Từ năm 2023, Đồng Nai thực hiện các bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu của giai đoạn 2021-2025 với yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước. Tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng từ đường giao thông đến nguồn điện, nguồn nước để người dân có đầy đủ các điều kiện phát triển sản xuất lớn.
Đồng Nai có đa dạng sản phẩm OCOP được hình thành từ các vùng nguyên liệu đặc sản, sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên |
Các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tập trung chuyển đổi sang sản xuất an toàn để bảo vệ môi trường nông thôn; chú trọng phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), không ngừng đa dạng các sản phẩm, đặc sản nông thôn để phục vụ và thu hút du khách đến Đồng Nai.
* Hình thành những vùng chuyên canh
Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn vì có hơn 78 ngàn ha cây ăn trái, hình thành các vùng chuyên canh lớn về xoài, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi…
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh cho hay, những năm qua, Đồng Nai tập trung xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, giá cả cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp (DN) tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng; đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, thâm nhập sâu hơn, kết nối tốt hơn các vùng trồng, hỗ trợ việc giám sát trong quá trình sản xuất. Điều quan trọng là, DN đã hợp tác với HTX, nông dân trong xây dựng mã số vùng trồng, giúp minh bạch sản phẩm, tăng niềm tin của thị trường quốc tế với nông sản Việt.
Đến nay, Đồng Nai đã phát triển được 167 sản phẩm của 90 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP. Mỗi sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn về văn hóa, về con người, về đặc sản của địa phương. |
Đến các vùng chuyên canh cây ăn trái, du khách rất thích thú với hình ảnh những nhà vườn được ngăn cách ranh giới bằng những hàng rào cây xanh, hàng rào hoa được chăm chút, cắt tỉa gọn gàng. Nông dân không chỉ làm đẹp khuôn viên trong vườn của gia đình mà còn tích cực chăm sóc, giữ cho những tuyến đường làng luôn có mảng xanh hoặc rực rỡ sắc hoa. Các địa phương chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình vườn kiểu mẫu, các nhà vườn cũng không ngừng đa dạng thêm sản phẩm, dịch vụ để tạo thêm giá trị gia tăng.
Ông Lâm Phi Hùng, chủ vườn du lịch sinh thái Sáu Hùng (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) đi tiên phong làm thí điểm gắn mã QR truy xuất nguồn gốc cho cây trồng. Đến nhà vườn, du khách có thể chủ động quét mã QR để được cung cấp đầy đủ thông tin về chủ vườn, chủng loại giống và năng suất bình quân của mỗi loại cây, tọa độ, vị trí của vườn cây trên Google Maps. Việc quét mã này giúp du khách trải nghiệm được làm nông dân khi nắm rõ về quy trình sản xuất, nhật ký canh tác… Qua đó, du khách yên tâm thưởng thức, chọn mua các sản phẩm trái cây ngon, an toàn.
* Đa dạng sản phẩm chất lượng, an toàn
Hiện Đồng Nai có trên 2,7 ngàn ha cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất an toàn VietGAP; có 125 trang trại và 7 tổ hợp tác chăn nuôi được chứng nhận VietGAP.
Vùng chuyên canh đặc sản bưởi Tân Triều (H.Vĩnh Cửu) là sản phẩm du lịch độc đáo của Đồng Nai |
Từ tiềm năng, lợi thế về đa dạng sản phẩm từ chăn nuôi đến trồng trọt, trong đó đã hình thành những vùng chuyên canh sản xuất lớn, Đồng Nai đã triển khai sâu rộng chương trình OCOP với đa dạng sản phẩm được hình thành trên các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn. Nhờ được quan tâm ngay từ khi bắt đầu triển khai vào thực tế, chương trình OCOP đã thực sự khuyến khích nhiều DN, cơ sở sản xuất, HTX tích cực khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn với mục tiêu xây dựng những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương.
Tiêu biểu là Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) có nhiều sản phẩm chế biến sâu được chứng nhận OCOP như: chocolate, bột ca cao… DN cũng đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất với hơn 600ha trồng ca cao trên địa bàn tỉnh. Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cho biết, các sản phẩm chế biến của DN được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc... DN còn đầu tư mô hình du lịch tại vùng trồng và nhà máy sản xuất để du khách đến trải nghiệm cách trồng và chăm sóc cây ca cao, tìm hiểu quy trình sản xuất chocolate, rượu ca cao, thưởng thức và mua sắm các sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu cây ca cao.
Bình Nguyên
Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI:
Đa dạng sản phẩm du lịch từ đặc sản, sản phẩm OCOP
Với sự đa dạng về điều kiện tự nhiên như rừng, hồ, đặc biệt là diện tích cây ăn trái lớn, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương quan tâm phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng; chú trọng các giải pháp phát triển làng nghề tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị. Doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo chuẩn GAP; xem khoa học công nghệ là khâu then chốt để tạo đột phá trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm OCOP.
Đồng Nai rất chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với sản phẩm OCOP vì 2 chương trình này có mối tương quan, thúc đẩy nhau phát triển. Muốn thu hút du khách thì phải có sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng và những đặc sản, sản phẩm OCOP phải có du lịch để tiêu thụ. Tỉnh rất quan tâm hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho các sản phẩm đặc sản địa phương; đồng thời rà soát, nghiên cứu, triển khai các giải pháp để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm đối với các sản phẩm đặc sản địa phương.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT LÊ VĂN GỌI:
Nâng cao giá trị nông sản bằng chất lượng
Đến nay, các địa phương của tỉnh đã rà soát, xác định được 98 vùng sản xuất tập trung với quy mô gần 19 ngàn ha; 8 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 6,5 ngàn ha; xây dựng, hình thành 7 vùng trồng trọt, sản xuất nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có tổng diện tích trồng trọt hữu cơ và hướng hữu cơ 4,4 ngàn ha.
Đồng Nai tiếp tục xây dựng, nhân rộng vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, phát triển bền vững theo hướng không tăng diện tích mà đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gia tăng giá trị bằng các giải pháp như: phát triển vùng sản xuất gắn với quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí logistics; đầu tư sâu hơn về giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh, nâng cao chất lượng trái cây tươi xuất khẩu thông qua thúc đẩy áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến, mở rộng cơ giới hóa; chuẩn hóa, nâng cấp khu sơ chế, đóng gói và bảo quản; đảm bảo duy trì an toàn vệ sinh thực phẩm từ vận hành hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc…
Lê Quyên (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin