Bộ sưu tập đàn đá Bình Đa là bảo vật quốc gia thứ ba ở Đồng Nai được công nhận vì đạt chuẩn quốc gia ở giá trị đa diện của nó.
Ngày 19-5-2023, Đồng Nai tổ chức lễ công bố Bộ sưu tập đàn đá Bình Đa được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30-1-2023. Ngay sau lễ công bố, Báo Đồng Nai cùng nhiều trang báo khác đã đưa tin, được bạn đọc quan tâm. Có câu hỏi: Bộ sưu tập đàn đá Bình Đa có giá trị gì mà được công nhận bảo vật quốc gia? Về câu hỏi này, cần có lời giải đáp ở góc nhìn khoa học văn hóa.
Một số thanh - mảnh trong bộ sưu tập đàn đá Bình Đa hiện lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai vừa được công nhận bảo vật quốc gia. Ảnh: VĨNH HUY |
Bộ sưu tập đàn đá Bình Đa là bảo vật quốc gia thứ ba ở Đồng Nai được công nhận vì đạt chuẩn quốc gia ở giá trị đa diện của nó.
Trước hết, theo hồ sơ khoa học đã được nhiều báo đài đưa tin, bộ sưu tập gồm 51 hiện vật, trong đó có 5 thanh nguyên và 46 đoạn, mảnh; được giám định niên đại 3.080 ± 50 năm trước Công nguyên; được các nhà khoa học khảo cổ phát hiện, xác định bộ sưu tập này là sản phẩm bản địa, độc bản, có tuổi thuộc hàng cổ nhất thế giới; có giá trị tiêu biểu và kỹ thuật chế tác độc đáo trong gia đình đàn đá Việt Nam.
Hy vọng đến lúc nào đó, chúng ta sẽ nghe âm vang đúng nhạc điệu của đàn đá Bình Đa (không phải do ngụy tác). |
Ngoài giá trị ghi ở hồ sơ khoa học, bộ sưu tập đàn đá Bình Đa còn có nhiều giá trị khác, giúp người ta trả lời câu hỏi: Trước cột mốc lịch sử khai hoang của người Việt từ thế kỷ XVII, vùng đất Đồng Nai - Nam bộ đã như thế nào; chủ nhân văn hóa là ai? Diện mạo các tộc người chủ nhân văn hóa ở vùng đất Đồng Nai - Nam bộ chưa xác định cụ thể nhưng đàn đá Bình Đa đã góp phần minh chứng người xưa đã sinh sống ở vùng đất này từ thời tiền - sơ sử cách đây hơn 3 ngàn năm, trải qua các nền văn minh đồ đá đến kim khí, phát triển liền mạch với trình độ chế tác cao. Đàn đá Bình Đa là vật chứng tiêu biểu cho văn mình thời đồ đá.
Theo tài liệu của cố PGS-TS Phạm Đức Mạnh, các kết quả nghiên cứu khảo cổ đều chứng minh đàn đá Bình Đa là hiện vật “biết nói” về thời đồ đá cũ - mới ở địa bàn Đông Nam bộ.
Văn minh thời đồ đá cũ - đá mới nối với sơ kỳ đồ sắt được các nhà khảo cổ phát hiện ở nhiều nơi; xác định nhiều điều như: Công cụ Acheul (ở Xuân Lộc, Đồi 275 Hàng Gòn, Núi Đất, núi Cẩm Tiên); các loại rìu tay (Dầu Giây, Bình Lộc, Suối Đá, Gia Tân); thậm chí có cả di vật rìu tay bằng đá cuội basalte (ở ven sông Đồng Nai) tương tự rìu tay Abbeville ở Núi Đọ Thanh Hóa với niên đại sớm 60 vạn năm trước Công nguyên; đặc biệt là di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn với niên đại theo C14 là 2670 đến 2220 ± 40 trước Công nguyên.
Hơn một vạn tiêu bản các loại tìm được ở 14 di chỉ trên địa bàn Đồng Nai - Đông Nam bộ đã được các nhà khảo cổ phân tích đặc điểm, định niên đại, xác định giá trị khoa học, giúp hình dung về chủ nhân văn minh thời đồ đá cũ - đá mới với trình độ chế tác kỹ thuật cao trong môi trường xưởng và công xưởng đá lớn. Đó là nguồn tư liệu quý, là bằng chứng về sự có mặt của con người từ viễn cổ, quan hệ mật thiết với các nền văn minh đồng đại ở Đông Nam Á hải đảo; cho phép nghĩ rằng chủ nhân văn hóa Đồng Nai đã an cư gần như ở toàn bộ vùng bán bình nguyên và châu thổ Đông Nam bộ, có sự phân công lao động và phân vùng sinh sống trên cơ sở nền nông nghiệp nương rẫy, có sự giao lưu nội - ngoại vùng.
Di vật thời đá cũ - đá mới phần lớn là công cụ sản xuất (5.296 tiêu bản) cho phép hình dung về đời sống và trình độ sản xuất của người tiền sử - sơ sử.
Bộ di vật vũ khí bằng đá chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng (3,1% với 311 tiêu bản) chứng minh trình độ tổ chức và năng lực tự vệ của người xưa.
Vượt lên công cụ sản xuất và vũ khí, nhiều bộ di vật thể hiện nhận thức, mỹ cảm, nghệ thuật và tín ngưỡng của con người thời ấy như: các bộ trang sức, các thẻ đeo bằng đá cuội, các tượng đá về chim, thú; đặc biệt là bộ sưu tập hơn 60 thanh - đoạn đàn đá tìm được ở Bình Đa, Gò Me, Lộc Ninh. Trong đó, bộ sưu tập đàn đá Bình Đa có giá trị tiêu biểu nhất về nhiều mặt vừa được công nhận là bảo vật quốc gia.
Bộ sưu tập đàn đá Bình Đa thuộc dạng được phát hiện sớm, được mệnh danh là “N’Dut Lieng Krak - Bình Đa”. Khi khai quật sưu tập năm 1979, có người còn hoài nghi về “nhạc tính” của nó, cho rằng đó chỉ là bộ thanh đá (đá sừng) được bố trí dùng sức nước tạo âm thanh để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng.
Đến khi phát hiện các bộ đàn đá tiếp theo ở Lộc Khánh (Lộc Ninh, năm 1989), các nhạc sĩ Lưu Hữu Chí, Vũ Hồng Thịnh chú tâm nghiên cứu “độ vang trong” của các thanh đá tương ứng với các nốt nhạc, so sánh thấy đồng dạng với âm thanh của đá Bình Đa, làm dịu sự hoài nghi về nhạc tính của bộ các thanh đá Bình Đa. Đến năm 1996, thêm sự xuất hiện của bộ đàn đá Lộc Hòa (Lộc Ninh). Kết quả nghiên cứu của các nhạc sĩ được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận.
Theo kết quả phân tích thạch học của Nguyễn Thanh Châu và Dương Thanh Hiệt (năm 1980), loại đá phiến đốm Bình Đa có kiến trúc hạt vảy biến đổi, có nhiều đặc tính chung cho các bộ đàn đá tìm thấy ở Đông Nam bộ. Về cơ bản, các thanh đá đều được chế tác từ loại đá sừng màu xám đen, cỡ hạt từ mịn đến rất mịn. Các thanh đá thường có cấu tạo hình dáng khá ổn định. Thông thường, chúng đều có hai đầu dày và hơi loe rộng. Ở dọc rìa thân di vật, hai rìa thường được gia công nhiều nhất, chủ yếu bằng những nhát ghè đẽo chỉnh hướng tâm xếp lớp và liên tiếp nhau, ở cả hai mặt, tạo rìa vát khá mỏng, có nhiều đường cong lõm hơi thắt eo ở giữa (hoặc gần giữa) thanh đá. Trong mỗi cụm, các thanh đá đều được phối trí từ thanh dài nhất đến thanh ngắn nhất.
Khi diễn tấu, gõ lên từng thanh trong cụm bằng chày gỗ nhỏ (hoặc bằng trục sắt nhỏ), sẽ nghe chuỗi âm thanh rất trong và vang với các cung bậc khác nhau. Ấy là nhạc, nhưng vẫn chưa rõ đặc tính cụ thể. Các công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kỹ thuật phát thanh truyền hình tại TP.HCM và Tổng cục Kỹ thuật Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn đang tiếp tục. Có nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ đã biểu diễn đàn đá theo cảm nhận của mình.
Vậy nên, giá trị của bảo vật bộ sưu tập đàn đá Bình Đa không phải biểu hiện của riêng nó mà còn đại diện cho các bộ đàn đá đã sưu tập được ở địa bàn các tỉnh miền Đông.
Bảo vật này vừa mang tính đặc trưng, vừa mang tính đại diện. Tuy nhiên, giá trị được nhận diện mới chỉ ở phương diện vật thể. Còn đang chờ đợi các công trình nghiên cứu để xác định giá trị chân thực của âm nhạc.
Huỳnh Văn Tới