Báo Đồng Nai điện tử
En

Rưng rưng nhớ ngoại

Đào Nguyễn Thảo Nhi
09:43, 02/09/2023

Tháng bảy về, mùa Vu Lan báo hiếu đến, lòng tôi rưng rưng khi viết cho bà ngoại - người yêu thương tôi nhưng lại không đợi được tôi trưởng thành.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong cuộc sống, có những người chỉ đồng hành với ta trên một đoạn đường nào đó nhưng năm tháng qua đi họ vẫn luôn nằm trong tâm trí, mãi mãi không bao giờ phai mờ trong trái tim ta.

Năm tôi mười lăm, ngoại ra đi một cách bình yên, không bệnh tật. Một đêm trời quang mây tạnh, chẳng hề báo trước, ngoại chìm vào giấc ngủ dài, đôi tay buông lỏng, đôi mắt nhắm nghiền nhưng bình thản, trong mắt còn có ý tươi cười, nhìn vô cùng mãn nguyện. Cuộc đời bình dị của ngoại tôi cứ vậy mà kết thúc, lặng lẽ một cách như thế. Sinh ly tử biệt, có lẽ chỉ trong một khoảnh khắc. Từ đó đến nay, tôi vẫn luôn tiếc nuối khôn nguôi là chưa làm gì được nhiều để báo hiếu ngoại, ngoại không đợi được ngày tôi đậu vào lớp 10 trường chuyên, không đợi được ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển đại học. Ngoại không còn được thấy mỗi ngày tôi lớn lên, chẳng nhìn thấy dáng vẻ tôi lúc trưởng thành.

Người lớn tuổi thường nghĩ nhiều, thường nhớ về những điều xưa cũ rồi bồi hồi, xúc động. Sau này khi đã bước qua tuổi xế chiều, ngoại dần có những lúc nhớ nhớ quên quên, lẫn lộn này kia. Nhưng lạ thay, chuyện cũ lại in sâu vào tâm trí, ngày càng hiện rõ hơn. Ngoại có thể quên việc mới xảy ra tức khắc nhưng lúc nào cũng nhớ kỹ chuyện quá khứ từ mấy chục năm trước. Tuổi đã ngoài tám mươi nhưng lúc nào cũng kể mãi về cái thuở còn đi học lớp nhì, lớp nhất ở Sài Gòn, rồi vì gia cảnh mà phải nghỉ ngang, đến mấy chuyện khi làm ở sân bay, những câu chuyện xa lắc xa lơ từ hơn nửa đời người.

Tuổi thơ ngoại cơ cực, vất vả vô cùng, thiếu tình thương của cha. Cha hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp lúc ngoại mới lên chín. Là chị lớn trong nhà, ngoại đi làm, cùng má nuôi hai em ăn học đỗ tú tài, không hề so đo tính toán thiệt hơn. Ngoài giờ đi làm, ngoại về nhà là cầm cuốc làm vườn, trồng cây, cấy lúa… Bà tôi cần mẫn, chịu thương chịu khó như dòng sông Cái quanh năm mải miết chảy bên nhà tôi vậy. Cứ thế tuổi thanh xuân qua đi ngoại mới lập gia đình, mới nghĩ cho riêng mình.

Thời trẻ trắc trở, nhưng cuộc đời này của ngoại vẫn có nhiều hạnh phúc. Đó là gia đình nghèo khó khi xưa ấy đã trở nên khá giả, có của ăn của để, ngoại cũng dành dụm tích góp cho mấy đứa cháu vài ba món quà để mai sau dựng vợ gả chồng. Là ngoại đã có một cái nhà thật rộng rãi, đã đứng ra chăm lo cho mồ mả ông bà tổ tiên chu đáo. Và có lẽ, niềm vui lớn nhất của ngoại là khi về già có con cháu đầy đàn, vui vầy sum họp, cười vang khắp nhà. Đó còn là chẳng ai dám coi thường ngoại cả, ngoại thẳng thắn, chính trực, sống đàng hoàng. Lúc nghèo khó thì không bao giờ lợi dụng người khác, khi hoàn cảnh tốt lên thì luôn làm việc tốt giúp đỡ mọi người. Cả đời của ngoại sống thiện lương, tử tế, ai cũng quý mến. Ngoại đã sống một đời không thẹn với lòng, với người…

Mùa Vu Lan thứ hai ngoại đi xa, trong tâm hồn mênh mông của con vẫn ăm ắp đầy hình bóng của ngoại mến thương, yêu kính. Và ngoại ơi, con nhớ lắm tiếng ru hời của ngoại bên cánh võng trong những buổi trưa hè đưa con vào giấc ngủ say thuở ấu thơ, đưa con đến với những chân trời ước mơ...

Đào Nguyễn Thảo Nhi

Tin xem nhiều