Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo vẻ đẹp đền thiêng Borobudur

Hà Lê
09:21, 30/09/2023

Borobudur là một trong những ngôi đền cũng như di tích Phật giáo lớn nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Ngôi đền tráng lệ này được xây dựng vào thế kỷ thứ VIII-IX, tọa lạc ở Magelang, cách 42km về phía Bắc TP.Yogyakarta, trung tâm của đảo Java, Indonesia.

Nhìn từ trên cao, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, xanh mát bao bọc ngôi đền. Ảnh: Hà Lê
Nhìn từ trên cao, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, xanh mát bao bọc ngôi đền. Ảnh: Hà Lê

Trải qua thăng trầm thời gian, mãi đến năm 1991, Borobudur mới được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Hiện tại, ngôi đền là nơi thờ Đức Phật và là điểm hành hương hiếm hoi, tráng lệ của các tín đồ Phật giáo giữa đất nước có gần 85% dân số theo đạo Hồi.

* Ngôi đền thiêng với kiến trúc đặc sắc

Vào năm 2012, Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness đã công nhận Borobudur là công trình đền tháp Phật giáo lớn nhất thế giới. Sự đa dạng, sáng tạo trong kiến trúc và nghệ thuật của Borobudur là một di sản vô giá cho toàn nhân loại.

Được xây dựng dưới triều đại Shailendra theo phong cách kiến trúc Phật giáo Java, tổ hợp đền Borobudur là sự cộng hưởng giữa tục thờ cúng tổ tiên của người Indonesia bản địa và các khái niệm nhập Niết bàn của Phật giáo.

Borobudur trong tiếng Indonesia có nghĩa là “Tháp Phật trên đồi cao”. Bởi nhìn từ xa, ngôi đền giống như một ngọn đồi hay một kim tự tháp với nhiều tượng Phật và bảo tháp nổi lên ấn tượng giữa vùng đồng bằng phì nhiêu, xung quanh được bao bọc bởi núi rừng hùng vĩ.

Công trình này hoàn toàn được tác tạo bằng nguồn vật liệu duy nhất khai thác ngay trên đảo Java là đá núi lửa màu xám. Đặc biệt, toàn bộ đền tháp không có mái che, mái vòm hay phòng ốc, mà tất cả do 300 ngàn viên đá (tương đương 55 ngàn m3) xếp thành khối trên một mặt bằng hình vuông rộng đến 2.500m², được liên kết chặt chẽ với nhau mà không cần xi măng hay bất kỳ chất liệu kết dính nào.

Trong kiến trúc Phật giáo, đồ hình xây dựng nên Borobudur được xem là một mandala khổng lồ, có bố cục mô phỏng dáng hình của một kim tự tháp với 4 lối lên xuống ở các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, cổng chính của đền đặt ở hướng Đông. Do đó, nếu lên đến khu vực đỉnh đền ngay thời điểm bình minh, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên tựa như tấm thảm xanh trải dài vô cùng kỳ vĩ, tráng lệ. Chẳng thế mà các tạp chí, đài truyền hình từ khắp nơi trên thế giới đều nhận định vẻ đẹp bình minh ở Borobudur là một trong những tuyệt tác du lịch phải đến trong đời.

Hướng dẫn viên bản địa thuyết minh về nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, lịch sử của từng kiến trúc độc đáo tại Borobudur cho du khách
Hướng dẫn viên bản địa thuyết minh về nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, lịch sử của từng kiến trúc độc đáo tại Borobudur cho du khách

Tổ hợp đền Borobudur cao 42m, bao gồm 9 tầng xếp chồng lên nhau: sáu vuông, ba tròn và trên cùng là một mái tròn, tất cả đồng tâm với một tháp Phật khổng lồ ở trung tâm. Kiến trúc tổng quát của Borobudur được phân chia thành ba phần từ thấp lên cao, tượng trưng cho khái niệm tam giới vũ trụ của Phật giáo: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Xuyên suốt ba không gian phân tầng này là 504 tượng Phật ngồi, đều có cùng dáng thức nhưng khác nhau về đôi bàn tay
thủ ấn.

Trên đường lên đến đỉnh ngôi đền, du khách sẽ bắt đầu đi từ cổng phía Đông theo chiều kim đồng hồ, đi qua hệ thống cầu thang và hành lang rộng lớn được trang trí phủ kín bởi 2.672 tấm phù điêu chạm trổ công phu, mô tả về nhiều tích truyện, ý nghĩa khác biệt, gắn liền với văn hóa Phật giáo. Tổng chiều dài của những bức tường phù điêu này là hơn 4km, cho thấy sự tinh xảo về nghệ thuật điêu khắc và hội họa lúc bấy giờ của Indonesia.

* “Viên ngọc quý” của di sản thế giới

Ngày nay, Borobudur vẫn là biểu tượng đỉnh cao về sự đa dạng văn hóa lịch sử, khảo cổ, tín ngưỡng và là một trong những điểm đến thu hút du khách bậc nhất Indonesia.

Để bảo tồn dáng dấp, duy trì sự tôn nghiêm của địa điểm văn hóa tâm linh, chính quyền địa phương đã có những quy định nghiêm ngặt về an ninh, trang phục và cung cấp hướng dẫn viên bản địa riêng cho từng nhóm du khách ghé đến. Hơn nữa, lượng khách tham quan trong mỗi khung giờ có giới hạn theo nhóm 30 người, mỗi đợt chỉ cho phép 5 nhóm vào chiêm bái trong thời gian cố định 1 tiếng 30 phút.

Kiến trúc Arupadhatu (tượng trưng cho tầng Vô sắc giới) với 72 phù đồ, mỗi phù đồ chứa một tượng Phật lớn trong tư thế thiền định

Lý giải về điều này, các hướng dẫn viên giải thích là để hạn chế sức nặng gây sụt lún nền di tích, đồng thời giữ gìn sự trật tự, tôn nghiêm cũng như giúp du khách có thể lắng nghe kỹ những thông tin quan trọng về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử của Borobudur.

Sở dĩ tổ hợp đền tháp này khiến người ta kinh ngạc vì nhìn từ xa trông chỉ như pháo đài sừng sững nhưng khi đến gần, từng chi tiết điêu khắc trên vách đá sẽ khiến du khách tỉ mẩn, chăm chú dõi theo bởi vẻ đẹp kiến trúc và chính câu chuyện, thông điệp trong từng mảng điêu khắc ấy.

Điều đặc biệt, ở không gian kiến trúc Arupadhatu cuối cùng (tượng trưng cho tầng Vô sắc giới) có tổng cộng 72 phù đồ (stupa), mỗi phù đồ chứa một tượng Phật lớn trong tư thế thiền định. Tầng thứ nhất có 32, tầng thứ hai có 24 và tầng thứ ba có 16 phù đồ. Trong đó, trung tâm của tầng thứ ba là một phù đồ cực lớn với đường kính 15m, đồng thời là đỉnh cao nhất của kỳ quan Borobudur. Tuy nhiên, trong bảo tháp đỉnh này lại trống rỗng bởi sự trống không này tượng trưng cho tánh Không và sự Giác ngộ, biểu hiện của cõi Niết bàn trong Phật giáo.

Có thể nói, ngoài là công trình kiến trúc Phật giáo mang giá trị tâm linh sâu sắc, Borobudur còn là “viên ngọc quý” bằng đá vĩ đại, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và lịch sử đi cùng thời gian của cả nhân loại. Do đó, cho dù là tín đồ của Phật giáo hay bất kỳ du khách nào muốn tìm kiếm sự chân tâm, hít thở bầu không khí trong lành hoặc đơn giản là tìm hiểu về kiệt tác kỳ vĩ này đều có thể đến chiêm bái ngôi đền Borobudur với những sáng tạo nghệ thuật mang đậm bản sắc Indonesia.

Hà Lê

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích