân từ cả nước tìm về, nơi dễ sống và đáng sống của mọi con người mưu cầu tương lai”.

Cẩm Điệp

Tin xem nhiều