Báo Đồng Nai điện tử
En

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch: Các khoản đóng góp phải công khai và phục vụ cho học sinh

Công Nghĩa (thực hiện)
10:11, 02/09/2023
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch

Đầu năm học cũng là thời điểm phụ huynh phải lo lắng nhiều khoản mua sắm, đóng góp cho nhà trường. Không ít trường, việc thu và sử dụng các khoản thu không đúng theo quy định khiến phụ huynh bức xúc, tạo dư luận không tốt cho ngành.

Trước thềm khai giảng năm học mới 2023-2024, Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH cho biết:

- Các khoản đóng góp của phụ huynh phải công khai và phục vụ cho học sinh, đồng thời phải đúng theo quy định. Hiệu trưởng các nhà trường phải chịu trách nhiệm nếu những khoản thu và những khoản chi không đúng.

Không được lạm thu trong trường học

* Đầu năm học thường “nóng” câu chuyện về các khoản đóng góp của phụ huynh cho nhà trường. Vậy theo ông, phải làm gì để nhà trường và phụ huynh tìm được tiếng nói chung đồng thuận trong vấn đề này?

- Tôi cho rằng, các khoản thu của nhà trường gây ra sự bức xúc cho phụ huynh đều có thể tìm được tiếng nói chung nếu như trước đó nhà trường công khai, minh bạch, lấy ý kiến và tạo được sự đồng thuận từ phụ huynh. Đồng thuận ở đây chính là tất cả các khoản thu đều thu đúng và phục vụ cho chính lợi ích của học sinh.

Thực tế nhiều trường đã làm rất tốt việc công khai, minh bạch các khoản thu, chi từ đó phụ huynh đồng thuận, chia sẻ khó khăn với nhà trường và cùng nhau tạo ra những điều kiện học tập và sinh hoạt tốt hơn cho học sinh.

* Một vấn đề được phụ huynh than phiền nhiều mỗi khi năm học đến, đó chính là đồng phục của học sinh. Ông chia sẻ gì về vấn đề này?

- Hiện nay, các trường đều có xu hướng là yêu cầu học sinh phải mặc đồng phục đến trường. Tuy nhiên, các trường phải làm sao cho những bộ đồng phục ấy, phụ huynh có thể tự mua sắm cho con em họ một cách dễ dàng nhất. Chẳng hạn chỉ cần quy định quần tối màu, áo sơ mi trắng và không cần hoa văn họa tiết cầu kỳ là được. Khi các trường đưa ra mẫu, phụ huynh có thể tự mua sắm cho con em họ ở bất cứ nơi đâu, chứ không nhất thiết phải mua qua nhà trường mới có. Một số trường đã đặt phụ huynh vào thế khó khi có mẫu thiết kế riêng và phụ huynh chỉ có thể mua ở nhà trường là việc không nên.

“Ban đại diện cha mẹ học sinh cần giữ được tính độc lập của mình trong trường học và lớp học và có chính kiến rõ ràng, luôn coi trọng quyền lợi chính đáng của số đông học sinh và phụ huynh”.

Hơn nữa, việc trang bị đồng phục cho học sinh như thế nào là câu chuyện của ban đại diện cha mẹ học sinh với phụ huynh, ban giám hiệu chỉ đóng vai trò tham gia ý kiến, không được trực tiếp đứng ra hợp đồng mua bán cung cấp cho học sinh.

* Nỗi băn khoăn nhất của phụ huynh là các trường tự đặt ra các khoản thu. Làm sao chấm dứt chuyện này?

- Các trường đều không có quyền tự đặt ra các khoản thu mà phải bám sát các quy định của Bộ GD-ĐT, nghị quyết của HĐND tỉnh về các khoản thu dịch vụ học tập trong nhà trường. Trước khi thông báo các khoản thu, nhà trường phải làm tờ trình gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được thu.

Chẳng hạn, các trường mầm non, tiểu học, THCS thì phải được Phòng GD-ĐT địa phương phê duyệt, còn các trường THPT thì phải được Sở GD-ĐT. Khi chưa có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền thì tuyệt đối không được thu.

Giáo viên chủ nhiệm lớp tại Trường tiểu học Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) thu tiền đầu năm học của phụ huynh học sinh lớp 1 ngày tựu trường. Ảnh: C.Nghĩa
Giáo viên chủ nhiệm lớp tại Trường tiểu học Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) thu tiền đầu năm học của phụ huynh học sinh lớp 1 ngày tựu trường. Ảnh: C.Nghĩa

Ban đại diện cha mẹ học sinh cần làm đúng vai trò

* Có ý kiến cho rằng không nên duy trì vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng quan điểm này là không đúng và không phù hợp. Lý do đơn giản là vì giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa gia đình và xã hội. Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học, trong lớp học đóng vai trò là cầu nối quan trọng để cùng phối hợp giáo dục học sinh. Nếu không có ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học thì ai sẽ là người đại diện cho học sinh? Và như thế người thiệt thòi không ai khác chính là các em học sinh.

* Theo ông, làm thế nào để phát huy đúng vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học?

- Tôi khẳng định rằng ban đại diện cha mẹ học sinh có vai trò rất quan trọng trong trường học. Nhưng muốn làm tốt, làm đúng vai trò của mình thì các thành viên trong ban đại diện phải nắm chắc các quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư số 55/2011TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành tháng 11-2011 về Ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong thông tư này đã quy định rất rõ nhiệm vụ và quyền của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, nhiệm vụ, quyền của trưởng ban và các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Ban đại diện cha mẹ học sinh cần giữ được tính độc lập trong trường học, lớp học và có chính kiến rõ ràng, luôn coi trọng quyền lợi chính đáng của số đông học sinh và phụ huynh. Đặc biệt, cần chú ý đến những đối tượng học sinh và phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn để có thể đồng hành và hỗ trợ tất cả các em duy trì tốt việc học tập. Cần hết sức tránh chuyện lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để đưa ra các khoản thu không đúng quy định, kể cả những khoản thu với danh nghĩa là “tự nguyện” nhưng thực chất là ép buộc.

* Sở GD-ĐT sẽ thanh, kiểm tra việc thực hiện các khoản thu trong nhà trường như thế nào để hạn chế tình trạng lạm thu?

- Đầu năm học, chúng tôi sẽ có hướng dẫn các trường đối với các khoản thu đầu năm học 2023-2024 và đề nghị các trường phải nghiêm túc thực hiện và phải chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Sở GD-ĐT lưu ý với các Phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục trực thuộc phải quan tâm theo dõi quá trình này. Phải thường xuyên nắm bắt dư luận, khi có biểu hiện của lạm thu, thu sai quy định thì phải kiểm tra chấn chỉnh ngay.

* Bước vào năm học 2023-2024, nhiều phụ huynh, nhất là công nhân lao động đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Sở GD-ĐT có giải pháp gì để giảm bớt khó khăn cho phụ huynh?

- Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn của phụ huynh, nhất là những phụ huynh là công nhân bị ảnh hưởng việc làm dẫn đến ảnh hưởng thu nhập. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chủ trương không tăng học phí đối với năm học sắp tới. Sở vận động nguồn sách giáo khoa cho học sinh khó khăn, yêu cầu các trường tăng cường vận động nguồn lực hỗ trợ cho học sinh nghèo, đồng thời miễn, giảm học phí, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho học sinh không có điều kiện đóng góp và mua bảo hiểm y tế… Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kiểm soắt chặt chẽ việc thu nộp các khoản đóng góp đầu năm học để không xảy ra lạm thu.

* Xin cảm ơn ông!

Công Nghĩa (thực hiện)


Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch LƯƠNG HỮU ÍCH: Hỗ trợ các trường có đủ kinh phí hoạt động

 

Trong 3 năm học trở lại đây, tình hình kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tiếp đến là suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống việc làm và thu nhập của phụ huynh, nhất là công nhân ở trọ nuôi con đi học. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT hướng dẫn các trường xây dựng dự toán kinh phí cho năm học thật sát, giảm gánh nặng đóng góp cho phụ huynh, đồng thời phải tiết kiệm tối đa các khoản chi không cần thiết.

Huyện chỉ đạo với các khoản thu bắt buộc, không nên thu một lần mà có thể chia ra nhiều lần để giảm áp lực cho phụ huynh. Với những học sinh khó khăn có thể làm đơn và giải quyết miễn giảm học phí, hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ sách giáo khoa.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa NGUYỄN XUÂN THANH: Xử lý nghiêm hiệu trưởng để lạm thu

 

Quan điểm của thành phố là không để bất cứ học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học, hay gặp phải những áp lực từ các khoản thu từ nhà trường, dù đó là những khoản đóng góp bắt buộc. UBND TP.Biên Hòa sẽ xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục tự ý đưa ra các khoản thu trái với quy định, thu chi không công khai minh bạch, gây khó khăn cho các phụ huynh.

Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh ĐỖ THỊ HÒA BÌNH: Giám sát chặt chẽ các khoản thu

 

HĐND tỉnh rất quan tâm đến điều kiện hoạt động của các trừng, do đó đã ban hành Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 30-7-2021 về Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Các trường cần bám sát các quy định của Nghị quyết số 05 thực hiện thu cho đúng.

Thực tế qua nắm bắt dư luận và giám sát, vẫn có cơ sở giáo dục chưa thu đúng theo quy định và HĐND tỉnh đã có giám sát, ban hành kết luận giám sát; đồng thời yêu cầu địa phương phải báo cáo kết quả xử lý kết luận này nhưng đến này địa phương vẫn chưa có báo cáo.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài (TP.Biên Hòa) NGÔ THỊ THỦY: Trường cần sự chung tay của phụ huynh

 

Hiện nay, các khoản khoán chi theo quy định đối với nhà trường đều không thể đủ so với nhu cầu thực tế. Như vậy sẽ rất khó khăn cho nhà trường trong quá trình hoạt động. Chính vì vậy, trường cần sự chung tay của phụ huynh thông qua hình thức xã hội hóa.

Tuy nhiên, việc thực hiện xã hội hóa được nhà trường thận trọng, có sự bàn bạc kỹ với phụ huynh trước khi xin phép Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa phê duyệt. Khi thực hiện tiếp nhận các khoản hỗ trợ từ phụ huynh thông qua xã hội hóa đều phải công khai, minh bạch và phải tự nguyện một cách thực chất, đồng thời phải phát huy được hiệu quả các nguồn xã hội hóa để phụ huynh an tâm khi đóng góp với nhà trường.

Cô HOÀNG DIỆU THÚY, Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh): Sẽ hồi đáp lại phụ huynh sớm nhất có thể

 

Cá nhân tôi khi làm giáo viên chủ nhiệm luôn khuyến khích phụ huynh liên lạc, trao đổi bất cứ vấn đề gì liên quan đến việc học của các con mà phụ huynh quan tâm, cần hỗ trợ. Nếu phụ huynh gọi điện mà tôi không thể nghe máy thì có thể nhắn tin qua Zalo, điện thoại, tôi sẽ liên lạc lại ngay khi có thể.

Tôi khuyến khích và tạo điều kiện để cha mẹ và các con trao đổi với nhau qua thư tay nhằm bộc lộ tâm tư, tình cảm, những mong muốn, kỳ vọng… lẫn nhau. Tôi nhận thấy có khá nhiều phụ huynh sau khi hợp tác với tôi trong vấn đề này thì quan hệ giữa họ và con cải thiện khá nhiều, việc giáo dục con thuận lợi và hiệu quả hơn.

Chị NGUYỄN THỊ MỸ HƯƠNG, xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu): Quan tâm giáo dục, trang bị kỹ năng mềm cho con

 

Tôi có con năm nay lên lớp 2 và một bé chuẩn bị vào lớp 1. Bên cạnh việc giáo viên truyền dạy kiến thức trên lớp, gia đình tôi rất chú trọng đến việc dạy các kỹ năng mềm cho con. Vào cuối tuần, tôi thường đưa 2 con đi học bơi, học vẽ, học võ. Qua đó, vừa giúp các con rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất, vừa giúp các con có những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân. Riêng học vẽ để thỏa mãn niềm đam mê hội họa của các con.

Bước vào năm học mới, tôi mong muốn các con sẽ có môi trường học tập tốt. Mong thầy cô luôn yêu thương và giúp đỡ các con, để mỗi ngày đến trường với các con thực sự là một ngày vui.

Đặng Công - An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều