Ảnh minh họa: Một tác phẩm mới viết về thiếu nhi của tác giả Đào Quốc Vịnh |
Hơn 260 tác phẩm tham gia cuộc vận động Sáng tác về đề tài thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam giai đoạn 1. Đây là một trong những nỗ lực đổi mới văn học thiếu nhi và mang đến cho tuổi thơ Việt Nam thêm nhiều điều tốt đẹp.
Bước vào kỷ nguyên 4.0, thiếu nhi cần trang bị những gì và chúng ta có thể mang đến những gì cho thế hệ trẻ, mầm non làm nên tương lai của đất nước? Nếu tìm câu trả lời từ hơn 260 tác phẩm kể trên, có thể thấy được những ước mơ vừa lớn lao vừa bình dị gửi gắm trong những trang viết của các tác giả khắp cả nước, từ những cây bút “nhí” cho đến các nhà văn lão thành.
* Từ những tác phẩm mới…
Nhà văn Lê Phương Liên, cựu biên tập viên NXB Kim Đồng, Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, người đã nhiều năm gắn bó với văn học thiếu nhi đã bày tỏ sự phấn khởi khi tiếp cận với các tác phẩm này, bà đã “truyền lửa” cho các thành viên khác của Hội đồng Văn học thiếu nhi và cho biết khi đọc các tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác, bà “như được trẻ lại”; nhận thấy “văn học thiếu nhi đang đổi mới cùng thời đại”.
Đây là cuộc “biểu dương lực lượng” lớn của văn học thiếu nhi, nhà văn Thái Chí Thanh, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi dự báo giai đoạn 2 (từ nay đến tháng 7-2025) sẽ thu hút được thêm nhiều tác phẩm và tác giả mới với nhiều điều mới lạ, hấp dẫn. |
Những tác phẩm mang hồn Việt, văn hóa Việt cùng với tình thương bao la dành cho trẻ thơ; vẫn là những câu chuyện từ nơi bàn học, bên bếp lửa, hay trong câu ca… Những câu chuyện viết về trẻ em khắp nơi trên đất nước, ở nước ngoài, hoặc cả trong giả tưởng; qua đó người đọc thấy được đời sống, ngôn ngữ, sở thích của trẻ em, cũng như người lớn ở mọi miền, từ đồng quê cho đến đô thị, từ núi cao đến những vùng biển rộng bao la của đất nước ta.
Nhiều tác phẩm đồng thoại cũng được chú ý, bởi sự phát hiện mới mẻ và những cách tân nghệ thuật của người viết, bởi thể loại này cho phép trí tưởng tượng của người viết bay bổng; con người, loài vật, đồ vật và thế giới thiên nhiên có thể thoải mái làm bạn với nhau, cùng đi chu du thiên hạ, cùng nhau làm nên những điều lớn lao, không tưởng…
* …đến nỗ lực đổi mới văn học thiếu nhi
Bên cạnh cuộc vận động sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều ngành đã vào cuộc nhằm đổi mới văn học thiếu nhi, khuyến khích phát triển văn hóa đọc và hướng đến việc xây dựng con người mới. Văn học nói chung, văn học thiếu nhi nói riêng được xem như một trong những nền tảng của nhận thức và hành động mà người lớn và trẻ em đều nên tiếp cận. Sự chung tay của toàn xã hội dành cho đời sống văn hóa, tinh thần của thiếu nhi không phải là việc làm mới mẻ, mà ở giai đoạn hiện nay, sự quyết tâm đang được nhân lên trước những vận hội mới, tình hình mới của đất nước.
Các tờ báo đã tích cực tham gia việc giới thiệu, quảng bá sáng tác văn học thiếu nhi, không chỉ những tờ báo dành riêng cho lứa tuổi này (như Báo Thiếu Niên Tiền Phong, Báo Kim Đồng, Mực Tím…), mà các báo, tạp chí lớn của trung ương, của các bộ, ngành cũng đều có trang văn hóa văn nghệ và dành “đất” cho văn học thiếu nhi.
NXB Kim Đồng vừa công bố Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất (2023-2025). Hơn 66 năm qua, NXB Kim Đồng đóng vai trò rất quan trọng đối với nhiều thế hệ tuổi thơ Việt Nam, qua những tủ sách văn học nghệ thuật. NXB Kim Đồng đã từng có những thời kỳ phát triển rực rỡ, mà khi nhắc lại, nhà văn Trần Quốc Toàn (TP.HCM), hay họa sĩ Lê Thiết Cương (Hà Nội) đều tỏ ra hạnh phúc, tự hào khi đọc những cuốn sách được phát hành hàng trăm ngàn bản và bản thân mình cũng tham gia vào những dự án làm sách thiếu nhi hoành tráng, hấp dẫn không kém.
Một bình diện quan trọng, không thể thiếu chính là sách giáo khoa (SGK) văn học. Các nhà văn, nhà thơ cần phải tham gia vào việc thực hiện nội dung sách một cách chuyên nghiệp. Ở Đồng Nai, đã có các tác giả Đàm Chu Văn, Trần Ngọc Tuấn, Phạm Thanh Quang có tác phẩm được chọn vào SGK (đa số là tiểu học và THCS). Nhà văn 8X Võ Thu Hương của TP.HCM cũng là một trong số các tác giả trẻ có tác phẩm in SGK. Câu chuyện này tạo nên một diễn đàn nhỏ giữa nhiều tác giả tại Trại sáng tác thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tháng 8-2023. Các nhà văn, nhà thơ Thái Chí Thanh, Trần Quốc Toàn, Đào Quốc Vịnh, Nguyễn Lãm Thắng… đều cho rằng các hội đồng SGK cần tham vấn ý kiến của người sáng tác văn học; các tác giả không chỉ tham gia sâu hơn vào việc thực hiện nội dung sách, mà còn chủ động trong việc định hướng, xây dựng nội dung, tuyển chọn tác phẩm… Từ đó, nội dung các tác phẩm văn học được đưa vào sách có sự phù hợp với nhận thức của học sinh từng độ tuổi, đồng thời phải luôn luôn đổi mới, cập nhật sự vận động của đời sống - xã hội và phù hợp với tiêu chí của Bộ GD-ĐT. Vì sự thiếu đồng bộ trong nội dung sách có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, trí tuệ (và cả nhận thức) của học sinh.
Những sáng tác văn học thiếu nhi dù được viết ra từ các tác giả của nhiều độ tuổi khác nhau, đều khẳng định giá trị vô giá của tuổi thơ, và mang đến những thông điệp mới: tình yêu quê hương đất nước; những kinh nghiệm chống dịch Covid-19 và thích ứng xã hội; những dự báo tương lai, những khát vọng vượt không gian, thời gian… |
Tại hội nghị của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương vào tháng 8-2023 tại tỉnh Ninh Bình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã phát biểu về nội dung này. Ông cho rằng các nhà văn, nhà thơ cần tích cực tham gia vào thực hiện nội dung SGK văn học, vì đây là trách nhiệm xã hội và cũng là nhiệm vụ chuyên môn không thể thoái thác. Vấn đề còn lại là cơ chế để thực hiện hiệu quả, giúp nhà văn, nhà thơ góp tiếng nói vào công tác giáo dục và xác định văn học không chỉ dựa vào năng khiếu, vào đam mê, mà còn là khoa học, nhân học.
* Đọc sách để thay đổi nhận thức hành vi
Trở lại với nội dung phần đầu, cuộc vận động Sáng tác về đề tài thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam đang trong giai đoạn nước rút để tìm ra tác phẩm xứng đáng trao những giải thưởng, đồng thời quảng bá rộng rãi, góp phần nâng cao văn hóa đọc… Với hơn 260 cuốn sách và bản thảo, ngồn ngộn những trang viết đủ các thể tài, với nhiều chủ đề: biển đảo, đời sống vùng cao, đi tìm con chữ, phiêu lưu ký…, cuộc vận động sáng tác này là cả một thế giới rộng lớn đang mở ra, đón chờ các em bước vào, khám phá và đồng hành. Cuộc vận động sáng tác là một phần của việc mang sách đến với thiếu nhi, là ước mơ của các nhà thơ nhà văn cùng với sự chung tay của toàn xã hội. Ý tưởng và quan điểm được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm rõ và đưa ra tại nhiều diễn đàn, thể hiện mong muốn mang được những trang viết tươi ròng chất sống và các giá trị văn hóa của người Việt Nam đến với bạn đọc nhỏ tuổi một cách thiết thực nhất.
Hóa ra, trong thời đại công nghệ số và xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ như ngày nay, thì việc trẻ thơ cầm được quyển sách trong tay, đọc trong một thời khắc cụ thể và có sự cảm nhận trực tiếp, có người cùng đọc, cùng chia sẻ… là một việc rất khó. Không phải vì việc làm này ngược lại với xu thế chung, mà từ vấn đề cơ bản của văn học - theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Văn học thiếu nhi phải do thiếu nhi sở hữu và quyết định cách thức sử dụng. Các em nhỏ có thể đọc sách ở góc nhà sàn, trên lưng trâu, trong lúc bế em… và các em có thể quên đi tất cả sau khi đọc, nhưng những điều còn lại là vô giá, đó chính là sự giáo dục tình cảm, thẩm mỹ, lối sống được các tác giả (là chính các em, hoặc những người đã từng là trẻ con) viết ra.
Chính từ những trang viết nhỏ, từ những tập sách không nằm yên trên tủ sách, người lớn và trẻ nhỏ đều dần thay đổi nhận thức hành vi từ việc đọc sách, học và thực hành những điều tử tế, vì một tương lai Việt Nam tự lực, tự cường!
Mai Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin