Báo Đồng Nai điện tử
En

Lắng lòng về thăm cây đào Tô Hiệu

Bình Nguyên
09:23, 16/09/2023

Nhà tù Sơn La (tỉnh Sơn La) là một trong những nhà tù khắc nghiệt nhất nước ta thời Pháp thuộc. Nơi đây đã ươm mầm những hạt giống đỏ đầu tiên cho phong trào cách mạng Việt Nam. Khu di tích cách mạng này có cây đào Tô Hiệu là biểu trưng cho ý chí và niềm tin của những người chiến sĩ kiên trung thời bấy giờ và mãi về sau.

Hướng dẫn viên Hà Thị Hằng giới thiệu cây đào Tô Hiệu trong khuôn viên di tích Nhà tù Sơn La với đoàn Báo Đồng Nai và Báo Sơn La. Ảnh: B.Nguyên
Hướng dẫn viên Hà Thị Hằng giới thiệu cây đào Tô Hiệu trong khuôn viên di tích Nhà tù Sơn La với đoàn Báo Đồng Nai và Báo Sơn La. Ảnh: B.Nguyên

Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; trở thành địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần yêu nước, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập.

* Dấu tích của địa ngục trần gian ở Tây Bắc

Nhà tù Sơn La nằm trên đỉnh đồi Khau Cả thuộc tổ 9, P.Tô Hiệu, TP.Sơn La. Giai đoạn 1930-1945, tại đây đã giam giữ 14 đoàn tù chính trị với hơn 1 ngàn lượt tù nhân. Những năm 1930-1933, ngục giam này có số lượng tù nhân chính trị nhiều nhất với khoảng 500 người và cũng là giai đoạn có số lượng tù nhân chết nhiều nhất. Gần 120 chiến sĩ cộng sản và người yêu nước bị giết hại, chết vì bệnh tật. Nhà tù Sơn La lúc đó được ví như “chiếc quan tài mở nắp, chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn”.

Chi bộ Nhà tù Sơn La rất quan tâm đến đời sống tinh thần của anh em tù nhân nên đã thành lập ra Báo Suối Reo (tiền thân của Báo Sơn La ngày nay) do đồng chí Xuân Thủy làm chủ nhiệm. Báo Suối Reo mỗi tháng cho ra 2 số báo, mỗi số ra 2 tờ báo từ những mẩu thư chắp vá do gia đình tù nhân gửi vào.

Sơn La là một trong những vùng nổi tiếng “nước độc rừng thiêng” nên thực dân Pháp đã thực hiện âm mưu hết sức thâm độc là lợi dụng khí hậu khắc nghiệt, kết hợp với chế độ ăn uống kham khổ, lao tù khắc nghiệt, lao động khổ sai… để giết dần, giết mòn cả thể xác lẫn tinh thần của người tù chính trị. Âm mưu thâm độc đó đã lộ rõ trong bức mật thư của tên Công sứ Sơn La Xanh Pu-nôp, gửi cho Thống sứ Bắc kỳ năm 1932: “... Xin ngài cứ tiếp tục gửi chính trị phạm lên Sơn La, bọn này nếu ở Hỏa Lò là những hạng hung hăng khó trị, thì rồi đây lên tới Sơn La, chỉ trong vòng 6 tháng thôi, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng suy nhược và trở lên hiền hòa...”.

Sự dã man này thể hiện ngay trên chặng đường chuyển tù nhân từ Nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội lên Nhà tù Sơn La, ngoài được vận chuyển bằng xe, tù nhân bị gông xiềng phải đi bộ suốt quãng đường rừng dài 220km. Trong quá trình di chuyển, tù nhân phải ăn cơm thiu với cá khô mốc kèm với dãi nắng dầm mưa khiến không ít người đã mất trên đường đi.

Cả năm, tù nhân ở đây chỉ được phát 1 bộ quần áo mỏng làm bằng vải thô, 1 manh chiếu và tấm chăn chiên mỏng. Họ không thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, nhất là cái lạnh thấu xương thịt của vùng núi Tây Bắc. Trước những năm 1939, tại đây đã ghi nhận rất nhiều tù nhân bị chết cóng. Khi bị giam cầm tại đây, tù nhân mắc rất nhiều căn bệnh như: phù thũng, kiết lị, thương hàn, đặc biệt là bệnh sốt rét rừng. Khi bị bệnh, tù nhân không được phát thuốc chữa trị nên chết dần, chết mòn vì bệnh tật.

Chế độ ăn của tù nhân là gạo nếp trộn với trấu, sạn nấu nhão. Trước khi nấu, gạo nếp được ngâm với nước vôi trong để làm mất chất tinh bột và vitamin, tù nhân ăn vào sẽ chết dần bởi bệnh phù thũng. Khi bị bệnh này, cổ chân người tù bị sưng rất to, khi bị cùm, cổ chân không thể xoay chuyển được dẫn đến rỉ máu, hoại tử và chết dần từ cổ chân. Khi ăn, chúng không cho các đồng chí dùng bát đũa mà đổ thứ cơm nếp nấu nhão vào chiếc máng dài làm bằng tre và gỗ.  Chúng còn quy định thời gian ăn, ai không nhanh miệng, nhanh tay không những bị đòn roi mà cơm, thức ăn còn bị đổ đi.

Theo lời kể của hướng dẫn viên người Thái tại Bảo tàng tỉnh Sơn La Hà Thị Hằng, nhiều đồng chí bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La vài ba năm cũng không thể quen với chế độ ăn đó. Đến khi ốm nặng sắp qua đời, anh em đồng đội hỏi về tâm nguyện cuối cùng, ngoài việc dặn dò chuyện chung, chuyện riêng, với ánh mắt trào dâng nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, người tù trước khi mất có tâm nguyện cuối cùng: “Ước gì cho mình xin được một miếng cơm tẻ để mình được nhắm mắt”. Anh em xung quanh chấm dòng nước mắt cho người đồng chí mà lòng đau thắt vì không thể kiếm đâu ra miếng cơm tẻ.

Tại Nhà tù Sơn La có khu xà lim nằm sâu dưới lòng đất. Phòng giam cá nhân có sàn nằm dài chỉ 1,6m; chiều ngang 60cm đều gắn hệ thống cùm chân. Tù nhân khi bị giam cầm chỉ có thể nửa nằm nửa ngồi hoặc nằm co. Ngay trên đầu mỗi sàn nằm được khoét 1 lỗ để đặt thùng phân và nước tiểu không có nắp đậy, phía trên là nơi để cơm và nước uống của tù nhân. Phòng giam đặc biệt hay còn gọi là phòng phạt giam tập thể chỉ có chiều dài 1,6m, chiều ngang 1m và chiều cao hơn 1m. Trong góc phòng đặt 1 thùng đựng phân và nước tiểu không có nắp đậy. Cao điểm tại đây giam giữ đến 4 tù nhân. Các đồng chí khi bị giam cầm chỉ có thể đứng khom lưng, ngồi bó gối hoặc thay nhau nằm co. Trên cánh cửa phòng giam chỉ có 1 khe cửa rất nhỏ để đưa cơm và nước uống. Khi cánh cửa phòng giam đóng lại, phòng giam không khác gì một chiếc hòm kín vô cùng hôi thối, ngột ngạt.

Nhà tù Sơn La được xây dựng vào năm 1908; từ năm 1930 đến năm 1940 qua 2 lần mở rộng có tổng diện tích gần 2,2 ngàn m2, gồm 3 hạng mục lớn: Nhà tù Sơn La, Nghĩa trang liệt sĩ Nhà tù Sơn La và Cây đa bản Hẹo.

Thực dân Pháp còn đổ lên đầu tù nhân rất nhiều công việc khổ sai. Qua bức tranh mô tả 1 ngày của tù nhân ở nhà tù này là sáng sớm tinh mơ, các đồng chí đã phải xếp hàng điểm danh ra ngoài lao động. Họ phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc như: nung gạch, tôi vôi, khai thác đá, cưa gỗ… Tù nhân ốm vẫn phải đi làm, khi đi chậm hoặc tìm cách nói chuyện riêng đều bị tra tấn và đánh đập.

* Cây đào Tô Hiệu - biểu tượng của tinh thần bất khuất

Tuy nhiên, cũng chính tại chốn địa ngục trần gian này, khí tiết của những người cộng sản càng thêm chói sáng. Nơi đây đã ươm mầm những hạt giống đỏ đầu tiên cho phong trào cách mạng tại Việt Nam. Tiêu biểu như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Lương Bằng… Đặc biệt, đồng chí Tô Hiệu được xem là cánh chim đầu đàn trong phong trào cách mạng tại Nhà tù Sơn La.

Đoàn công tác Báo Đồng Nai tham quan di tích Nhà tù Sơn La
Đoàn công tác Báo Đồng Nai tham quan di tích Nhà tù Sơn La. Ảnh: Huy Anh

Nhận thấy rằng phải có 1 tổ chức đứng dậy lãnh đạo anh em tù nhân giành lại quyền lợi của mình, tháng 12-1939, Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập và đã trải qua 5 đồng chí bí thư chi bộ qua các thời kỳ. Trong đó, đồng chí Tô Hiệu hy sinh tại đây, còn lại 4 đồng chí khác sau này đều giữ các chức vụ rất cao trong Đảng và Nhà nước ta.

Với phương châm “biến nhà tù đế quốc thành trường học đấu tranh cách mạng”, là Bí thư Chi bộ, đồng chí Tô Hiệu đã trực tiếp mở các lớp đào tạo, huấn luyện lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, bồi dưỡng phương pháp đấu tranh cách mạng, chỉ đạo phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và ngoài nhà tù. Vào những tháng cuối đời khi bị giam ở Nhà tù Sơn La, đồng chí Tô Hiệu đã trồng ở đây một cây đào. Khi qua đời, đồng chí Tô Hiệu mới có 32 tuổi nhưng đã có 12 năm tuổi Đảng, 8 năm tù khổ sai và chưa từng được ra ngục. Theo hướng dẫn viên Hà Thị Hằng, cây đào Tô Hiệu rất nổi tiếng vì không chỉ là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, cho tinh thần đấu tranh bất khuất trước kẻ thù mà còn là niềm lạc quan, tin tưởng ở ngày toàn thắng của dân tộc.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều