Báo Đồng Nai điện tử
En

Không gian hoài niệm ở Bảo tàng Đồng Nai

Ngọc Liên
09:01, 26/08/2023

Nhiều khách du lịch khi ghé thăm Bảo tàng Đồng Nai đã rất xúc động bởi những lá thư, những tấm vải thêu từ khăn, áo gối, túi vải... - những kỷ vật trên được tạo nên từ các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong các thời kỳ kháng chiến.

Không gian trưng bày những bức thư thời chiến tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: N.LIên
Không gian trưng bày những bức thư thời chiến tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: N.LIên

Những hiện vật được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng Đồng Nai chính là thành quả của hành trình tìm kiếm, sưu tầm kỷ vật thời chiến của những di sản viên khi tiếp cận, thuyết phục chủ nhân của các kỷ vật đồng ý hiến tặng lại bảo tàng, kèm theo những câu chuyện thực tế. Phần lớn những kỷ vật đều mang theo những câu chuyện chân thực về hoàn cảnh ra đời và những tình cảm cao đẹp trong thời chiến và bảo tàng chính là nhịp cầu nối lan tỏa những giá trị cao đẹp trong quá khứ đến thế hệ hôm nay và mai sau.

* Chứng tích thời chiến

Nằm lặng lẽ trên bức tường dài ngay khu vực đại sảnh của Bảo tàng Đồng Nai, những lá thư thời chiến của các chiến sĩ năm xưa được tái hiện, thu hút sự chú ý của khách tham quan, nhất là những người từng sống trong quãng thời gian chiến tranh khốc liệt, từng chứng kiến nhiều cuộc chia ly người thân, bạn bè, người yêu… của người lính khi rời quê hương tham gia cách mạng, bảo vệ Tổ quốc. Những bức thư được các chiến sĩ viết trên chiến trường, trong nhà tù, chất chứa vô vàn cảm xúc về tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, bạn bè và cả tình yêu đôi lứa, khiến cho khách tham quan như được quay trở về với không gian hoài niềm xưa…

Cuối năm 2021, Bảo tàng Đồng Nai đã xuất bản tập sách ảnh Kỷ vật thêu tay thời kháng chiến của các chiến sĩ cách mạng tỉnh Đồng Nai với hàng trăm hiện vật thêu tay của các cựu tù cách mạng tỉnh Đồng Nai tạo nên trong những năm bị giam cầm ở các nhà tù. Đi kèm với kỷ vật là những câu chuyện liên quan tạo xúc động cho người đọc.

Trải lòng sau khi được đọc những đoạn thư từ các chiến sĩ cách mạng gửi thăm gia đình, bạn bè, người yêu tại Bảo tàng Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thiện (TP.Biên Hòa), một cựu thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến chống Mỹ tại tỉnh Thái Bình cho biết, từng bức thư, kỷ vật đã làm bà nhớ lại thời thanh xuân, khi đó, toàn bộ hậu phương miền Bắc hướng về miền Nam với tất cả niềm tin chiến thắng, rất nhiều bạn bè, hàng xóm của bà Thiện từ biệt quê nhà để lên đường tham gia cách mạng tại chiến trường miền Nam. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, có người trở về bên gia đình, có người tiếp tục ở lại hành trình bảo vệ biên cương nhưng cũng có người ra đi mãi mãi và chỉ gửi lại quê hương những kỷ vật trong những năm hành quân là bức thư, chiếc khăn tay, mảnh vải thêu vội của người thân trong gia đình hoặc người yêu gửi tặng trước lúc ra đi.

 Bà Thiện bộc bạch: “Trước giờ tôi nghĩ những câu chuyện về chiến tranh chỉ là quá khứ và nằm trong tiềm thức con người, cho đến khi được nhìn thấy những dấu tích thời xa xưa khiến tôi rất xúc động. Tôi hy vọng những kỷ vật này sẽ được lưu giữ và truyền lại đến nhiều thế hệ mai sau để con cháu tiếp nối truyền thống yêu nước, hào khí cách mạng của dân tộc Việt Nam”.

Anh Nguyễn Bá Tâm, di sản viên Phòng Nghiệp vụ bảo tàng (Bảo tàng Đồng Nai) là một trong những di sản viên tham gia hành trình sưu tầm kỷ vật thời chiến cho bảo tàng những năm qua kể, để có được kho tàng kỷ vật như hiện nay, Bảo tàng Đồng Nai đã mất nhiều năm tìm kiếm, thuyết phục các chủ nhân của kỷ vật đồng ý tặng lại bảo tàng kèm theo những câu chuyện liên quan. Trong quá trình sưu tầm, nhiều câu chuyện xúc động đã được bộc bạch và ghi lại, đây sẽ là những tư liệu quý giá để các thế hệ mai sau tiếp tục gìn giữ tinh thần cách mạng, sự kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng năm xưa.

Một số nội dung bức thư thời chiến
Một số nội dung bức thư thời chiến

* Điểm đến du lịch không nên bỏ lỡ

Bảo tàng Đồng Nai đang là một trong những điểm đến du lịch, đặc biệt là các chương trình du lịch dã ngoại, về nguồn đối với học sinh, sinh viên, những tổ chức, doanh nghiệp muốn tìm hiểu về bản sắc văn hóa Đồng Nai qua các thời kỳ.

Với hơn 21 ngàn hiện vật cùng các bảo vật quốc gia, không gian văn hóa, lịch sử Đồng Nai qua các thời kỳ, Bảo tàng Đồng Nai đang dần hoàn thiện vai trò là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là nơi kể lại những câu chuyện sinh động nhất về thời khai hoang mở cõi của dân tộc trên vùng đất Đồng Nai, về những giá trị khảo cổ từ tìm về lịch sử hàng ngàn năm trước tại Đồng Nai. Cùng với đó là những câu chuyện gắn với những kỷ vật trong các giai đoạn phát triển của địa phương.

Tấm thêu được làm từ tã lót tại Nhà lao Tân Hiệp năm 1972 của nữ chiến sĩ cách mạng Trần Thị Huỳnh Hoa (H.Định Quán)
Tấm thêu được làm từ tã lót tại Nhà lao Tân Hiệp năm 1972 của nữ chiến sĩ cách mạng Trần Thị Huỳnh Hoa (H.Định Quán)

Bà Trần Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày và tuyên truyền (Bảo tàng Đồng Nai) cho biết, từ những hiện vật, kỷ vật, bảo tàng xây dựng nên chuỗi câu chuyện gắn liền để phục vụ các đoàn khách tham quan, khảo sát khi đến bảo tàng.

Bà Thủy cho biết: “Mỗi câu chuyện khi chúng tôi xây dựng để thuyết minh đến khách tham quan đều dựa trên tư liệu thực tế, được khai thác ở nhiều góc độ để làm sao tạo nên được câu chuyện chung hấp dẫn nhất, thu hút nhất và để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho du khách. Đối với những kỷ vật thời chiến tranh, có rất nhiều câu chuyện hay, lay động cảm xúc người nghe. Ngoài những kỷ vật nổi bật được chọn để trưng bày, chúng tôi còn in tập sách để truyền tải nhiều hơn nội dung thông tin cho khách tham quan khi đến bảo tàng”.

Những tấm thêu được trưng bày và
bảo quản nghiêm ngặt tại Bảo tàng
Đồng Nai để phục vụ khách
tham quan
Những tấm thêu được trưng bày và bảo quản nghiêm ngặt tại Bảo tàng Đồng Nai để phục vụ khách tham quan

Trong một lần đến thăm và làm việc với Bảo tàng Đồng Nai, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định, với những hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng cho thấy, sự đa dạng, phong phú về thiên nhiên, lịch sử, truyền thống anh hùng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Để tạo sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa, Bảo tàng Đồng Nai cần khắc phục một số tồn tại như: trưng bày hiện vật đang theo lối cũ, phải luôn luôn có sự đổi mới trong cách trưng bày các tư liệu để thu hút nhiều hơn nữa công dân, đặc biệt là giới trẻ đến tham quan bảo tàng. Bảo tàng phải phát huy những giá trị là cầu nối di sản với người dân, làm sao để mỗi công dân Đồng Nai cảm thấy tự hào, vinh dự và có trách nhiệm với vùng đất này. Đồng thời, biến bảo tàng thành một điểm đến du lịch hấp dẫn để du khách trong và ngoài nước hiểu biết nhiều hơn về vùng đất, con người Đồng Nai.

Mỗi năm, Bảo tàng Đồng Nai đón hàng chục ngàn lượt người dân, khách du lịch, các đoàn khảo sát… đến tìm hiểu về lịch sử văn hóa, truyền thống cách mạng của người Đồng Nai.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều