Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em:
Quan trọng nhất là công tác phòng, ngừa

An Nhiên
21:01, 22/09/2023

Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Mặc dù nhiều biện pháp phòng tránh TNTT cho trẻ em đã và đang được thực hiện, nhưng tình trạng trẻ nhập viện do TNTT vẫn rất cao. Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, ThS-BS NGUYỄN TRỌNG NGHĨA cho biết:

ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNTT ở trẻ nhưng phần lớn và sâu xa là do sự bất cẩn và thiếu trách nhiệm của người lớn.

* Qua nhiều năm làm công tác cấp cứu và điều trị các TNTT cho trẻ, xin ông cho biết TNTT thường gặp nhất ở trẻ là gì?

- TNTT ở trẻ thì rất nhiều, rất đa dạng như: tai nạn giao thông (TNGT), điện giật, té ngã từ trên cao, đuối nước, ngộ độc thức ăn, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất, bỏng…

Có thể tạm chia thành 3 nhóm TNTT ứng với 3 nhóm tuổi như sau: Nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi thường bị TNGT do các em đã sử dụng xe đạp điện, xe gắn máy để đi học. Nhóm trẻ từ 6-11 tuổi thường bị chấn thương do leo trèo, trượt té ngã, gãy tay, gãy chân trong trường học hay trên đường về nhà. Nhóm 1-3 tuổi thường hay bị hóc dị vật, té ngã do tập đi, với cao, bỏng và cả bị bạo hành.

* Theo ông, hiện nay TNTT nào ở trẻ là đáng lo ngại nhất?

- Qua thực tế điều trị cho thấy, tỷ lệ TNTT ở trẻ nhiều nhất là TNGT do các em tự gây tai nạn khi tham gia giao thông hoặc bị TNTT liên quan đến TNGT. Hiện số ca liên quan đến TNGT đang chiếm trên 50% số ca TNTT nhập viện điều trị tại bệnh viện.

Điều đáng nói, thời gian gần đây, số ca trẻ bị TNGT tăng cao và mức độ tổn thương nặng. Nhiều ca bị TNGT dẫn đến đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương vùng ngực, vỡ gan, vỡ lá lách, giập phổi, vỡ xương chậu… Có những trường hợp các em không qua khỏi hoặc phải mang thương tích suốt đời.

* Theo ông đánh giá, nguyên nhân TNTT đến từ đâu?            

- Phần lớn các TNTT đối với trẻ em là do các em tự gây nên vì bản tính hiếu động, tò mò, nghịch ngợm, bốc đồng, muốn thể hiện. Cũng có những TNTT do các em  chưa thể lường hết được những nguy hiểm từ việc làm của mình như: bạo lực học đường; chạy xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa nắm rõ quy định pháp luật về giao thông cũng như chưa nắm vững kỹ năng an toàn, xử lý tình huống nguy hiểm khi lái xe.

Dù sao đi nữa thì nguyên nhân sâu xa vẫn là do các em không được người lớn hướng dẫn đầy đủ cách nhận biết các tình huống nguy hiểm, các nguy cơ có thể xảy ra TNTT, cũng như chưa xây dựng cho các em ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông khi tham gia giao thông.

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) vào tháng 12-2022, mỗi năm trung bình cả nước có hơn 370 ngàn trẻ bị TNTT, trong đó nhóm tuổi 15-18 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%). Tiếp đến là nhóm tuổi 5-14 (với 36,9%) và thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 tuổi (chiếm 19,5%). Trung bình cứ 100 ngàn trẻ bị TNTT thì có 24 em tử vong và mỗi ngày có 18 trẻ tử vong do TNTT.

* Vậy theo ông cần làm gì để phòng tránh TNTT ở trẻ một cách hiệu quả nhất?

- Hiện nay, vấn đề phòng tránh TNTT ở trẻ em đang được toàn xã hội quan tâm. Việc phòng, tránh TNTT cần phải căn cứ vào từng nhóm tuổi với các nguy cơ TNTT thường gặp.

Chẳng hạn như đối với nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi thì cần hướng dẫn, giáo dục, trang bị cho các em kiến thức pháp luật về an toàn giao thông; kỹ năng lái xe an toàn… Để tránh TNTT với nhóm trẻ nhỏ hơn, cần chú ý thiết kế, xây dựng nhà ở, trường học đủ an toàn cho trẻ như: cầu thang phải có tay vịn, gạch nền không quá trơn; những thiết bị, dụng cụ hỏng hóc phải được sửa chữa ngay, ổ cắm điện phải có nắp đậy; các loại thuốc và hóa chất nên để xa tầm với  của trẻ; không để trẻ đi một mình đến nơi có ao hồ, sông suối…

Một học sinh lớp 10 Trường THPT Tân Phú (H.Tân Phú) bị tai nạn giao thông ngay trong ngày đầu đến trường đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu

* Riêng đối với người lớn, ông có khuyến cáo gì về vấn đề phòng tránh TNTT cho trẻ?

- Trong rất nhiều trường hợp TNTT đến cấp cứu và điều trị tại bệnh viện có không ít ca trẻ bị TNTT do tắc trách của người lớn. Do đó, người lớn nên lưu ý: chẳng hạn khi pha sữa cho con cần để phích nước sôi, ấm nước nóng sát vào tường, xa tầm với của trẻ; các loại thuốc, hóa chất để lên cao, khuất, đặc biệt không để trong các vật dụng, chai lọ đựng đồ ăn, nước uống dẫn đến trẻ tưởng đó là thực phẩm.

 Trên thực tế đã có trường hợp trẻ uống nhầm methadone - chất cai nghiện ma túy - khi người nhà để trong chai nước suối và cất trong tủ lạnh phải nhập viện cấp cứu, điều trị. Khi trông trẻ, người lớn cần chú ý, luôn đặt trẻ trong tầm quan sát của mình, nhất là những trẻ dưới 3 tuổi để tránh té ngã hoặc đuối nước thương tâm.        

* Xin cảm ơn ông!

An Nhiên (thực hiện)

Tin xem nhiều