Trong bối cảnh các làng nghề đang gặp nhiều khó khăn, các nghệ nhân trên địa bàn Đồng Nai đang cố gắng hết sức để duy trì và tìm cách phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Trong bối cảnh các làng nghề đang gặp nhiều khó khăn, các nghệ nhân trên địa bàn Đồng Nai đang cố gắng hết sức để duy trì và tìm cách phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (TP.Biên Hòa) bên tác phẩm của mình |
Cố gắng tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm mới, độc đáo, phù hợp với thị hiếu của thị trường, nỗ lực truyền nghề cho những người trẻ đang là điều đau đáu đối với những nghệ nhân của các làng nghề ở Đồng Nai.
Sống trọn với đam mê
Tại H.Trảng Bom, gỗ mỹ nghệ Thành Nhân là một trong những cơ sở có tiếng với sản phẩm được xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Nghề gỗ mỹ nghệ ở đây có từ thập niên 50 của thế kỷ trước, từ những người gốc Bắc vào Đồng Nai ở khu vực ấp Trà Cổ (xã Bình Minh). Nghệ nhân Nguyễn Thành Nhân theo học nghề từ năm 1989 và mở cơ sở riêng vào năm 2004. Lúc đầu, sản phẩm làm ra chưa được nhiều khách hàng biết đến, bán chủ yếu qua trung gian, thu hồi vốn chậm trong khi phải cần nhiều chi phí để duy trì hoạt động, sau đó phải đóng cửa. Ông tiếp tục đi học nghề và làm thuê rồi quay trở lại tiếp tục mở cơ sở mới.
Lợi thế của đồ gỗ Thành Nhân là cơ sở tìm được nguồn gỗ tự nhiên dạng phế liệu vô cùng phong phú để sản xuất các mặt hàng gỗ mỹ nghệ như: máy bay, xe hơi, xe mô tô, xe tăng... nên có lợi thế cạnh tranh về giá thành. Theo lời ông Nhân, gỗ mỹ nghệ là niềm đam mê từ nhỏ của ông. Tuy có được hiệu quả trong sản xuất nhưng trên thực tế, khi xuất khẩu, sản phẩm của cơ sở vẫn làm gia công cho các đối tác nước ngoài. Đây cũng là điểm yếu mà hầu hết các cơ sở làm nghề thủ công đang gặp phải. Mong ước của ông là làm sao quy tụ được nguồn lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu riêng cho mình ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Nghệ nhân Nguyễn Thành Nhân (H.Trảng Bom) trong phòng trưng bày sản phẩm của Cơ sở Thành Nhân |
Ở lĩnh vực điêu khắc đá, nghệ nhân Nguyễn Văn Minh là một trong số ít đạt được khá nhiều kỷ lục, trong đó có 1 kỷ lục thế giới và 5 kỷ lục quốc gia. Vốn quê ở Nam Định, có nghề điêu khắc đá nên từ nhỏ ông đã thích thú và mơ ước lớn lên sẽ trở thành người thợ điêu khắc lành nghề. Lớn lên, ông theo chân những người thợ đi khắp Bắc - Nam để học hỏi thêm kinh nghiệm. Sau đó, ông Minh đã chọn Biên Hòa, nơi có nghề điêu khắc đá hàng trăm năm để dựng nghiệp cho tới nay.
Năm 2023, Đồng Nai dự kiến sẽ có 4 cá nhân được phong tặng nghệ nhân ưu tú (cấp bộ) và 55 cá nhân được trao danh hiệu thợ giỏi (cấp tỉnh). |
Với bàn tay tài hoa của mình, ông Minh đã đạt được nhiều giải thưởng, chứng nhận từ các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác. Một trong những tác phẩm mà ông thực hiện nhận được nhiều quan tâm là bức tượng Phật ngọc nặng hơn 11,5 tấn. Để làm bức tượng này, ông cùng 20 học trò đã trải qua 20 tháng chế tác và hoàn thành năm 2012. Tác phẩm được Hiệp hội Kỷ lục thế giới công nhận là bức tượng ngọc khối lớn nhất thế giới. Ông cũng có 5 tác phẩm đạt kỷ lục quốc gia khác và tất cả những tác phẩm đạt kỷ lục trong nước và thế giới đều làm từ ngọc bích và đá. Từ những cống hiến của mình, năm 2014, ông Minh đã được phong tặng nghệ nhân.
Trong khi đó, nghệ nhân gốm Hoàng Ngọc Hiến, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Gốm Hiến Nam (TP.Biên Hòa) đi theo ngạch chính quy khi được học hành bài bản từ Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Học xong ông chọn làm việc ở một số cơ sở gốm lâu năm tại TP.Biên Hòa để lĩnh hội thêm những bí quyết trong nghề gốm mỹ thuật từ khâu tạo hình đến khâu chấm men và đưa gốm vào nung cho ra những sắc màu như ý. Đến năm 2013, khi đã tích lũy kiến thức về gốm vững vàng và đủ tiềm lực tài chính, ông Hiến mới tiến hành thành lập cơ sở sản xuất của mình.
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến tâm sự, chọn nghề là vì yêu thích, đam mê và đem lại nhiều thú vị. Mỗi khi một mẻ gốm ra lò được khách hàng đón nhận nhiệt tình, đó cũng là niềm vui lớn cho những người làm gốm. Có những tác phẩm gốm phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, sáng tạo mới hình thành và trở thành hàng “độc” được những người mê gốm đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, sẵn sàng trả giá cao để sở hữu cũng là khích lệ lớn. Cũng có những tác phẩm đặc sắc, ông chỉ giữ lại làm kỷ niệm và để khách hàng đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Đau đáu với mong muốn truyền nghề
Ngày nay, nhiều ngành nghề thủ công đang có nguy cơ mai một. Cái khó của nghề thủ công mỹ nghệ là phải có năng khiếu, sự khéo léo, tỉ mỉ và cần nhiều thời gian nên lớp trẻ ngày nay thường không ưa thích. Tuy nhiên, giá trị của sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì vẫn còn đó và nhu cầu của khách hàng là hiện hữu, thiếu người làm, thiếu nguồn lực khiến cho nhiều cơ sở khó vươn xa. Lớp thợ lành nghề ngày càng ít đi và đó là điều khổ tâm của các nghệ nhân đang ngày đêm nỗ lực với công cuộc truyền nghề của mình.
Sản xuất sản phẩm bàn ghế sofa bằng mây tre đan tại Cơ sở mây tre lá Thanh Bình (H.Thống Nhất) |
Gần 20 năm đi theo nghề, ông Nguyễn Văn Hào, chủ Cơ sở mây tre lá Thanh Bình (H.Thống Nhất) vẫn còn trụ lại, phát triển được là nhờ tình yêu, niềm đam mê với việc chế tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây để xuất khẩu. Thực sự, càng làm ông càng đam mê khi tạo ra những sản phẩm nguyên liệu từ thiên nhiên, từ rừng trồng, giá cả sản phẩm lại phải chăng, phù hợp cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Vấn đề là việc chế tác sản phẩm mây tre đan, việc sản xuất hầu như đều làm bằng thủ công. Tính tỉ mỉ và sự tâm huyết của người thợ đổ dồn vào mỗi sản phẩm là rất lớn, thế nhưng đa phần người trẻ hiện nay khi vào làm việc tại cơ sở không có được sự cẩn thận, chăm chút ấy. Mỗi lần nhận thợ, đào tạo nghề cũng phải mất thời gian nhưng sau này, rất ít lao động trẻ gắn bó được lâu dài, điều này khiến cho sự phát triển của cơ sở trong tương lai cũng gặp khó khăn.
Tương tự, nghệ nhân Phan Khắc Dũng, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Dũng Anh (xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) là một trong những người đầu tiên đưa nghề chế tác các gốc cây trở thành bàn ghế, tượng, tranh góp phần hình thành làng nghề ở Xuân Lộc. Ông Dũng đã đào tạo ra những học trò xuất sắc, sau này họ đã đi các tỉnh, thành mở ra các cơ sở làm gỗ mỹ nghệ từ gốc cây.
Với nghề như: gỗ mỹ nghệ, gốm, điêu khắc đá… muốn trở thành thợ có tay nghề phải có năng khiếu, cần mẫn và mất từ 3-4 năm học việc. Vì nghề này không có mẫu sẵn nên người thợ phải dựa vào nguyên liệu, yêu cầu của khách hàng để lên ý tưởng cho tác phẩm và thổi hồn vào đó để tạo ra giá trị nghệ thuật. Vì thế, tâm nguyện của các nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống ở Đồng Nai là sẽ tiếp tục đào tạo được nhiều thợ giỏi cho làng nghề để nghề ngày càng phát triển, đưa sản phẩm đến nhiều nơi trong nước và nước ngoài.
Đào Lê