Báo Đồng Nai điện tử
En

Hệ lụy của nghiện internet

07:07, 08/07/2023

Tình trạng ham mê hoặc nghiện internet, game online đang khá phổ biến với giới trẻ, nhất là ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, học hành sa sút mà việc nghiện internet, game online còn dẫn tới nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Tình trạng ham mê hoặc nghiện internet, game online đang khá phổ biến với giới trẻ, nhất là ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, học hành sa sút mà việc nghiện internet, game online còn dẫn tới nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Theo các chuyên gia tâm lý, nên để trẻ  tham gia hoạt động thể chất, tinh thần từ nhỏ nhằm tạo sự tự tin giao tiếp xã hội, tránh tình trạng nghiện internet
Theo các chuyên gia tâm lý, nên để trẻ tham gia hoạt động thể chất, tinh thần từ nhỏ nhằm tạo sự tự tin giao tiếp xã hội, tránh tình trạng nghiện internet

Trộm, cướp để có tiền chơi game

Theo một số chuyên gia tâm lý tại Đồng Nai, việc nghiện internet hoặc nghiện game thường luôn mang cảm giác thèm lên mạng, chơi game liên tục (nhất là chơi game online). Thậm chí có nhiều trường hợp có thể chơi liên tục nhiều giờ liền, dồn nhiều tiền bạc để được lên cấp trong game hoặc mở khóa các tính năng ưu tiên trên các trang mạng.

Kéo theo đó, những người trẻ nghiện internet hoặc nghiện game có thể dần bị lệ thuộc vào game, dẫn tới tự cô lập bản thân khỏi gia đình, bạn bè, xã hội. Lâu dần, việc đạt được nhiều thành tích trong game khiến họ “đốt” nhiều tiền bạc vào đó, thậm chí bằng mọi cách bất chấp hậu quả để có thêm tiền nạp vào game.

Điển hình như ngày 29-12-2022, Đỗ Ngọc Hải (20 tuổi, ngụ H.Định Quán) do thiếu tiền tiêu xài, nợ nần và nghiện game đánh bạc trên mạng nên đã dùng dao cướp tài sản của 1 phụ nữ tại xã Suối Nho (H.Định Quán). Hay trước đó, ngày 10-4-2022, Nguyễn Văn Phúc (19 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa), do thiếu tiền chơi game nên đã cùng 2 thanh niên khác đi trộm tại một phòng trọ ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) để có tiền thỏa mãn thú vui.

Chị Trần Thanh Thảo (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) lo ngại: “Trong thời điểm nghỉ hè như hiện nay, nhiều phụ huynh không có chỗ gửi nên phải để con ở nhà với cái tivi, máy tính bảng. Do đó, nhiều trẻ tự mày mò lên mạng, chơi game liên tục nhiều giờ mỗi ngày. Việc này dễ dẫn tới nguy cơ nghiện internet, nghiện game; kéo theo đó sẽ tác động không tốt đến thói quen, hành vi của trẻ”.

Tăng giao lưu xã hội, tránh chìm vào internet

Việc nghiện internet, nghiện game online có thể xuất phát từ việc bản thân người nghiện ngay từ nhỏ ít được tham gia các hoạt động thể chất, tinh thần. Hoặc gặp áp lực lớn từ những người xung quanh như: áp lực thành tích học tập, áp lực cách cư xử, thường xuyên bị la mắng, đem ra so sánh với bạn bè cùng lứa… Lâu dần họ chọn cách lên môi trường mạng, chơi game online để thể hiện bản thân và giao tiếp với các bạn bè ảo trên đó.

BS CKII Trần Thanh Liêm, Trưởng khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế (Bệnh viện Tâm thần trung ương 2) giải thích, nghiện internet hoặc nghiện game online có thể dẫn tới giảm hiệu suất làm việc, học tập, các hoạt động hàng ngày bị trì trệ. Ngoài ra còn có thể khiến người nghiện gặp khó khăn trong các giao tiếp thực tế và bắt đầu sống nép mình với những người xung quanh.

Do đó, BS CKII Trần Thanh Liêm cho rằng, vai trò của các bậc cha mẹ trong việc hạn chế nguy cơ nghiện internet, nghiện game ở trẻ là rất quan trọng. Nhất là phải tạo môi trường học tập, sinh hoạt thoải mái cho trẻ. Đồng thời cần hướng dẫn trẻ cách sử dụng internet để học tập, giải trí hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi.

Ngoài ra, để ngăn ngừa nguy cơ nghiện internet, nghiện game ở trẻ, mỗi gia đình nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất, tinh thần ngay từ nhỏ. Vì cho con tham gia các trò chơi bổ ích, giao lưu trong môi trường lành mạnh sẽ giúp trẻ có lối sống tích cực. Hình thành được cách giao tiếp xã hội tốt, tránh việc “đắm mình” trong thế giới ảo.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ nghiện game

  Trẻ thích ở một mình trong phòng riêng để chơi game và chơi bất kỳ lúc nào có điều kiện.

  Tránh né các hoạt động gia đình, các hoạt động tập thể để có thời gian chơi game.

  Mất tập trung trong sinh hoạt, công việc, đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến chơi game. Thậm chí dồn tiền bạc để dành, ăn trộm tiền của gia đình để nạp vào game.

  Trong quá trình giao tiếp với bạn bè, người thân thường dùng các thuật ngữ liên quan trong game, nhất là các game hành động. Đặc biệt thích khoe các thành tích trong game, thích nói chuyện các chủ đề liên quan đến game đang chơi.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích