Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư công nghệ bảo quản sẽ nâng cao giá trị nông sản

04:07, 15/07/2023

Nông sản, trong đó có trái cây là sản phẩm tiềm năng của nông nghiệp nước ta. Hiện Việt Nam đang hướng tới xuất khẩu trái cây trên 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn rất yếu.

Nông sản, trong đó có trái cây là sản phẩm tiềm năng của nông nghiệp nước ta. Hiện Việt Nam đang hướng tới xuất khẩu trái cây trên 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn rất yếu. Theo PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT), để nâng cao giá trị cho nông sản cần phải đầu tư cho công nghệ bảo quản.

PGS-TS Phạm Anh Tuấn. Ảnh: V.Thế
PGS-TS Phạm Anh Tuấn. Ảnh: V.Thế

Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong việc tiếp cận các công nghệ mới.

Bảo quản sau thu hoạch vẫn là khâu yếu

* Thưa ông, nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch, nhất là rau củ quả vẫn chưa tốt, vậy đâu là hạn chế trong vấn đề này?

 - Tôi cho rằng dư địa cho phát triển của ngành hàng này còn rất lớn không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay cả ở thị trường trong nước nếu nâng cao được chất lượng cũng như đảm bảo được khâu sơ chế, bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch không chỉ giúp giảm tổn thất mà còn nâng cao chất lượng và giá trị cho nông sản, từ đó, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, những hệ thống bảo quản rau quả sau thu hoạch vẫn đang còn rất thiếu cả những trung tâm lớn về trái cây tươi là Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Điều này một phần do tiềm lực của các đơn vị trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn yếu, trình độ công nghệ chưa cao, nhất là những DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ, các HTX.

* Cụ thể, đó là vấn đề gì, thưa ông?

- Về số lượng, chúng ta có nhiều DN, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, nhưng như đã nói ở trên, trong đó đa phần là DN nhỏ tiềm lực yếu về vốn, công nghệ. Ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 8-10% sản lượng rau quả/năm. Cùng với đó, năng lực công nghệ, trình độ lao động, hạ tầng sản xuất, quy trình bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế. Đến nay, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, khoảng 20%, chi phí logistics chiếm đến 35-50%. Nếu cải thiện được những điều này, giá trị các mặt hàng nông sản của chúng ta sẽ có thêm cơ hội để nâng cao trên thị trường.

Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch là tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Viện có chức năng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách, phục vụ công ích, nghiên cứu ứng dụng; đào tạo sau đại học; chuyển giao công nghệ; sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp nông thôn, công nghệ sau thu hoạch nông nghiệp trên địa bàn cả nước.

* Ông có khuyến nghị gì với Đồng Nai để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, nhất là trong việc đầu tư vào công nghệ bảo quản?

- Có thể nói những năm qua, trái cây của Việt Nam đang có sự bứt phá, xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD. Mục tiêu của ngành Nông nghiệp Việt Nam đến 2030, xuất khẩu trái cây đạt từ 8-10 tỷ USD. Để làm được điều đó, các địa phương cần phải có chính sách hỗ trợ xuất khẩu. Trước hết là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm rau củ, trái cây của địa phương bằng việc có các giống mới, tập huấn kỹ thuật cho nông dân, chuyển giao công nghệ cho DN, trang trại... Và cần có sự kết nối giữa vùng sản xuất, nguyên liệu và các DN đầu tư chế biến sâu nông sản, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm trên thị trường.

Đồng Nai có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các sản phẩm rau quả, trái cây tươi hiện đang được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.  Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch có một số công nghệ phù hợp với địa phương như: sơ chế, bảo quản trái cây tươi; đối với dạng khô thì có công nghệ sấy, chiên; công nghệ đông lạnh... và sẵn sàng cung cấp, hỗ trợ cho các DN có nhu cầu.

Cần tạo điều kiện để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

* Với vai trò nhà khoa học, nghiên cứu theo ông để các nghiên cứu đi vào thực tiễn, cần có yếu tố nào?

 - Đứng ở góc độ nhà khoa học tôi thấy những nghiên cứu muốn đi vào thực tiễn thì trước hết từ các đề xuất, nhiệm vụ khoa học công nghệ (KH-CN) phải bám sát nhu cầu của xã hội. Trong những năm qua, các viện nghiên cứu, trường đại học đã hướng theo xu thế này và đã có cách tiếp cận phù hợp hơn, sát hơn với thực tiễn. Tuy vậy, để đưa được các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng có hiệu quả thì đối tượng tiếp nhận cũng rất quan trọng.

“Các kết quả nghiên cứu cần phải có được sự đặt hàng và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mới có hiệu quả. Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách nhằm thay đổi tiềm lực phát triển cho khối DN nhỏ và vừa để họ dễ tiếp cận công nghệ mới”.

Hạn chế của Việt Nam là đối tượng tiếp nhận chưa có sự phát triển đồng bộ, đặc biệt các DN nhỏ, vừa thì tiềm lực đầu tư còn thiếu, cơ sở hạ tầng chắp vá. Đây là điều khó khăn khi mà các kết quả nghiên cứu mới chỉ có thể ứng dụng được cho các DN vừa và lớn, nhưng những DN này nhu cầu đầu tư công nghệ cũng có hạn.

* Có nghĩa là phải có sự “đặt hàng” từ thực tế?

- Chúng tôi nghĩ rằng, các kết quả nghiên cứu cần phải có được sự đặt hàng và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mới có hiệu quả. Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách nhằm thay đổi tiềm lực phát triển cho khối DN nhỏ và vừa. Hiện tại, cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhà khoa học cũng như các DN đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ. Mặc dù vậy, đó cũng mới chỉ là bước đầu.

Chúng ta có thể học kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc..., khi hỗ trợ rất mạnh không chỉ cho DN chế biến nông sản mà cho các DN chế tạo máy công nghiệp, từ đó giúp hạ giá thành máy móc. Công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản cần có thêm chính sách ưu đãi phù hợp hơn, tập trung vào khối DN, đây là mắt xích trong chuỗi liên kết với HTX, nông dân.

Đồng Nai có nhiều mặt hàng trái cây có tiềm năng xuất khẩu nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch vẫn yếu
Đồng Nai có nhiều mặt hàng trái cây có tiềm năng xuất khẩu nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch vẫn yếu. Ảnh minh họa: V.Thế

* Vậy Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch hiện đang đẩy mạnh nghiên cứu những lĩnh vực nào, thưa ông?

- Với chức năng được giao, chúng tôi tập trung vào 2 lĩnh vực chính là cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và chế biến bảo quản sau thu hoạch, đồng thời có các hoạt động khác như: đào tạo, tư vấn, dịch vụ. Tuy vậy đối với 2 lĩnh vực nghiên cứu thì cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp hiện đang rất khó khăn. Khó khăn này xuất phát từ đặc thù cơ khí nói chung và cơ khí nông nghiệp của Việt Nam đang ở trình độ thấp, các sản phẩm nghiên cứu ra chưa có DN đầu tư tiềm năng để thương mại hóa. Chúng tôi vẫn đang phải tập trung nghiên cứu một số quy mô nhỏ, vừa, phù hợp cho đồng ruộng ở các khu vực đặc thù, ít có tính cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu khác đã phổ biến trên thị trường.

Viện chúng tôi cũng đang chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ hỗ trợ theo chương trình cấp Nhà nước của Bộ KH-CN. Ngoài chương trình cấp nhà nước, đối với Bộ NN-PTNT và các nhiệm vụ KH-CN ở các tỉnh, thành, viện cũng đã nhận được các đặt hàng, nghiên cứu và ứng dụng.

* Xin cảm ơn ông!

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều