Báo Đồng Nai điện tử
En

Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659: Soi sáng công ơn người đi trước

Cẩm Điệp
09:15, 30/09/2023
Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659 ấn hành tháng 9-2023

Tác phẩm Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659 của linh mục Đỗ Quang Chính do NXB Thế Giới và Thái Hà Books ấn hành là tài liệu giá trị trong ngành nghiên cứu ngôn ngữ học và tiếp tục mở ra vấn đề rộng lớn về lịch sử của loại chữ viết người Việt đang dùng ngày nay.

Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659 của tác giả Đỗ Quang Chính (1929-2012) là một trong những tài liệu cơ bản và quan trọng về bối cảnh ra đời của chữ Quốc ngữ từ nửa đầu thế kỷ XVII. Tác phẩm từng được Tủ sách Ra Khơi ấn hành năm 1972 (dày 174 trang) và NXB Tôn Giáo ấn hành năm 2008 (223 trang). Bản in mới nhất do NXB Thế giới và Thái Hà Books tháng 9-2023 có thêm một số sửa chữa, bổ sung của chính tác giả lúc sinh thời (vào năm 2007). Mục đích khi biên soạn cuốn sách, nói theo sự khiêm tốn của tác giả, là “bổ túc vào công việc nghiên cứu của những người đi trước hầu làm sáng tỏ lịch sử chữ viết của chúng ta ngày nay”.

* Nhiều người góp sức sáng tác chữ Quốc ngữ

“Lịch sử chữ viết người Việt đang dùng là một vấn đề rộng lớn… Còn nhiều thắc mắc chưa được giải quyết như ai là người có công nhất trong việc sáng tác chữ Quốc ngữ? Tên những người Việt Nam đã cộng tác đắc lực với các linh mục Dòng Tên khoảng từ 1620-1659 hầu đặt nền tảng cho chữ Quốc ngữ?” - linh mục ĐỖ QUANG CHÍNH viết.

Trong cả hai ấn bản sách Lịch sử chữ Quốc ngữ năm 1972 lẫn 2023 đều có lời giới thiệu rằng linh mục Đỗ Quang Chính dựa trên các tài liệu truyền đạo tại Đại Việt còn lưu lại bởi các giáo sĩ Dòng Tên khoảng đầu thế kỷ XVII để nghiên cứu giai đoạn hình thành của chữ Quốc ngữ. Bấy giờ, các giáo sĩ Dòng Tên cố gắng tạo nên một lối chữ viết căn cứ trên mẫu tự La Tinh, nhờ đó có thể diễn tả ngôn ngữ Việt.

Tác giả nhờ quá trình học tập, nghiên cứu ở châu Âu đã kiên nhẫn tìm tòi, thu thập được nhiều tài liệu mới mẻ nằm trong các văn khố và thư viện Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy… để thống kê, phân tích chặt chẽ, trình bày lại quá trình biến chuyển cụ thể của cách thức viết chữ Quốc ngữ trong giai đoạn ban đầu, hạn định từ năm 1620-1659. Những khám phá mới mẻ nhất từ năm 1620-1637.

Thật xúc động khi nhìn lại những văn bản viết tay của các giáo sĩ ghi chép từ Việt Nam gửi sang châu Âu năm xưa. Hay độc giả trở lại thời điểm mà những người trong cuộc dò dẫm phiên âm các nhân danh và địa danh, cho đến lúc linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) soạn thảo và cho xuất bản hai tập sách Quốc ngữ đầu tiên tại La Mã năm 1651 là Dictionarium và Cathechismus.

* Tiếng Việt khó học nhưng “du dương”

 
“Đây là tác phẩm khác biệt, có nhiều tư liệu quý về quá trình hình thành chữ Quốc ngữ. Đối với chúng ta, nếu không có chữ Quốc ngữ thì việc tiếp cận văn minh thế giới khó hơn rất nhiều. Chúng ta cần tôn vinh xứng đáng những vị có công tạo ra chữ Quốc ngữ và tiếng Việt tuyệt vời mà chúng ta đang sử dụng” - TS NGUYỄN MẠNH HÙNG, Chủ tịch đơn vị Sách Thái Hà.

Những tài liệu mới được khám phá giúp tác giả Đỗ Quang Chính trình bày nhiều dữ liệu quý như tài liệu viết tay Lịch sử nước Annam của Bento Thiện viết năm 1659 “chứng minh vào giữa thế kỷ XVII đã có người Việt Nam viết chữ Quốc ngữ thành thạo”. Hay dẫn cứ và lập luận: “Linh mục Gaspar d’Amaral viết chữ Việt ngày nay giỏi hơn linh mục Đắc Lộ nhiều”.

Tác giả trích dẫn nhiều nhận xét, nhận định quan trọng về tiếng Việt của người Tây phương - cụ thể là 4 người gồm: Cristoforo Borri, Đắc Lộ, Gio Filippo de Martini và Joseph Tissanier đều vốn ở Việt Nam giai đoạn 1618-1663. “Họ đều học tiếng Việt và đóng góp ít nhiều vào việc thành lập chữ viết của chúng ta ngày nay” - sách viết. Tiếng Việt được những nhân vật lịch sử trên thừa nhận “lúc đầu học tiếng Việt thật là khó” do đặc trưng thanh âm, phát âm, cách ngữ… song lại “du dương hòa điệu, giống bản nhạc liên hồi”.

Ở phần trình bày tóm lược giai đoạn hình thành chữ Quốc ngữ (1620-1648), nhiều nội dung tài liệu viết tay cho thấy chữ Quốc ngữ dần dần được viết khá đúng về hai phương diện cách ngữ và dấu. Dẫn chứng tài liệu viết tay của Đắc Lộ cho thấy, năm 1644, giáo sĩ này đã “viết tiếng Việt thành câu văn chứ không phải chỉ có các chữ rời rạc như trước”.

Tác giả cho rằng “vẫn còn nhiều tài liệu quan trọng chưa được khai thác” để góp phần làm sáng tỏ lịch sử chữ Quốc ngữ. Dù vậy, một điều chắc chắn là “đã có nhiều người góp sức vào việc sáng tác chữ Quốc ngữ”. Ngoài công ơn của người ngoại quốc như Đắc Lộ thì những người Việt như Igesico Văn Tín và Bento Thiện với những tài liệu viết tay năm 1659 cũng “là một kho tàng quý báu, chứng minh vào giữa thế kỷ XVII đã có người Việt Nam viết chữ Quốc ngữ khá thành thạo”.

Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659 của linh mục Đỗ Quang Chính được xem là công trình nghiên cứu đầy đủ nhất vể sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Nhờ kiên nhẫn tìm tòi, khám phá được nhiều tài liệu quý hiếm, đồng thời với tấm lòng yêu tiếng Việt, tác giả chứng minh được những cố gắng mang tính tập thể của nhiều nhà truyền đạo phương Tây cho phép sáng tác và thành hình chữ viết của chúng ta ngày nay. Đồng thời cũng có cả sự góp sức của chính người Việt. Năm 1945, sắc lệnh số 20 về việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc được ban hành, từ đó chữ Quốc ngữ trở thành hệ chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt.

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes và tập sách Cathechismus
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes và tập sách Cathechismus

Cẩm Điệp

Tin xem nhiều