Báo Đồng Nai điện tử
En

45 năm phát triển văn học Đồng Nai dưới ánh sáng của Đề cương văn hóa 1943

Bùi Công Thuấn
08:46, 19/08/2023
Các thế hệ nhà văn, nhà thơ Đồng Nai

Đề cương văn hóa (1943) đã đề ra những tư tưởng nền tảng về xây dựng văn hóa Việt Nam suốt 80 năm qua: Văn hóa cũng là một mặt trận. Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cuộc vận động văn hóa muốn thành công phải do Đảng lãnh đạo. Văn hóa văn nghệ Việt Nam phải có tính dân tộc, tính khoa học và tính đại chúng.

Trên nền tảng những tư tưởng và nguyên tắc cơ bản ấy, 45 năm qua, văn học Đồng Nai đã phát triển và đóng góp thành quả tốt đẹp vào sự phát triển chung của Đồng Nai.

1. Một đội ngũ nhà văn tài năng, tâm huyết và giàu sức sáng tạo đã góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa Đồng Nai. Từ nhiều miền đất nước, các nhà văn tụ về Đồng Nai. Năm 1979, Ban Văn học của Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai có khoảng trên 10 hội viên; đến nay đã có 97 nhà văn, nhà thơ.

Nhiều người từng là người lính chống Mỹ: Cố đại tá anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước, Lê Đăng Kháng, Đào Trọng Thử, Đàm Chu Văn, Phạm Thanh Quang, Hoàng Văn Thống, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Minh Đức, Phạm Văn Đảng… Nhiều người là nhà giáo: Bùi Quang Tú, Phan Nam Sinh, Tiêu Thanh Giang, Đào Sỹ Quang, Nguyễn Duy Đồng, Lã Hoài Mai, Trần Thị Hiếu, Hoàng Thị Quỳnh Trang… Và nhiều nhà văn thuộc những lĩnh vực xã hội khác: Khôi Vũ là dược sĩ, Nguyễn Đức Phước là bác sĩ, Nguyễn Một hiện là Giám đốc Truyền thông Công ty CP Tập đoàn Trường Hải, Hoàng Đình Nguyễn nguyên là Phó giám đốc Xí nghiệp Mạch nha Đồng Nai, Dương Thu Hường là công nhân Công ty Pouchen Việt Nam, Trâm Oanh là Phó chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Nguyễn Trí lăn qua đủ thứ nghề...

Sự đa dạng về đội ngũ làm phong phú nội dung, tư tưởng và phong cách nghệ thuật của văn học Đồng Nai

2. Số lượng tác phẩm văn học Đồng Nai 45 năm qua là một “gia tài” lớn. Bởi nhà văn nào cũng in tác phẩm, đồng thời Hội VHNT Đồng Nai mỗi năm đều in những tuyển tập. Chẳng hạn, nhà văn Hoàng Văn Bổn đã in hơn 50 đầu sách và 25 kịch bản phim. Nhà văn Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải: tính đến năm 2023 đã in 74 tác phẩm (trong đó 43 tác phẩm viết cho thiếu nhi)… Nhiệm kỳ V (2014-2018), hội viên Ban Văn học đã xuất bản 102 tác phẩm.

 3. Nhiều tác giả, tác phẩm đã đạt giải thưởng giá trị. Nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà văn Lý Văn Sâm đạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Các nhà văn đạt Giải thưởng Hội Nhà văn: Khôi Vũ (1990, 2020), Nguyễn Một, Nguyễn Trí, nhiều nhà thơ, nhà văn đạt giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Và nhiều tác giả đạt giải Trịnh Hoài Đức (5 năm trao giải một lần, năm 2022 đã trao giải lần thứ V).

Giá trị đặc sắc của văn học Đồng Nai là những tác phẩm viết về đề tài cách mạng và kháng chiến, các tác phẩm viết về đất nước con người Đồng Nai. Nhà văn thể hiện tình cảm sâu sắc với quê hương, đất nước trên mọi miền Tổ quốc. Hình tượng con người Đồng Nai dũng cảm, kiên cường, tài trí, nghĩa tình và nhân ái được khắc họa đậm nét trong văn học. Quê hương Đồng Nai giàu đẹp làm nên nhiều trang văn giá trị của văn học Đồng Nai.

Đồng Nai có 16 nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (Chi hội Nhà văn Đồng Nai), đây là một lực lượng mạnh so với nhiều hội VHNT các tỉnh khác.

Xin đọc: Miền đất ven sông của Hoàng Văn Bổn; Nắng bên kia làng của Lý Văn Sâm; Một thời rừng Sác của Lê Bá Ước; Đàn ống tre bên kia sông của Khôi Vũ; Muối đỏ, Hoa Quý Lan của Tấn Hoài; Tình yêu thuở ấy của Phạm Thanh Quang; Người thầm lặng của Trần Thúc Hà; Chuyện tình ở Hầm Hinh của Trần Thu Hằng; Cù lao yêu dấu của Hoàng Ngọc Điệp; Sương sớm, Quả ngọt của Lê Đăng Kháng; truyện của Phạm Văn Đảng; Người Chợ Kệ của Dương Đức Khánh; Bến hồng nhan của Đào Sỹ Quang; Giấc rừng của Đàm Chu Văn; Đồng dao cho mình của Đỗ Minh Dương; thơ Lê Thanh Xuân…

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (năm 1998) về việc xây dựng con người Việt Nam, nhà văn Đồng Nai viết nhiều tác phẩm “thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ”, hướng đến xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xin đọc các tập truyện của nhà văn Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Trần Thúc Hà, Đào Sỹ Quang, Dương Thu Hường, Trâm Oanh, Nguyễn Duy Đồng, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng, Hoàng Thu Thảo, Lã Hoài Mai, Lê Vũ Anh Đào, Tống Thanh Tâm; thơ Nguyễn Hoài Nhơn, Đào Trọng Thử, Minh Hạ, Hạnh Vân, Nguyễn Đức Phước, Trần Ngọc Tuấn…

Mảng văn học thiếu nhi của Đồng Nai có nhiều thành tựu. Tác phẩm văn học thiếu nhi là tâm huyết của các nhà văn: Khôi Vũ, Nguyễn Một, Hoàng Ngọc Điệp, Phạm Thanh Quang, Đàm Chu Văn, Trâm Oanh, Trần Thu Hằng…

Về lý luận phê bình, văn học, Đồng Nai có đội ngũ viết phê bình văn học vượt trội: Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Nguyễn Trí, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng… Viết lý luận phê bình chuyên nghiệp có nhà văn Bùi Quang Tú, nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy và Bùi Công Thuấn.

Về nghệ thuật, nhiều nhà văn, nhà thơ có nỗ lực tìm tòi sáng tạo, góp phần vào sự cách tân chung của văn học Việt Nam 45 năm qua: Hoàng Văn Bổn (tiểu thuyết sử thi), Khôi Vũ (tiểu thuyết thời sự - thế sự), Nguyễn Một (tiểu thuyết rời rạc), Trần Thu Hằng (kiểu truyện tư tưởng), Nguyễn Đức Phước, Đàm Chu Văn, Trần Ngọc Tuấn cách tân thơ…

***

Dưới ánh sáng của Đề cương văn hóa và các nghị quyết về văn học của Đảng, văn học Đồng Nai trong 45 năm qua đã thực hiện tốt nhiệm vụ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, phản ánh được hiện thực cách mạng rộng lớn và góp phần  làm nên vẻ đẹp văn hóa Đồng Nai. Tuy vậy, ngoài tác phẩm (sử thi) của nhà văn Hoàng Văn Bổn, văn học Đồng Nai chưa có những tác phẩm lớn ngang tầm thời đại, chưa có những cách tân nghệ thuật thực sự có ý nghĩa mở đường cho văn học Việt Nam đương đại. Tương lai vẫn đang vẫy gọi…

Bùi Công Thuấn

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích