Là đô thị hơn 1,2 triệu dân, có quá trình phát triển lâu dài, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tuy nhiên thời gian qua ở Biên Hòa, các thiết chế để xây dựng đời sống văn hóa vẫn chưa thực sự có được sự đầu tư đúng mức. Một trong số đó là thành phố đang thiếu các không gian công cộng để phát triển văn hóa đọc. Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm thực hiện đường sách để tạo điểm nhấn cho không gian văn hóa cộng đồng.
Các bạn trẻ tham quan gian hàng sách tại Tuần lễ Văn hóa TP.Biên Hòa vừa được tổ chức. Ảnh: V.Gia |
Khi có được sự đồng thuận và đầu tư của chính quyền, các cơ quan liên quan thì tuyến đường sách Biên Hòa hứa hẹn nhận được những hỗ trợ từ phía đơn vị, doanh nghiệp chuyên ngành về sách và tổ chức không gian văn hóa đọc.
* Mong sớm có tuyến đường sách
Nếu so sánh một đô thị hơn triệu dân, ngang bằng với nhiều tỉnh thuộc loại trung bình của cả nước thì không gian cho sách ở Biên Hòa vẫn thiếu. Toàn thành phố chỉ có một số khu vực có nhà sách được tạm gọi là lớn như ở siêu thị Co.opmart (đường Phạm Văn Thuận); nhà sách Nguyễn Văn Cừ ở đường Nguyễn Ái Quốc; nhà sách Đồng Nai trên quốc lộ 1 (P.Tân Biên); nhà sách Phương Nam trên đường Đồng Khởi và ở Vincom Plaza Biên Hòa; nhà sách Biên Hòa trên đường Cách Mạng Tháng Tám... Số còn lại là những nhà sách nhỏ, lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập của học sinh, thành phố không có khu vực nào tập trung kinh doanh sách, phục vụ bạn đọc như các đô thị lớn khác là Hà Nội, TP.HCM…
Tháng 9-2022, khi Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh làm việc, gặp gỡ giới văn nghệ sĩ Đồng Nai, NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai bày tỏ, điều băn khoăn hiện nay là dù đô thị triệu dân song Biên Hòa chưa có địa điểm phù hợp để tổ chức triển lãm, giới thiệu tác phẩm mới, tổ chức chương trình ca múa nhạc, kịch nói, kịch hát, xây dựng khu đọc sách, khu vui chơi… phục vụ cộng đồng. Văn nghệ sĩ muốn được đóng góp ý tưởng, giải pháp xây dựng không gian sống đẹp hơn, văn minh hơn cho người dân đồng thời tạo điểm nhấn cho đô thị, do đó việc xây dựng một không gian chung là rất cần thiết.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, đường sách là sản phẩm cần có ở Biên Hòa - Đồng Nai. Việc xây dựng các không gian văn hóa cộng đồng cần quan tâm thực hiện đường sách, phát triển và lan tỏa văn hóa đọc. Các cơ quan Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, Sở VH-TTDL, Sở GD-ĐT và TP.Biên Hòa cần phối hợp với nhau để sớm thiết lập không gian chung, thúc đẩy khuyến khích văn hóa đọc, nhất là trong giới trẻ.
Đối với Biên Hòa, việc xây dựng đường sách nói riêng và không gian văn hóa đọc, những sự kiện văn hóa liên quan sẽ đáp ứng sự kỳ vọng của người dân và trong quá trình đó, các đơn vị chuyên nghiệp về sách cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ. |
Đường sách cố định là điều mà rất nhiều người dân Đồng Nai mong chờ. Nhiều người kỳ vọng với sự hỗ trợ, chung tay từ các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…, đường sách ở TP.Biên Hòa sẽ sớm được xây dựng, thực sự là điểm hẹn sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Tham quan gian hàng sách tại chương trình Tuần lễ Văn hóa TP.Biên Hòa vừa được tổ chức tại công viên Biên Hùng, chị Minh Anh ngụ P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) cho hay, từ khi thành phố quyết định cải tạo công viên Biên Hùng thì bộ mặt khu vực đã có sự thay đổi hơn. Đây là khu vực có thể thiết kế để tạo không gian cho sách một cách phù hợp nhưng điều cần thiết là phải duy trì thường xuyên.
TP.Biên Hòa có kế hoạch trong năm nay sẽ xây dựng không gian sách tại khu vực công viên Biên Hùng và dự kiến sẽ mở rộng ra các khu vực khác khi mang lại hiệu quả.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh, không gian sách còn có các gian hàng trưng bày, giới thiệu nhạc cụ âm nhạc từ truyền thống đến hiện đại; các sản phẩm mỹ thuật; có các khu vực tổ chức sân chơi kết hợp đọc sách cho thiếu nhi, cà phê sách, quà lưu niệm, khu biểu diễn văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao; khu trò chơi thiếu nhi… Đây là tín hiệu vui cho không gian văn hóa đọc của người dân.
* Đường sách không chỉ có…sách
Để có thể thành công, đường sách cần có nhiều yếu tố. Thực tế, “số phận” của các đường sách trên cả nước hiện không giống nhau. Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) nằm ngay trung tâm TP.Buôn Ma Thuột có không gian đẹp nhưng lại đìu hiu. Hay đường sách ở thành phố biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phải đứng trước nguy cơ dừng hoạt động cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
Một trong số những đường sách thành công cho đến hiện tại là đường sách Nguyễn Văn Bình ở Q.1, TP.HCM. Tuy đường sách có chiều dài khiêm tốn nhưng đã tạo nên nét văn hóa riêng có của thành phố mang tên Bác, khiến thành phố thêm đẹp hơn trong mắt du khách trong nước và quốc tế.
Thời gian qua, tại Biên Hòa đã tổ chức một số chương trình để tôn vinh văn hóa đọc nhưng không thường xuyên, chỉ theo dịp nên rất khó để khuếch trương tầm ảnh hưởng của sách, thiếu điểm nhấn thu hút độc giả. |
Thành công của đường sách này ngoài sự nỗ lực của những người thực hiện thì còn tổng hợp từ nhiều yếu tố khác nhau. Là địa điểm trung tâm, đường sách tiếp giáp nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa, kiến trúc đặc sắc như: Bưu điện TP.HCM, Di tích lịch sử Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà... đã tạo nên sự liên kết trong thưởng thức, tìm hiểu văn hóa lịch sử của du khách. Một trong những hiệu quả của đường sách là không chỉ phát triển văn hóa đọc cho người dân thành phố mà còn thu hút du khách nội địa, quốc tế đến tham quan, chụp ảnh “check-in” và trải nghiệm.
Bên cạnh đó, các hoạt động trong đường sách không chỉ có bán sách và đọc sách mà còn có nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc khác như: giới thiệu sách, tổ chức các buổi nói chuyện chủ đề và các hội thảo mini… có nội dung liên quan thiết thực đến văn hóa và nhu cầu của người dân. Từ thành công của đường sách Nguyễn Văn Bình, mới đây TP.HCM tiếp tục thực hiện thêm đường sách ở TP.Thủ Đức.
Theo ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP.HCM, thì Biên Hòa là đô thị lớn, cận kề nên khá thuận lợi cho việc hình thành một không gian sách như là đường sách chẳng hạn. Nếu địa phương có kế hoạch thì Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam và Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM sẵn sàng tham vấn các bước thực hiện để sớm có một đường sách tại đây.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP Sbooks (TP.HCM), đơn vị chuyên xuất bản sách cho biết, thời gian qua, công ty đã hợp tác với các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM để xây dựng và phát động các chương trình đọc sách. Công ty đang hợp tác cùng ban quản lý đường sách của thành phố để truyền thông, tổ chức các sự kiện về sách... Khi Biên Hòa có đường sách, Sbooks sẵn sàng kết nối, hỗ trợ để các hoạt động ở đây được thực hiện thường xuyên và thành công hơn.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin