Báo Đồng Nai điện tử
En

Điêu khắc gia kỳ tài Lê Văn Mậu

Bùi Thuận
09:39, 16/09/2023

Hè 1934, ông Robert Balick - Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Biên Hòa được BS Trương Văn Quế - một trí thức Nam bộ thân quen đích thân đưa đứa cháu từ Vĩnh Long đến nhờ dạy môn Điêu khắc. Với dáng vẻ gầy gầy và rụt rè, nhút nhát, anh học trò 18 tuổi Lê Văn Mậu được nhận và được thu xếp một chỗ ăn học khá chu đáo bên cù lao Phố - nơi trường đặt cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ.

Chân dung điêu khắc gia Lê Văn Mậu (1917-2003)

* Từ thú vui nặn đất

Vốn từ nhỏ sống ở làng quê với chỉ có thú vui duy nhất là tắm sông để có cớ móc đất nặn ra các món đồ chơi, nên được thực hành chính thức trên đất sét quen thuộc, Mậu như cá gặp nước, phát huy ngay năng khiếu.

Với kinh nghiệm lâu năm của nhà sư phạm thực hành, cả hai ông bà Balick nhanh chóng nhận ra đây là một tài năng thực thụ nên đề nghị Mậu nên chọn cách tiến thân bằng con đường mỹ thuật. Không đắn đo Lê Văn Mậu quyết định bỏ học ban tú tài ở Sài Gòn để vào học Trường Mỹ nghệ Biên Hòa.Trong 4 năm theo học tại ngôi trường nghề đầu tiên của tỉnh Biên Hòa, hầu hết những mẫu sáng tác của trò Mậu đều được HTX Mỹ nghệ của trường chọn đưa vào sản xuất thương phẩm. Ngày 2-7-1937, Lê Văn Mậu đậu hạng nhất kỳ thi tốt nghiệp và được chuyển thẳng vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội.

* Một tài năng được dự báo

Tại Trường cao đẳng Mỹ thuật, được GS E.Jonchere nổi tiếng, từng đoạt đệ nhất giải La Mã về điêu khắc hướng dẫn, sinh viên Lê Văn Mậu đã có đến 4 tác phẩm đầu tay bằng thạch cao. Trong đó tượng Thiếu nữ khỏa thân (năm 1939) được chấm 18/20 điểm. Cùng năm, bức phù điêu Đám rước được chọn triển lãm mùa hè tại Hà Nội. Báo Volonte Indochinoise bình luận: “Với cách bố cục phân minh, hợp lý, tác phẩm Đám rước đã cho thấy đây là một sự tìm tòi, sáng tạo mới trong cách thể hiện tác phẩm của Lê Văn Mậu. Điều này dự báo đây sẽ là một nghệ sĩ đầy tài năng”.

Do có chuyện gia đình đòi hỏi phải có mặt để giải quyết, hè 1942 Mậu xin thôi học trước kỳ thi tốt nghiệp chỉ còn 1 năm nữa để về Vĩnh Long gấp.

Nhằm chuẩn bị cho năm học mới 1943-1944 của Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa lúc đó do thầy Trần Văn Ơn làm Hiệu trưởng với một đội ngũ giảng viên tên tuổi, nhưng vị Hiệu trưởng mới này vẫn đề nghị ông Balick viết thư mời Lê Văn Mậu vào dạy môn Điêu khắc và môn Vẽ.

Giảng viên bất đắc dĩ Lê Văn Mậu không ngờ lại rất tận tâm với công việc giảng dạy. Nhắc lại chuyện này, cựu sinh viên Phạm Thế Trung trong bài viết: “Thầy tôi, điêu khắc gia Lê Văn Mậu 1917-2003” cho biết: “Thầy giáo Lê Văn Mậu lúc nào cũng đạo mạo, nghiêm trang qua bộ âu phục chỉnh tề với áo sơ mi trắng, quần tây trong dây thắt lưng và luôn có cặp táp trong tay mỗi lần đến lớp (studio) của từng lớp học. Đặc biệt, thầy giảng về người mẫu rất kỹ lưỡng. Thầy nói huyên thuyên trong lúc hướng dẫn, có thể như muốn truyền đạt lại tất cả mọi sự hiểu biết của mình đến từng sinh viên”.

* Những tác phẩm để đời

Rời lớp học, thầy Mậu thường lao ngay vào công việc sáng tác. Ông hầu như dành hết thời gian và tâm lực vào niềm đam mê mỹ thuật.

Năm 1948 tượng cựu hoàng Bảo Đại gây được sự chú ý của giới mỹ thuật. Năm 1951 Lê Văn Mậu tạc tượng Đức Mẹ Maria cho nhà thờ Biên Hòa.

Năm 1952 nhà điêu khắc này lại gây tiếng vang với bức phù điêu bằng đá nhân tạo Dẫn thủy nhập điền và “để đời” là 12 bức phù điêu lấy chủ đề về các sản vật tiêu biểu của miền Nam như: bò, ngỗng, cá, chuối… gắn lên 4 cửa chính chợ Bến Thành (ngôi chợ lớn nhất xứ Đông Dương thời bấy giờ cũng đồng thời là biểu tượng của Sài Gòn). Cũng trong năm này Lê Văn Mậu hoàn thành bức phù điêu Trưng Vương khải hoàn bằng đá nhân tạo, dài 2,4m, cao 1,6m; hiện đặt trong tiền sảnh trụ sở Khối nhà nước tỉnh Đồng Nai.

Năm 1954, nhà điêu khắc Lê Văn Mậu lại sáng tác tượng Phật Thích Ca cao 6,5m và được hoàn thành vào đúng dịp khánh thành chùa Xá Lợi - một ngôi chùa lớn nổi tiếng ở Sài Gòn. Đặc biệt là cùng lúc có một người cháu của Hoàng đế Napoléon từ Pháp sang đặt làm tượng đồng về nhân vật có tầm cỡ thế giới này. Qua nghiên cứu, nhà điêu khắc Lê Văn Mậu cho ra đời tượng Napoléon xem binh thư gây kinh ngạc cho giới mỹ thuật Pháp vì thần thái uy nghi của vị Hoàng đế Pháp danh tiếng được biểu lộ sắc nét. Năm 1959, tượng thạch cao Tìm sáng cao 1m  của thầy Mậu đoạt giải Nhất trong triển lãm giáo dục tại Sài Gòn.

* Vị hiệu trưởng thứ 6

Năm 1963, thầy Lê Văn Mậu trở thành Hiệu trưởng đời thứ 6 của Trường Mỹ thuật Biên Hòa. Hiệu trưởng Mậu cho mở thêm các ban: Máy, Điện, Kỹ nghệ đồ sắt, đồ gỗ, Gò hàn, Nữ công gia chánh. Đặc biệt là cho dời trường đến địa điểm mới rộng hơn với trang thiết bị giảng dạy, thực hành hiện đại và đổi tên trường thành Trường trung học Kỹ thuật Biên Hòa. Đặc biệt, Hiệu trưởng Lê Văn Mậu được Trường quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn mời giảng dạy môn Điêu khắc.

Những bức phù điêu về sản vật miền Nam gắn trên cửa chợ Bến Thành, TP.HCM
Những bức phù điêu về sản vật miền Nam gắn trên cửa chợ Bến Thành, TP.HCM

Tuy công việc bận rộn, nhưng nhà giáo - điêu khắc gia Lê Văn Mậu vẫn không ngừng sáng tác. Hàng loạt tác phẩm mới của ông liên tục ra đời. Trong đó, đáng chú ý là Bóng xế tà - tượng bán thân một cụ bà bằng đá nhân tạo (1964); tượng bán thân bằng đồng Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1966); tượng đồng toàn thân Nhà ái quốc Nguyễn Trung Trực cao 2,4m đặt trước chợ Rạch Giá….

Đáng chú ý là công trình trụ tượng Tài nguyên tỉnh Biên Hòa sáng tác theo lối lập thể rất hoành tráng đặt tại công trường Sông Phố vào năm 1967. Đến năm 1970, điêu khắc gia Lê Văn Mậu lại hoàn chỉnh đài phun nước Cá hóa long trên nền trụ tượng Tài nguyên tỉnh Biên Hòa. Công trình độc đáo và tiêu biểu này được trao giải nhất trong cuộc thi sáng tác mô hình công viên kết hợp bồn phun nước.

Ông còn rất thành công trong việc điêu khắc tượng đài; trong đó có tượng đài Nỗ lực, Hy vọng, Nguyễn Tường Tộ được công chúng đánh giá cao, tượng đài Dòng lịch sử Việt Nam huy hoàng được Hội đồng Sài Gòn trao giải nhất.

Năm 1973, nhà giáo Lê Văn Mậu xin thôi chức Hiệu trưởng Trường trung học Kỹ thuật Biên Hòa để tập trung vào công việc sáng tác và về hẳn Trường quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn làm công tác giảng dạy.

Sau năm 1975 trường cao đẳng này đổi tên thành Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, thầy Lê Văn Mậu  tiếp tục dạy và hăng say sáng tác. Trong số đó nổi bật có tượng tròn Vươn lên cao 2,5m, bộ phù điêu Truyện Kiều, tượng gốm Các giai cấp trong nhân dân Việt Nam. Đáng chú ý là bức phù điêu Hùng Vương dựng nước bằng thạch cao giả đồng dài 5m trang trí trong sảnh Khách sạn Continental.

44 năm làm công tác giảng dạy ở Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa, Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, điêu khắc gia Lê Văn Mậu đã hướng dẫn nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật tạo hình được xem là còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Ngoài các tác phẩm, công trình điêu khắc mang tầm cỡ “để đời”, rất nhiều tác phẩm khác của cây đại thụ trong làng điêu khắc Việt Nam hiện đang được trưng bày trong nước cũng như có mặt ở các quốc gia, vùng lãnh thổ Pháp, Mỹ, Hong Kong…

Hai cha con có tên trong Who’s who in VietNam

Khá đặc biệt, điêu khắc gia Lê Văn Mậu được ghi danh trong: Niên giám văn nghệ sĩ và Hiệp hội Văn hóa Việt Nam (1969), Who’s Who in Vietnam (1975), Viện Nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam (1981). Năm 1995 nhà giáo Lê Văn Mậu được tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Giảng sư Lê Văn Mậu nghỉ hưu năm 1988 và mất ngày 15-3-2003, thọ 86 tuổi. Nhà điêu khắc kỳ tài  có 2 người con, là: Lê Minh Hiệp thi tuyển vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn đậu thủ khoa. Học chuyên ngành hội họa, sở trường về tranh lụa, sơn dầu, tranh gốm; năm 1969 đoạt giải nhất Văn học nghệ thuật toàn quốc với tượng thạch cao Hồi tưởng. Tiểu sử Lê Minh Hiệp được ghi trong Who’s who in Vietnam và Viện Nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam (1981).

Người con kế là Lê Thị Ánh Mai tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM ngành điêu khắc và trở thành giảng viên về hội họa, điêu khắc cơ bản.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều