Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Phạm Văn Quân, chuyên gia chuyển đổi số quốc gia, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Checkee: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu khi vươn ra thế giới

Đào Lê
09:23, 23/09/2023
Ông Phạm Văn Quân

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số (CĐS), truy xuất nguồn gốc sản phẩm là những yếu tố không thể thiếu đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Theo ông PHẠM VĂN QUÂN, chuyên gia CĐS quốc gia, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Checkee (TP.HCM), CĐS, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Muốn xây dựng lòng tin của khách hàng và tạo dựng thương hiệu mạnh, đưa sản phẩm vào thị trường quốc tế với tiêu chuẩn cao, DN cần nâng cao nhận thức, đầu tư xứng đáng cho các giải pháp về công nghệ. 

Yêu cầu tất yếu

* Thưa ông, đối với các DN nhỏ và vừa, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, muốn đẩy mạnh việc CĐS cần lưu ý những vấn đề gì?

- Để có thể thực hiện CĐS, DN nhỏ và vừa, nhất là trong lĩnh vực nông sản cần thực hiện các giải pháp là truy xuất nguồn gốc; thu thập và phân tích dữ liệu sản xuất; tự động hóa trong sản xuất; quản lý thông tin lưu kho; bán hàng đa kênh và cung cấp thông tin, hỗ trợ kết nối giữa người bán/người mua. Trong đó, 2 giải pháp mà DN cần ưu tiên triển khai sớm là bán hàng đa kênh và truy xuất nguồn gốc để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.

Các DN cần lưu ý đối với từng hoàn cảnh cụ thể để có lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải áp dụng xuyên suốt. Đơn cử như vấn đề tự động hóa, cần dựa trên quy mô, đặc điểm của mô hình kinh doanh, mức độ trưởng thành của các tính năng DN có thể cân nhắc về việc đầu tư tính năng nâng cao cho các hệ thống tự động. Việc ứng dụng tự động hóa đòi hỏi lao động có kiến thức, kỹ năng về công nghệ. Khi triển khai, DN phải tính toán các chi phí thuê, đào tạo lao động sử dụng những công nghệ này…

* Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang là “cuộc đua” để tham gia vào sân chơi thế giới, nhưng các DN vẫn còn gặp khó khăn, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Đây không phải là cuộc đua, mà là yêu cầu bắt buộc khi muốn tham gia sân chơi chung trên thị trường quốc tế. Nếu nói hoạt động truy xuất nguồn gốc nguyên liệu dẫn đến giá thành sản phẩm đầu ra tăng 10%, khó cạnh tranh, các thủ tục truy xuất chiếm nhiều thời gian của DN và khách hàng nước ngoài là do chưa hiểu cách làm hoặc chưa tìm được nhà tư vấn phù hợp.

Thực tế hiện nay, truy xuất nguồn gốc sản phẩm không còn là khái niệm xa lạ trong thương mại. Nhiều thị trường quốc tế như: EU (Liên minh châu Âu), Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc... đã đưa ra nhiều yêu cầu nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là yêu cầu nguồn gốc rõ ràng.

DN muốn sản phẩm phát triển trên thị trường thì buộc phải áp dụng truy xuất nguồn gốc. Điều này giúp cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và quốc tế.

* Thực trạng truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?

- Truy xuất nguồn gốc sản phẩm không chỉ đơn thuần là dán tem chống hàng giả, mà cần quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến tận người tiêu dùng cuối cùng. Quá trình này bao gồm việc theo dõi và ghi nhận thông tin về nguồn gốc, quá trình sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và hệ thống thương mại của sản phẩm.

Khó khăn hiện nay là Việt Nam chưa có sự đồng bộ, thống nhất chung về hệ thống và tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Cơ quan quản lý chưa đủ nguồn lực để kiểm tra đầy đủ dữ liệu các khâu trọn vẹn trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu vùng trồng; nhà máy sản xuất, đóng gói; đơn vị logistics; hệ thống phân phối cho tới khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Hiện nhiều DN chưa có ý thức đầu tư kinh phí cho giải pháp về truy xuất nguồn gốc. Phần lớn họ làm để đối phó với kiểm tra từ cơ quan Nhà nước. Khó khăn lớn nhất là thay đổi tư duy. DN phải hiểu thực hiện truy xuất nguồn gốc là để xây dựng thương hiệu, đảm bảo sản phẩm không bị làm giả.

Minh bạch hóa để sản xuất bền vững

* Theo ông, muốn truy xuất được nguồn gốc sản phẩm phải có những yêu cầu bắt buộc nào?

- Để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đúng tiêu chuẩn, phải định danh số hóa và quản lý từng công đoạn trong chuỗi cung ứng từ nuôi trồng, tới hệ thống sản xuất, phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Tùy theo tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm và giải pháp ứng dụng phù hợp, có thể quét mã truy vết để nắm được toàn bộ chuỗi quy trình của sản phẩm chứ không chỉ tên mỗi nhà sản xuất hay đơn vị đóng gói là đủ. Chẳng hạn, truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm hiện nay thường chỉ hiện tên của đơn vị sản xuất hoặc website chứ không hiện đầy đủ toàn bộ quy trình.

Tại Checkee, để hỗ trợ DN và người tiêu dùng trong quá trình truy xuất nguồn gốc, công ty cung cấp giải pháp và giải đáp các thắc mắc. Checkee sẽ ghi nhận ý kiến từ DN và người dùng để cải thiện và nâng cấp hệ thống đáp ứng tốt hơn các yêu cầu  ngày càng cao trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Giới thiệu công nghệ tại sự kiện Chợ thiết bị và công nghệ Đồng Nai 2023. Ảnh: Đ.Lê
Giới thiệu công nghệ tại sự kiện Chợ thiết bị và công nghệ Đồng Nai 2023. Ảnh: Đ.Lê

* Cụ thể, khách hàng sẽ được hưởng những tiện ích gì từ các công nghệ của Checkee?           

- Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm của chúng tôi dựa trên công nghệ mã hóa và blockchain giúp bảo mật, đảm bảo tính chính xác và minh bạch toàn bộ thông tin của DN. Quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm toàn diện cho phép DN ghi chép, cập nhật, quản lý và theo dõi toàn bộ quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm, từ nguồn gốc đến tay người tiêu dùng một cách chi tiết và chính xác. Sự minh bạch giúp người tiêu dùng an tâm về chất lượng sản phẩm khi sử dụng, giúp DN tạo dựng niềm tin trên thị trường. Ngoài ra, DN có thể tối ưu hóa hoạt động, giảm chi phí vận hành và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn trong quá trình sản xuất.

* Ông luôn bận rộn với những chuyến công tác để thúc đẩy CĐS trong DN, hành trình vừa qua với một start-up công nghệ mang lại cho ông những cảm nhận gì?

- Trước Checkee chúng tôi đã có những dự án, DN về công nghệ khác nhưng cuối cùng chưa thành công. Thất bại giúp tôi hiểu ra là không thay đổi thì sẽ “chết”, ngoài chủ DN chịu ảnh hưởng còn tác động đến khách hàng, hệ thống cộng sự, nhân viên đồng hành với mình. “Tái khởi nghiệp” luôn phải sẵn sàng vì xã hội thay đổi, nhu cầu của con người cũng được nâng lên. Do vậy, khởi nghiệp không bao giờ là muộn. Tôi giờ chạy show như nghệ sĩ, 20% thời gian ở TP.HCM, còn lại khoảng 80% thời gian là đi các tỉnh, thành khác để gặp gỡ đối tác, thuyết trình về những giải pháp công nghệ.

Cho tới nay, Checkee vẫn chưa thành công như mong đợi, nhưng tôi luôn có niềm tin rằng giải pháp truy xuất nguồn gốc nói riêng và công cuộc CĐS quốc gia nói chung là xu thế không thể đảo ngược.

* Xin cảm ơn ông!

Đào Lê (thực hiện)

Tin xem nhiều