Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý nhanh các vi phạm trên không gian mạng

Kim Liễu
10:11, 19/08/2023

Đề xuất ngừng cung cấp dịch vụ internet, dịch vụ viễn thông, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng… nhằm xử lý nhanh vi phạm trên môi trường mạng của Bộ TT-TT mới đây đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

Người dùng mạng xã hội cần có ý thức trách nhiệm hơn khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội
Người dùng mạng xã hội cần có ý thức trách nhiệm hơn khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội

Nội dung trên được đề cập trong dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (gọi tắt dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72) vừa được Bộ TT-TT công bố để lấy ý kiến.

Kịp thời xử lý vi phạm

Trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72 của Bộ TT-TT có 11 điểm mới. Trong đó, bổ sung quy định các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ internet, viễn thông ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân có nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng theo yêu cầu của Bộ.

Đối với các thông tin vi phạm pháp luật trên mạng, dự thảo quy định quy trình xử lý về việc ngăn chặn, gỡ bỏ nhanh và hiệu quả hơn. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm cảnh báo, đề xuất ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Bộ TT-TT cũng đưa ra 3 trách nhiệm để các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, DN cung cấp dịch vụ lưu trữ web (hosting), dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) và các DN khác thực hiện. Theo đó, DN thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT). Ngoài ra, dự thảo nghị định còn có quy định về việc xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam…

Đánh giá cao việc áp dụng các biện pháp xử lý nhanh các vi phạm trên mạng, bà Trần Thị Thúy Loan (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho rằng, áp dụng tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet… đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để livestream, đăng tải thông tin xấu, độc như một giải pháp cần thiết đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Vì thực tế nếu xử lý theo quy trình văn bản như hiện nay sẽ mất thời gian. Trong khi thông tin trên mạng lan truyền rất nhanh, nhất là hình thức livestream do vậy xử lý sớm sẽ giúp ngăn chặn kịp thời, hạn chế việc phát tán những hình ảnh, thông tin vi phạm.

Đảm bảo quyền lợi người sử dụng mạng

Bên cạnh ý kiến tán thành, nội dung dự thảo cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn. Bà Nguyễn Thị Liên (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) chia sẻ, bà đồng tình với việc xử lý nhanh, kịp thời các sai phạm trên môi trường mạng. Tuy nhiên, quy định như vậy không biết áp dụng có khả thi không vì trường hợp bị cắt dịch vụ di động và internet tại nhà thì người dùng vẫn có thể sử dụng smartphone hay máy tính để lên mạng tại các điểm wifi công cộng. Khi đó, cơ quan quản lý sẽ chế tài như thế nào, do vậy quy định cần chi tiết hơn.

“Cơ quan quản lý được quyền yêu cầu ngừng dịch vụ đối với người dùng, trường hợp nếu quyết định chưa đúng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân hay tổ chức thì người dùng phản ảnh ở đâu, bằng hình thức nào, cũng cần phải quy định rõ” - bà Liên đề xuất.

Đây cũng là băn khoăn của nhiều người ngay khi nội dung dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 72 của Bộ TT-TT được đưa ra lấy ý kiến. Trường hợp cá nhân vi phạm trên không gian mạng thì có thể cắt dịch vụ viễn thông (chủ yếu là số điện thoại di động) và mạng internet ngay tại địa chỉ cư trú của cá nhân. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng internet ở các điểm công cộng thì rất khó xử lý.

Giải trình nội dung này trên các cơ quan truyền thông mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho rằng: “Việc dừng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet chưa phải là giải pháp triệt để, nhưng đây là giải pháp xử lý bổ sung khẩn cấp, để xử lý kịp thời ngay lập tức cho các tình huống, các sai phạm được phát hiện trên môi trường mạng”.

Về quy định người dùng phải xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại nhiều ý kiến cho rằng, việc này rất cần thiết bởi hiện nay tình trạng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang gia tăng. Khi người dùng đăng ký bằng số chính chủ thì cơ quan nhà nước sẽ quản lý dễ hơn, góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo.

Anh Nguyễn Bảo Quốc (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ, hiện nay người dùng mạng xã hội có xu hướng chuyển từ dùng trên máy tính sang sử dụng trên mobile. Vì vậy, việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động sẽ tiện dụng hơn cho người dùng. Khi buộc phải đăng ký bằng số điện thoại cá nhân người dùng mạng sẽ có ý thức trách nhiệm hơn khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội.

  Kim Liễu


 

Bà GIANG THỊ THU NGA, Phó giám đốc Sở TT-TT:

Cần quy định cụ thể hơn các trường hợp xử lý vi phạm

Với mục đích tạo được hành lang pháp lý nhằm khắc phục những bất cập phát sinh từ môi trường mạng và bắt kịp xu thế phát triển của internet, Bộ TT-TT đã xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72 và đang công bố lấy ý kiến. Trong đó, biện pháp xử lý nhanh các vi phạm trên mạng được dự thảo đề xuất là các DN cung cấp dịch vụ internet, viễn thông  ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân có nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Quy định này theo tôi chỉ xử lý trong tình huống cấp bách, tạm thời, không triệt để vì đối tượng vi phạm có thể có nhiều tài khoản khác nhau. Trường hợp đối tượng vi phạm sử dụng dịch vụ internet công cộng hoặc trong hộ gia đình có một người vi phạm thì việc cắt dịch vụ sẽ thực hiện thế nào? Do vậy, dự thảo cần bổ sung cụ thể các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục xác định hành vi vi phạm nhằm xử lý nghiêm các vi phạm và đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người sử dụng dịch vụ internet, viễn thông.     

Gia An (ghi)


Tin xem nhiều