Mới đầu năm học mới 2023-2024 đã có một số tin không vui khi có học sinh tử vong do tai nạn giao thông, đuối nước, bị bạo hành. Ngoài ra, một số dịch bệnh bùng phát hoặc có nguy cơ bùng phát ngay từ năm học mới như: đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tay chân miệng… cũng là những vấn đề không chỉ gia đình, nhà trường mà cả xã hội cần quan tâm để góp phần ngăn ngừa tai nạn thương tích cũng như các ca bệnh chuyển nặng trong mùa tựu trường.
Chỉ trong ngày 11-9 đã có 3 tin không vui liên quan đến trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh khiến ai cũng phải xót xa, thương cảm. Ngày 11-9, xe chở rác biển số 60C-244.85 va chạm với xe máy khiến bé T.H.H. (học sinh lớp 1, Trường tiểu học Tân An) tử vong tại chỗ trên đường tỉnh 768 đoạn qua xã Tân An (H.Vĩnh Cửu).
Cũng trong ngày 11-9, nghi án bé N.T.T.N. (sinh năm 2013, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị cha ruột sát hại tử vong đã gây chấn động dư luận. Ngoài ra, trong ngày 11-9, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể bé N.H.L. (12 tuổi, ngụ xã Giang Điền, H.Trảng Bom) tại sông Buông, đoạn qua KP.Tân Lập, P.Phước Tân (TP.Biên Hòa). Bé L. bị trôi xuống sông từ chiều 8-9, tại khu vực ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền (H.Trảng Bom).
Đây là những vụ việc khá đau lòng, xảy ra sau lễ khai giảng năm học mới chưa lâu. Qua các vụ việc trên, một lần nữa cho thấy trách nhiệm bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn thương tích (TNTT), nạn bạo hành cần được tăng cường hơn nữa với những giải pháp đồng bộ và cụ thể hơn. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người lớn, bao gồm cả lực lượng có chức năng bảo vệ, hỗ trợ cho trẻ em; giáo viên; phụ huynh và cả những người xung quanh.
Trên thực tế, các vụ TNTT ở trẻ em sẽ được hạn chế rất nhiều nếu người lớn quan tâm, chủ động phòng, ngừa cho trẻ. Về phía lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ thường xảy ra TNTT; kịp thời có mặt can thiệp khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu bạo hành, bắt nạt trẻ em. Về phía các trường học cũng cần chú trọng phòng ngừa TNTT, bạo lực học đường; chăm sóc sức khỏe học đường, sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản; cách phòng, ngừa dịch bệnh đang bùng phát cho học sinh trong mùa tựu trường.
Đặc biệt, gia đình phải là “hạt nhân” quan trọng để bảo vệ trẻ em trước những hiểm họa khó lường. Ngoài việc giải thích cặn kẽ, cảnh báo những nguy hiểm, phụ huynh cũng cần hướng dẫn con em kỹ năng phòng, tránh những TNTT thường gặp như: tai nạn giao thông, tai nạn rủi ro (do té từ trên cao, điện giật, đuối nước, hóc dị vật…), bạo lực học đường; kỹ năng sinh tồn (bơi lội, cách xử lý khi đi lạc), kỹ năng thoát hiểm (khỏi đám cháy, tai nạn giao thông)…
Song song đó, việc chú trọng tuyên truyền Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Trẻ em năm 2016 sâu rộng cũng góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức, cộng đồng xã hội và gia đình trong việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời giúp, học sinh hiểu nhiều hơn về các quyền của trẻ em… Một khi đã hiểu rõ các quyền của mình, trẻ em sẽ mạnh dạn hơn trong thể hiện chính kiến, biết tự bảo vệ hoặc nhờ cha mẹ, nhà trường, lực lượng chức năng bảo vệ quyền lợi của mình khi các quyền lợi nói trên bị xâm phạm.
Với những giải pháp tổng thể đó, chắc chắn sẽ hạn chế đáng kể những hiểm họa rủi ro có thể xảy ra đối với trẻ em, nhất là TNTT, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, giúp trẻ em được sống và lớn lên trong một môi trường lành mạnh, an toàn.
Đặng Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin