Đó là một trong 6 chuyên đề tại hội nghị tập huấn Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo quản lý văn học nghệ thuật (VHNT) trong tình hình mới năm 2023 vừa được Hội đồng Lý luận phê bình VHNT trung ương tổ chức tại tỉnh Ninh Bình.
Nhà văn Nguyễn Một trả lời phỏng vấn tại lễ ra mắt tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín |
Đi tìm nhân vật trung tâm không chỉ là câu hỏi hoặc sự tìm kiếm, mà còn là sự “đặt hàng” của thời đại dành cho văn nghệ sĩ.
* Nhân vật trung tâm là gì?
Tại hội nghị tập huấn, thiếu tướng - TS - nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình VHNT trung ương, đã đề cập đến nhân vật trung tâm chủ yếu qua văn học và điện ảnh. Ở các thể loại sáng tác khác như: âm nhạc, hội họa, sân khấu..., vấn đề nhân vật trung tâm cũng được thể hiện tương tự. Vì nhân vật trung tâm - hiểu theo nghĩa rộng nhất - theo nhà văn Nguyễn Hồng Thái, là “nhân vật trung tâm của xã hội, của thời đại, tùy vào mỗi giai đoạn lịch sử” (đặc điểm đời sống xã hội, quan điểm của giai cấp cầm quyền, con người điển hình...).
Nhân vật trung tâm có thể trùng với nhân vật chính, nhân vật điển hình trong một tác phẩm. Mỗi nhà văn có một (hoặc hệ thống) nhân vật trung tâm của mình, thể hiện khuynh hướng sáng tác riêng của từng cá nhân. Nhưng nhân vật trung tâm của một nhà văn không thể là nhân vật trung tâm của thời đại. Chỉ khi nào nhân vật có được các yếu tố mang tính tiêu biểu nhất, mang những nét đời sống điển hình về hoàn cảnh, tư duy..., thể hiện được giá trị con người có tính tiêu biểu, có tính xây dựng và góp phần tích cực cho xã hội, mang một thông điệp tốt đẹp, có tính lý tưởng tốt đẹp, tiến bộ, làm cho cuộc sống có ý nghĩa, đáng sống hơn... thì đó chính là nhân vật trung tâm.
Văn nghệ sĩ không chỉ là người “thư ký” của thời đại, mà đầu tiên và sau cuối, người sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật, khắc họa nhân vật trung tâm, xây dựng tượng đài con người thời đại mới... phải là những con người đúng nghĩa. |
Không có “công thức chung nhất” cho nhân vật trung tâm, vì thế nhân vật trung tâm của thời đại thường là một hệ thống nhân vật mang hệ giá trị của thời đại, chứ không bao giờ là duy nhất.
Quan điểm và định nghĩa này phù hợp với từng giai đoạn lịch sử: Trước năm 1945, nhân vật trung tâm trong văn học là những con người cùng khổ, tha hóa “từ trang sách bước thẳng ra đời sống”; giai đoạn 1945-1954 ra đời “bộ ba” công - nông - binh; giai đoạn 1954-1975 được coi là “thời đại của người anh hùng” chân đất, sáng ngời phẩm chất cách mạng; giai đoạn Đổi mới tạo nên một bước ngoặt mới, đi sâu vào thân phận con người, đặc biệt là những mảnh đời hậu chiến vừa hiện thực, vừa lý tưởng...
Bước ngoặt trong sáng tác, đưa con người Việt Nam đến hiện thực rộng lớn, phong phú và đa chiều hơn trước, trước hết nhờ vào “bước ngoặt” lịch sử của tư duy đổi mới. Văn học nghệ thuật bắt đầu nở rộ với nhiều nhân vật mới, bằng thi pháp sáng tác mới. Theo các nhà lý luận phê bình thì thời kỳ sáng tác này tuy tỏa rộng nhưng chưa nổi trội thành một “dòng chính”. Hiện tượng này cần có sự lý giải của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia.
* Đi tìm nhân vật trung tâm thời đại mới
Tại hội nghị của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT trung ương, nhà văn Nguyễn Hồng Thái cho rằng: “Nhân vật trung tâm thời nay vẫn để ngỏ...”. Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên có nhận định: “Văn học Việt Nam đang khủng hoảng nhân vật trung tâm?” (Báo Nhân Dân cuối tuần, ngày 14-4-2018). Bài viết này đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, phản biện, qua đó nhìn nhận đất nước ta có sự chuyển biến nhanh chóng, mạnh mẽ sẽ giúp tích hợp những giá trị cuộc sống để làm phong phú thêm cho nhân vật trung tâm.
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Nai trong một chuyến sáng tác tại Tây nguyên. Ảnh: PHẠM LINH NGỌC |
Tuy VHNT chưa có sự dự báo và đồng hành cùng thời đại sâu sắc như ở các giai đoạn trước (ví dụ những bài thơ trong tập Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu, hay những truyện ngắn ngay sau chủ trương Đổi mới của nhà văn Nguyễn Minh Châu...); nhưng đây là sự phản ánh sinh động một hiện thực “bề bộn, choáng ngợp” buộc người sáng tác phải nghiền ngẫm, tìm hiểu, khổ luyện để có thể chạm vào cốt tủy của thời đại và vẽ nên được chân dung của con người thời đại mới.
Lấy ví dụ hình tượng người lính Cụ Hồ xuyên suốt lịch sử hiện đại Việt Nam, PGS-TS Phan Trọng Thưởng có bài viết Nhân vật trung tâm, nhân vật trải nghiệm (Quân đội Nhân dân cuối tuần, ngày 10-4-2022) trong đó khẳng định giá trị bất biến và những nét đẹp, những độc đáo của hình tượng người lính trong từng thời kỳ khác nhau, tất cả đều làm giàu thêm giá trị của nhân vật trung tâm của thời đại và phát triển hệ thống nhân vật trung tâm mới.
Đúng vậy, các chuyên gia đầu ngành tại hội nghị cũng như diễn giả Nguyễn Hồng Thái đều khẳng định: Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội Đảng, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh đã tạo cơ sở lý luận vững chắc cho nhận thức và sáng tác của văn nghệ sĩ. Trong đó, các nội dung định hướng xây dựng con người, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là “kim chỉ nam” cho sự phát triển văn hóa nói chung, cho sáng tác văn học nghệ thuật nói riêng. Cùng với đó, các phương tiện mới, các cách nhìn và khám phá mới... đã giúp xác định nhân vật trung tâm vừa có tính cá thể, vừa mang hệ giá trị mới của xã hội, vừa là những gợi ý mới, giải pháp mới cho công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước, con người Việt Nam; thể hiện tài năng, cá tính của văn nghệ sĩ nước nhà.
Đi tìm nhân vật trung tâm thời đại ngày nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “Hạt nhân của nhân vật trung tâm là phẩm giá con người” (dẫn theo nhà văn Nguyễn Hồng Thái). Đó là một quan điểm nhân văn nhìn từ bên trong hệ giá trị con người để khẳng định về nhân vật trung tâm của thời đại đầy biến động hôm nay. Đồng thời, qua đó, các nhà văn nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung có cùng một cách nhìn nhận về nhân vật trung tâm: đó là con người và chất người.
Trần Thu Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin