Năm học mới này, ngành GD-ĐT Đồng Nai cần cơ quan thẩm quyền trung ương phân bổ đủ số biên chế là 35.101 biên chế chính thức. Tình trạng thiếu giáo viên sẽ là một bài toán khó nếu chưa có các chính sách đồng bộ.
Giáo viên Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) nhiều năm liên tục phải phụ trách các lớp vượt sĩ số quy định từ 10-15 em/lớp. Ảnh: Thành Nam |
Nhiều bạn đọc (BĐ) nhận xét, bài viết Dồn lớp cho đủ giáo viên đăng trên Báo Đồng Nai ngày 21-9 đã ghi nhận đúng thực tế về tình trạng thiếu giáo viên và cách các trường xoay xở “tiết kiệm” biên chế giáo viên nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài căn cơ để tháo gỡ “điểm nghẽn”, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, theo BĐ vẫn là các vấn đề liên quan đến các chế độ, chính sách…
Thiếu giáo viên do nhiều nguyên nhân…
Thiếu giáo viên đang là một thực trạng đáng quan tâm không chỉ của ngành Giáo dục Đồng Nai mà là vấn đề chung của cả nước. Theo thống kê mới đây của Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 28-9, cả nước còn thiếu hơn 118 ngàn giáo viên mầm non, phổ thông so với định mức quy định. Nguyên nhân được chỉ ra là do số lượng học sinh tăng, số lượng giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc nhiều, kinh tế - xã hội phát triển, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn…
Bên cạnh nguyên nhân chính, còn một số nguyên nhân khác như: thiếu nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù; sức hút vào ngành còn hạn chế; việc tuyển dụng và tinh giản biên chế ở một số nơi còn bất cập, một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế còn cào bằng về tỷ lệ, chưa linh hoạt, còn cắt giảm cơ học số lượng người làm việc...
Đồng tình với nhận định trên của Bộ GD-ĐT, cô Trịnh Thị Tươi, Trường tiểu học Hùng Vương (H.Thống Nhất) bộc bạch, việc thiếu giáo viên nhưng không tuyển dụng được là do chế độ chính sách chưa thu hút được giáo viên. Mức lương mới vào ngành của giáo viên hiện nay khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. Với giáo viên hợp đồng, mức lương còn thấp hơn.
“Mức thu nhập hiện tại không đảm bảo cuộc sống trong khi yêu cầu nhiệm vụ, áp lực công việc ngày càng gia tăng, vậy nên rất ít sinh viên chọn đi theo nghề gõ đầu trẻ” - cô Tươi chia sẻ.
Một trong những nguyên nhân được lãnh đạo một số trường chia sẻ là do tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Thực tế có tình trạng thừa giáo viên môn này, thiếu giáo viên môn khác nhưng tổng biên chế giáo viên của trường là đủ, nên dù thiếu vẫn không được giao chỉ tiêu. Nhiều trường đành chỉ chắp vá hợp đồng tạm thời.
Cần giải pháp căn cơ hơn
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, ý kiến đề xuất chung là cần giải quyết tốt chế độ chính sách cho giáo viên nhất là giáo viên mới vào ngành, giáo viên hợp đồng. Xem xét áp dụng chính sách tăng cường, luân chuyển, điều động hoán đổi giáo viên kèm theo đó là chế độ đãi ngộ xứng để giáo viên yên tâm công tác. Đối với các địa phương có yếu tố gia tăng dân số cơ học nhanh, bên cạnh việc sắp xếp một cách khoa học, hợp lý về cơ sở vật chất, cần tính đến việc cân đối lực lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng giảng dạy…
“Bộ GD-ĐT đề xuất tăng phụ cấp 10% cho giáo viên mầm non, 5% cho giáo viên tiểu học. Nên chăng cũng cần xem xét tăng phụ cấp cho giáo viên bậc THCS, THPT. Nếu được thực hiện đây sẽ là động lực lớn để thầy cô yên tâm cống hiến cho ngành” - cô Lê Thị Hiền (Trường THCS Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đề xuất.
Theo Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh, hiện nay, Biên Hòa gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng giáo viên. Nguyên nhân ngoài mức lương thấp còn phải kể đến nguồn tuyển rất hạn chế, nhất là giáo viên các môn học: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học… Vì số lượng sinh viên các ngành nói trên hàng năm tốt nghiệp ra trường ít. Do vậy, tỉnh cần có cơ chế đặt hàng đào tạo với các trường sư phạm đào tạo cho tỉnh, có chính sách thu hút giáo viên để về giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của tỉnh.
Hiện nay, theo quy định chung ngành Giáo dục phải thực hiện giảm 10% biên chế theo lộ trình tinh giản biên chế chung. Trong khi lượng học sinh hàng năm của tỉnh tăng khá mạnh, đồng thời theo định biên giáo viên của chương trình cũ là 1,25 giáo viên/lớp, còn với chương trình mới là 1,5 giáo viên/lớp. Do vậy, Sở GD-ĐT cho biết đã có ý kiến đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị với Chính phủ và Bộ Nội vụ không giảm biên chế của ngành Giáo dục Đồng Nai.
Kim Liễu
Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH:
Phải có chế độ chính sách đủ mạnh và công bằng cho giáo viên
Đồng Nai là tỉnh có số lượng học sinh đứng thứ 5/63 tỉnh, thành, đội ngũ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục cũng rất đông, trên 30 ngàn người. Việc điều chỉnh chính sách sẽ phụ thuộc rất lớn về cải cách chế độ tiền lương đối với giáo viên của Chính phủ. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Đồng Nai đang tập trung rà soát các đối tượng giáo viên cần được hỗ trợ chứ không thể hỗ trợ hết cho tất cả trên 30 ngàn giáo viên, vì ngân sách sẽ phải chi số tiền rất lớn mỗi tháng. Chúng tôi phấn đấu trong tháng 11-2023 sẽ hoàn thành việc tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét quyết định trên tinh thần thận trọng nhưng phải có chế độ chính sách đủ mạnh và công bằng cho giáo viên.
Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phong (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) LÊ VĂN LÀNH:
Thiếu giáo viên luôn là nỗi lo của nhà trường
Đầu năm học chúng tôi rất lo lắng trước tình hình thiếu biên chế giáo viên. Sau khi kiến nghị, UBND TP.Biên Hòa đã phân bổ cho trường 20 giáo viên, tuy nhiên nhà trường vẫn sẽ phải hợp đồng thêm để có đủ giáo viên đảm bảo các môn học, nhất là những môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Việc thiếu giáo viên là điều đáng lo, nhưng chúng tôi cũng có nỗi lo khác là làm sao đời sống giáo viên được nâng lên để giáo viên an tâm gắn bó với nghề, tránh chuyện tuyển được giáo viên nhưng sau đó họ lại nghỉ việc vì lương chưa đủ sống.
Thành Nam (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin