Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng Đông Nam bộ phối hợp ứng phó biến đổi khí hậu

Hoàng Lộc
09:40, 09/09/2023

Hiện nay, các vấn đề ô nhiễm, ngập úng, triều cường... ở vùng Đông Nam bộ ngày càng diễn biến phức tạp. Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu phải có liên kết vùng để cùng nỗ lực cải thiện, phục hồi môi trường để làm giảm thiên tai từ biến đổi khí hậu (BĐKH).

Trồng cây xanh nhân Ngày Môi trường thế giới năm 2023. Ảnh: H.Lộc
Trồng cây xanh nhân Ngày Môi trường thế giới năm 2023. Ảnh: H.Lộc

Liên kết các địa phương để giải quyết vấn đề chung và thích ứng với BĐKH là đòi hỏi bức thiết. 

* Nhiều vấn đề đặt ra

Nhiều năm trước, vùng Đông Nam bộ đã hình thành các đô thị, thương cảng, khu công nghiệp và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Sự phát triển hạ tầng và công nghiệp kéo theo gia tăng dân số cơ học. Đến cuối năm 2022, dân số của vùng đã chiếm gần 20% dân số cả nước, trong khi đó diện tích tự nhiên chỉ chiếm hơn 7%.

Gia tăng dân số, trong khi hạ tầng không theo kịp và BĐKH khiến vùng đối mặt với nhiều thách thức. Đó là hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải vừa thiếu vừa không đồng bộ dẫn đến ngập úng, triều cường; hạ tầng thu gom và xử lý chất thải nhất là chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng; nhiều thảm thực vật bị đô thị hóa ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Điều này dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí gia tăng.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH, cần có liên kết vùng để thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất liên vùng: bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai, bảo vệ rừng ở Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai; quản lý chặt chẽ khai thác lậu khoáng sản làm cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường.

Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường. Trong đó có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, ngập úng, ô nhiễm nguồn nước các kênh rạch và hệ thống sông Sài Gòn. Đây là những vấn đề cụ thể nhưng lại mang tính chất của cả vùng. Với vai trò là hạt nhân, là đầu tàu, TP.HCM đang tập trung cho công tác lập, điều chỉnh quy hoạch của thành phố cũng như vùng Đông Nam bộ để giải quyết các vấn đề chung. 

Tại Đồng Nai, sự phát triển của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giúp tỉnh đón được nhiều nhà đầu tư lớn, thu hút hàng triệu lao động; nhiều khu dân cư, đô thị mới hình thành góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội. Song cũng chính công nghiệp hóa và đô thị hóa đã tác động nhiều đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản dần cạn kiệt; ô nhiễm nguồn nước sông, suối khó kiểm soát; thiếu hạ tầng xử lý nước thải sinh hoạt và quá tải xử lý rác sinh hoạt...

Không riêng TP.HCM, Đồng Nai hay Bình Dương mà nhiều địa phương đang đối mặt với các vấn đề về môi trường. Báo cáo mới đây của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ chỉ ra, vùng đang nổi lên nhiều vấn đề mà một địa phương riêng lẻ không thể tự giải quyết hoặc tự giải quyết không hiệu quả, đó là: giao thông liên vùng; ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường; tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh.

Sự phát triển công nghiệp ở Đồng Nai ít nhiều tác động đến môi trường đất, nước, không khí
Sự phát triển công nghiệp ở Đồng Nai ít nhiều tác động đến môi trường đất, nước, không khí

Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam đưa ra thông tin, nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai là vấn đề đặt ra đối với cả vùng ở hiện tại và tương lai. Đây là hệ thống sông lớn thứ 3 và là hệ thống sông nội địa lớn nhất cả nước, có vai trò rất quan trọng trong cấp nước cho phát triển kinh tế - xã hội không chỉ vùng Đông Nam bộ mà còn đối với cả nước. Hiện lưu vực đang chịu tác động từ các yếu tố tự nhiên (mưa, dòng chảy lũ, thủy triều...), hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (công nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi, thủy điện, giao thông thủy...) ở cả thượng lưu và hạ lưu.

* Cần hợp tác để giải quyết các vấn đề chung

Rõ ràng, ô nhiễm môi trường, ngập úng, cạn kiệt nguồn tài nguyên ở vùng Đông Nam bộ đã vượt ngoài tầm xử lý của từng địa phương. Hợp tác cùng giải quyết các vấn đề nảy sinh và thích ứng với BĐKH là nhiệm vụ bức thiết.

Tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra tháng 7-2023, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho rằng, môi trường nước ta nói chung và vùng Đông Nam bộ nói riêng đang chịu nhiều áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Các áp lực này sẽ ngày càng lớn do BĐKH ảnh hưởng tới hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Dự thảo Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu: Đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 19,6%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đưa ra 6 nhóm giải pháp trong đó, nhóm giải pháp quy hoạch, Bộ trưởng đề nghị việc lập và phê duyệt quy hoạch vùng phải đảm bảo kết nối phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Quy hoạch tỉnh cần xác định rõ các mục tiêu: tỷ lệ che phủ rừng, phân loại chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại nguồn và tái sử dụng, xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp.

Nhóm giải pháp thứ hai là tập trung phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải thấp. Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững bằng cách chuyển đổi nhanh sang mô hình kinh tế tăng trưởng dựa vào năng suất, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chú trọng phát triển không gian xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, chống chịu với BĐKH.

Để thích ứng với BĐKH, Bộ trưởng Bộ TN-MT đề nghị thực hiện các giải pháp nhằm tăng “không gian” cho sông suối, phát triển “kho” chứa nước. Bảo vệ và phục hồi các thảm thực vật, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển. Bảo vệ nguồn nước mặt và giảm khai thác nước ngầm.

Sông Đồng Nai, một trong 3 lưu vực sông lớn của cả nước
Sông Đồng Nai, một trong 3 lưu vực sông lớn của cả nước

Đánh giá về nội dung này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, hành đồng của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng và ban hành chương trình hành động về giảm phát thải; ban hành và thực hiện có hiệu quả đề án quản lý rác thải sinh hoạt.

Về công tác quản lý, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm tra môi trường. Trong phát triển công nghiệp, tỉnh tuyệt đối không thu hút mới dự án thâm dụng lao động và nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trong chăn nuôi, không cho phép tồn tại cơ sở gần nguồn nước, không đáp ứng tiêu chí về môi trường và xây dựng. Quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị phải lồng ghép các kịch bản BĐKH, ngập úng đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững.

Hoàng Lộc

 

Tin xem nhiều