Những tháng gần đây, nhiều loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ở tình trạng hết hoặc khan hiếm dẫn đến hàng ngàn trẻ trong độ tuổi trên địa bàn Đồng Nai chưa được tiêm ngừa. Nhiều phụ huynh lo lắng đã phải cho con tiêm vaccine dịch vụ, dù kinh tế khó khăn.
Những tháng gần đây, nhiều loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMRQG) ở tình trạng hết hoặc khan hiếm dẫn đến hàng ngàn trẻ trong độ tuổi trên địa bàn Đồng Nai chưa được tiêm ngừa. Nhiều phụ huynh lo lắng đã phải cho con tiêm vaccine dịch vụ, dù kinh tế khó khăn.
Hết vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhiều phụ huynh lo lắng nên đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu |
Theo lãnh đạo ngành Y tế, tình trạng thiếu vaccine kéo dài không chỉ khiến phụ huynh sốt ruột, mà ngành Y tế cũng rất lo lắng về khả năng bùng phát dịch bệnh do lỗ hổng miễn dịch cộng đồng.
* Sốt ruột vì ngóng vaccine
Đối với trẻ nhỏ tháng, vaccine 5 trong 1 (phòng các bệnh ho gà, uốn ván, bạch hầu, bệnh bại liệt hoặc bệnh do Hib gây ra) là rất quan trọng, nên vaccine này được tiêm cho trẻ bắt đầu từ 2 tháng tuổi và mũi cuối nhắc lại khi trẻ được 16-18 tháng tuổi. Thế nhưng, hiện có hàng ngàn trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều do vaccine này đã hết từ cuối năm 2022. Con gái 9 tháng tuổi của chị Mã Thị Anh Đào (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) là một ví dụ.
Đến nay, con gái chị Đào vẫn chưa được tiêm vaccine 5 trong 1 mà chỉ mới được tiêm vaccine ngừa viêm gan B và vaccine ngừa bệnh lao từ khi mới sinh. “Tôi rất lo lắng khi con chưa được tiêm vaccine 5 trong 1 để phòng các loại bệnh nguy hiểm. Chi phí tiêm dịch vụ cũng khá đắt đỏ so với thu nhập của vợ chồng tôi” - chị Đào bày tỏ.
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG khuyến cáo, trong giai đoạn thiếu vaccine TCMR phòng bệnh hiện nay, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm. Theo đó, cần thường xuyên rửa tay, nhất là trước khi tiếp xúc với trẻ; chủ động đeo khẩu trang khi có các triệu chứng của bệnh hô hấp; giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; thường xuyên lau rửa, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ để phòng bệnh… |
2 ngày cuối tuần 22 và 23-7, Trung tâm Tiêm chủng VNVC Đồng Nai (đóng tại P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) có rất đông phụ huynh đưa con đến tiêm vaccine 6 trong 1, viêm não Nhật Bản B và một số loại vaccine mà Chương trình TCMR đã hết. Nhiều phụ huynh cho biết, thực sự nếu không tiêm cho con thì rất lo lắng, mà tiêm dịch vụ thì giá nhiều loại vaccine không phải là rẻ.
Chị Phan Thị Hoàng Anh (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cùng chồng đưa con trai 7 tháng tuổi đến Trung tâm VNVC để tiêm vaccine 6 trong 1 với giá hơn 1 triệu đồng/mũi. Chị Hoàng Anh cho biết: “Ở đây giá vaccine 6 trong 1 của Pháp và Bỉ có giá hơn 1 triệu đồng/mũi. Tiêm đúng liều, cần đủ 4 mũi, như vậy sẽ tốn một khoản tiền khá lớn đối với thu nhập ít ỏi của vợ chồng công nhân như chúng tôi, nhưng vì sức khỏe của con mà phải cố. Hy vọng sớm có vaccine 5 trong 1 của chương trình quốc gia để con được tiêm những mũi còn lại, đỡ tốn kém”.
Thông tin từ Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa, từ tháng 11-2022 đến nay, vaccine 5 trong 1 đã hết hẳn; một số loại vaccine DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), sởi, MR (sởi - rubella), viêm não Nhật Bản B cũng khan hiếm vì được cấp về nhỏ giọt; hiện chỉ một số loại vaccine như: DTC, OPV, sởi, viêm não Nhật Bản là còn, nhưng số lượng cũng chỉ đủ tiêm trong 1 tháng nữa. Nguồn cung ứng vaccine trong Chương trình TCMR đang tạm thời gián đoạn và cũng chưa biết đến bao giờ những vaccine này sẽ được Bộ Y tế phân bổ, cung ứng về các địa phương.
* Không để tình trạng khan hiếm vaccine kéo dài
Theo Sở Y tế, hiện Đồng Nai đang thiếu hoặc chưa có các loại vaccine trong Chương trình TCMR quốc gia là: vaccine 5 trong 1, DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), sởi, MR (sởi - rubella), viêm não Nhật Bản B... Việc này không chỉ khiến phụ huynh sốt ruột mà ngành Y tế cũng rất lo lắng. Bởi nếu tình trạng thiếu hụt nhiều loại vaccine kéo dài, lo ngại sẽ tạo lỗ hổng trong miễn dịch cộng đồng, gây bùng phát dịch bệnh.
Theo Sở Y tế, lượng vaccine trong Chương trình TCMR Đồng Nai đang cần là hơn 607 ngàn liều, bao gồm các loại: lao - BCG, viêm gan B, bại liệt uống - OPV, bại liệt tiêm - IPV, DPT-VGB-Hib, sởi, sởi - rubella, DPT, viêm não Nhật Bản, uốn ván, rota. Trong đó, riêng vaccine rota (phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota) sẽ được triển khai từ đầu năm 2024. |
Trao đổi về tình trạng này, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, thiếu vaccine trong Chương trình TCMR là tình trạng chung của cả nước hiện nay. Thực ra, tình trạng khan hiếm vaccine trong Chương trình TCMR bắt đầu từ giữa năm 2022, điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến tiến độ tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều. Cuối năm 2022, một số loại vaccine TCMR được phân bổ cho các tỉnh, thành trong đó có Đồng Nai nhưng số lượng không lớn. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngay khi có vaccine, ngành Y tế Đồng Nai đã khẩn trương tiêm bù các mũi trong Chương trình TCMR cho trẻ trong độ tuổi phải hoãn tiêm trong năm 2022. Tuy nhiên, do lượng vaccine không nhiều nên đến thời điểm giữa tháng 5-2023, nhiều loại vaccine đã hết hẳn; số vaccine còn lại cũng chỉ còn đủ tiêm cho trẻ được đến tháng 8-2023.
Cũng theo BS Lê Quang Trung, việc tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine nhằm tăng cường miễn dịch cho trẻ là mục tiêu quan trọng của quốc gia nói chung và của Đồng Nai nói riêng. Hiện chưa có thông tin chính xác về thời gian cung ứng tiếp các loại vaccine đã hết từ Chương trình TCMR, tuy nhiên Sở Y tế đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện và thành phố rà soát, thống kê đối tượng tiêm chủng, xác định nhu cầu để Sở gửi văn bản cho Viện Pasteur TP.HCM về nhu cầu vaccine trong Chương trình TCMR năm 2023 và gối sang năm 2024, để Viện Pasteur tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, nhằm có phương án cung ứng vaccine cho Đồng Nai trong gian sớm nhất.
Ngày 10-7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình TCMRQG. Nghị quyết hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch, xác định nhu cầu vaccine theo từng chủng loại, cơ cấu vaccine cần thiết; danh mục, lộ trình tiếp nhận từng loại vaccine, đảm bảo lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình TCMR. Từ đó, làm cơ sở để xác định nhu cầu, bố trí kinh phí, quản lý và sử dụng vaccine theo quy định. Số vaccine này sẽ được Bộ Y tế phân bổ cho tất cả các địa phương trong cả nước như trước kia. Nghị quyết này sẽ gỡ khó cho các địa phương trước tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình TCMR, giúp ngành Y tế an tâm triển khai Chương trình TCMR, người dân được tiếp cận với vaccine miễn phí, đảm bảo trẻ được phòng bệnh đầy đủ.
Phương Liễu