Có người nói với tôi, đọc lịch sử Đảng bộ các xã thật là ngán, thật là mệt. Tôi không hiểu người đó đọc sử Đảng với tâm thái gì, nhưng với riêng tôi, những ngày lặn lội viết sử Đảng của một số xã ở H.Nhơn Trạch thật khó quên và nhiều cảm xúc.
Gặp gỡ nhân chứng lịch sử tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: HÀ LAM |
Với tôi, lịch sử Đảng không chỉ là... lịch sử Đảng, ngày tháng năm nào đó địa phương có người đứng vào hàng ngũ Đảng, rồi thành lập chi bộ Đảng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống Pháp, đuổi Mỹ, xây dựng quê hương. Mà lịch sử của Đảng phải như một bức tranh toàn cảnh về văn hóa, kinh tế, đời sống sinh hoạt, truyền thống... của địa phương, thậm chí của cả vùng đất mà không bị ngăn cách vì địa giới hành chính, ví như nói về hào khí Đồng Nai không chỉ là riêng tỉnh Đồng Nai mà đó là tinh thần chung của cả vùng Đông Nam bộ. Có hiểu biết tường tận về đất về người, mới có thể lý giải vì sao trong gian khó tột cùng người dân vẫn một lòng theo Đảng.
Bài học về đất và người
Đơn cử như ở xã Phước Lai (nay thuộc TT.Hiệp Phước) trước năm 1975 có 2 ấp A và B. Trong khi ấp B hầu hết là dân cố cựu, một lòng theo cách mạng, thì phần lớn dân ấp A là gia đình của binh lính, viên chức chế độ cũ từ nơi khác theo chồng chuyển đến, vì thế thường xuất hiện những tên chỉ điểm, ác ôn, “thiên nga”, “phượng hoàng” - mật thám do CIA đào tạo. Một ví dụ khác, ở xã Vĩnh Thanh trước 1975 có 10 ấp, trong khi 2 ấp Ông Kèo và Xoài Minh là khu vực sinh sống của dân địa phương thì 8 ấp còn lại tập trung 100% dân Công giáo di cư từ năm 1955-1956. Suốt 20 năm đánh Mỹ, phong trào cách mạng hầu như không nhen nhóm được trong 8 giáo xứ này (người thanh niên Công giáo duy nhất đi tìm và tham gia cách mạng là ông Thân Trọng Tuyển ở giáo xứ Thiết Nham).
Lịch sử viết lại để biết được tổ tiên, ông cha đã sống, lao động, chiến đấu như thế nào để tạo nên quê hương ngày nay, từ đó biết quý trọng những gì mình đang có, biết tri ơn những người đã hy sinh, cũng như biết mình phải làm gì cho đất nước. Lịch sử còn để cho người đọc soi rọi vào, hiểu thêm đạo lý làm người, đối nhân xử thế. Vậy, đọc lịch sử có bao giờ thấy chán...
Có hiểu về truyền thống vùng đất, mới lý giải được về trường hợp của mẹ nghèo Đinh Thị Tỵ ở xã Phú Thạnh. Phú Thạnh là xã nghèo của Nhơn Trạch, đất đai phần lớn nằm trong tay địa chủ Trịnh Thị Dung, người dân ở đây chỉ có thể làm tá điền với số tô phải nộp lên đến 50-60%. Nghèo như vậy, mẹ Tỵ vẫn chắt bóp cho con trai lớn là Đinh Văn Ngưu lên Sài Gòn học để mong con đỗ đạt thành tài, thoát khỏi kiếp khốn khó. Ở Sài Gòn, anh Ngưu được tiếp xúc với tư tưởng cách mạng, năm 1945 anh dừng việc học trở về quê vận động thành lập tổ chức Thanh niên tiền phong ở Phú Thạnh, tuyên truyền về cách mạng cho mọi người, lãnh đạo nhân dân trong xã tham gia Cách mạng Tháng Tám. Nuôi con học đến tú tài đâu phải dễ dàng, nếu theo góc nhìn thông thường, mẹ Tỵ hẳn là phải phản đối con theo cách mạng bởi con đường đó lắm chông gai, nếu thất bại công sức dồn cho con ăn học trước đây coi như đổ sông đổ biển. Nhưng nếu biết Phú Thạnh là vùng đất có truyền thống yêu nước, các bậc tiền nhân xưa từng theo lãnh binh Nguyễn Đức Ứng, nghĩa quân Trương Định, gia nhập Thiên Địa hội chống Pháp, thì sẽ hiểu việc mẹ Tỵ không những không ngăn cản con, mà khi anh Ngưu hy sinh năm 1947, mẹ động viên tiếp con trai kế là Đặng Văn Nữ theo bước chân anh làm cách mạng.
Bài học về lòng dũng cảm
Điều khiến tôi xúc động trong quá trình gặp các nhân chứng lịch sử nghe kể chuyện xưa, đó là đâu đâu ở vùng quê Nhơn Trạch đều có những tấm gương dũng cảm bất khuất, sống mãi trong ký ức người ở lại. Ngày 24-7-1965, Bí thư Chi bộ xã Phước Lai Huỳnh Ngọc Minh cùng với Trưởng ban An ninh xã Trần Văn Hoàng trên đường về căn cứ Phước Lai thì rơi vào ổ phục kích của bọn lính. Anh Minh chạy thoát được về phía rừng, nhưng Hoàng bị trúng đạn kêu cứu, nên anh Minh quay trở lại cõng Hoàng nhưng sau đó cũng trúng đạn bị thương. Anh Minh bình tĩnh nằm lại bắn trả đến khi hết đạn thì phá hủy súng. Có một tên lính là người Phước Lai, biết anh Minh là Bí thư Chi bộ xã nên kêu anh đầu hàng. Anh Minh hô to: “Đả đảo đế quốc Mỹ! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bọn lính điên cuồng xả súng bắn anh Minh và Hoàng, cả hai người hy sinh, thi thể bị bắn nát. Cảm phục trước hình ảnh kiên cường, bất khuất của anh Minh, một tiểu đội lính trên đồn đến tận đám tang, xếp hàng lập thành giàn chào để tiễn anh.
Xã đội phó Phước Lai Lê Minh Chánh lọt phục kích ở chùa Phước Hưng, bị thương nhưng vẫn bắn trả đến viên đạn cuối cùng khiến địch chết và bị thương mấy tên. Bắt sống được anh, chúng kêu đầu hàng nhưng đáp trả là những tiếng hô khẩu hiệu dõng dạc của anh “Đả đảo đế quốc Mỹ! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Điên tiết, chúng xả súng vào đầu anh, lúc đó anh mới 18 tuổi. Cha hy sinh, mẹ anh là bà Lê Thị Đầy, cán bộ binh vận của xã thì đang bị giam ở Trại tù Phú Lợi, bà con láng giềng xin thi thể không còn vẹn nguyên của anh về chôn cất...
Ở Vĩnh Thanh, người dân khắc sâu tấm gương của du kích Đặng Văn Mừng. Trên đường đi công tác, anh Mừng trúng phục kích ở khu vực ấp Quới Thạnh (nay thuộc xã Phước An), bị địch bắn gãy chân té xuống sông. Địch lôi anh lên bờ, ra điều kiện nếu đầu hàng sẽ được đưa về bệnh viện chữa chạy. Anh Mừng kiên quyết không đầu hàng, hô to “Đả đảo quân Mỹ Ngụy cướp nước”. Bọn lính dùng báng súng đánh dã man, nhưng anh vẫn hô khẩu hiệu đả đảo đến khi tắt thở. Chúng phơi xác anh suốt một ngày, gia đình anh ở Xoài Minh hay tin, đến xin xác đem về nhà. Lúc tẩn liệm, gia đình thấy xương ở phần ngực của anh Mừng bị đánh gãy hết, cả người tím bầm.
Bài học làm người
Tôi cũng trăn trở trước những số phận con người. Ở Vĩnh Thanh có một thanh niên tham gia cách mạng từ rất sớm, cùng đồng đội diệt ác phá kềm, mưu trí gan dạ tấn công địch ngay trong lòng địch, khi bị lộ thì thoát ly vào bộ đội. Bị địch bắt trong trận chống càn, ông kiên cường trước những trận đòn tra tấn tàn bạo dã man, bị đưa đi trại giam Phú Quốc suốt 6 năm cho đến khi được trao trả theo Hiệp định Paris 1973. Trở về ông lại tiếp tục tham gia cách mạng, sau năm 1975 làm Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ H.Long Thành, Bí thư Chi bộ xã Vĩnh Thanh suốt 2 nhiệm kỳ. Kinh qua những tháng ngày kháng chiến gian khổ, ngục tù khắc nghiệt của đế quốc, nhưng ông lại không chống nổi “viên đạn bọc đường” đầy cám dỗ.
Trong những ngày sưu tầm tư liệu ở TT.Hiệp Phước, tôi “ăn dầm nằm dề” ở nhà ông Trần Văn Sang vì ông là nhân chứng lịch sử quý báu, hiểu tường tận tổ chức Đảng ở địa phương từ thời chống Pháp. Tôi đưa phong bì thù lao cho nhân chứng, ông ngại ngần từ chối mãi, tôi phải giải thích đây là quy định Nhà nước. Vậy mà mấy ngày sau ông đem phong bì lên trả lại cho xã, nói việc cung cấp tư liệu viết sử Đảng là trách nhiệm của đảng viên. Nhân cách đáng quý trọng của ông khiến tôi khâm phục, đáng học hỏi.
Thập niên 80 của thế kỷ XX, xã Vĩnh Thanh rộ lên nạn tổ chức vượt biên vì địa hình sông nước vùng này dễ dàng ra biển. Lương bí thư xã “mút khung” chỉ có 73 đồng, lương cán bộ mới nhận việc là 39 đồng 25 xu, trong khi vàng khoảng 200 đồng/chỉ; lãnh đạo của xã hầu hết mặc áo vá, đi xuống các địa bàn dân cư xa xôi hay lên huyện, tỉnh họp bằng chiếc xe đạp cà tàng, bên cạnh ông là những đồng đội bệnh tật vì tù đày, gia đình nheo nhóc không đủ ăn, trong khi những người móc nối vượt biên sẵn sàng chi hàng chục cây vàng cho một chuyến vượt biên trót lọt. Với suy nghĩ “người không yêu quê hương, muốn đi nước ngoài thì cho đi phứt, giữ lại cũng không có ích cho đất nước”, vị bí thư xã đã nhận 14 cây vàng để “ngó lơ” một chuyến vượt biên. Số vàng ấy, ông đưa phần lớn cho các đồng đội hoàn cảnh khó khăn để sửa nhà, chữa bệnh. Sự việc bị phát giác, ông bị bắt, khai trừ Đảng, ra tòa ông nhận hết sai phạm về mình, tòa án tuyên 15 năm tù.
Cải tạo tốt, ông ra tù sau 8 năm, trở về ngôi nhà ọp ẹp dột nát, con cái học hành dở dang, vợ lam lũ vì gánh nặng nuôi chồng 2 lần tù tội. Ông lặng lẽ làm việc, suốt ngày bán mặt ngoài ruộng rẫy kiếm tiền nuôi con. Bằng sức lao động, ông dần vực dậy gia đình. Hoàn cảnh vừa khá lên, ông lại quay qua giúp đỡ những người khó khăn, làm từ thiện xã hội, sống mẫu mực, chan hòa, tình nghĩa với xóm làng. Sai lầm của mình, ông đã trả giá, nhưng có những mất mát không thể nào tìm lại được. Điều ông đau đáu không thể nói nên lời, ước mơ lớn nhất trong những ngày cuối đời của ông đó là được một lần nữa đứng vào hàng ngũ Đảng, được một lần nữa gọi nhau bằng 2 tiếng “đồng chí”...
Hà Lam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin