Báo Đồng Nai điện tử
En

Cố thổ nan ly

09:07, 08/07/2023

Đoàn của Ban Trị sự chùa Ông (cù lao Phố, TP.Biên Hòa) dự lễ hội miếu Quan Thánh Đế quân tại Đông Sơn thuộc tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc ngày 29 và 30-6-2023.

Đoàn của Ban Trị sự chùa Ông (cù lao Phố, TP.Biên Hòa) dự lễ hội miếu Quan Thánh Đế quân tại Đông Sơn thuộc tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc ngày 29 và 30-6-2023.

Các đại biểu dự lễ hội tại miếu Quan Đế ở Đông Sơn (Phúc Kiến, Trung Quốc) ngày 30-6-2023. Ảnh: H.L
Các đại biểu dự lễ hội tại miếu Quan Đế ở Đông Sơn (Phúc Kiến, Trung Quốc) ngày 30-6-2023. Ảnh: H.L

Miếu Quan Đế Đông Sơn được khởi lập năm 1387, đã qua nhiều lần trùng tu. Sơn Đông là một huyện địa đầu hướng biển của tỉnh Phước Kiến, là trung tâm của lực lượng phản Thanh phục Minh thế kỷ XVII. Từ nơi đây, nhiều đoàn thuyền của người Hoa xuất phát rời Trung Hoa định cư tại nhiều nơi ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, miếu Quan Đế Đông Sơn được xem là “gốc” của miếu Quan Đế ở nhiều nơi khác. Người ra đi mang theo hình bóng tổ tiên, anh hùng dân tộc để phụng thờ, tạo miếu mới ở nơi mới. Lễ hội lần này, nhiều đoàn ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Taiwan hội về với tâm lý về nguồn.

Tham dự lễ hội, đoàn Đồng Nai nhận thấy: kiến trúc, bày trí, lễ tục, lễ vật nghi thức... sao mà thân quen quá! Có mối quan hệ nào chăng?

Ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Phó trưởng ban Trị sự Thất phủ cổ miếu (chùa Ông) nhớ lại: Năm 2007, khi đại trùng tu cổ miếu Thất phủ, Ban Trị sự phát hiện dưới bệ tượng thờ Ông có chôn một hũ gốm trong là đất. Các vị bô lão giải thích: Đó là đất “cố thổ” được mang theo từ bổn quán của các vị tiền bối khai mở lập miếu theo cổ tục của người xưa “cố thổ nan ly” (khó rời đất cố hương). Vì là vật thiêng nên Ban Trị sự hoàn vị (trả lại vị trí cũ). Câu hỏi bổn quán cụ thể là nơi nào còn treo đó.

Nay, dự lễ hội miếu Quan Đế Đông Sơn, một cảm nhận mơ hồ thức dậy. Thêm một cơ sở dẫn dắt suy nghĩ về nguồn gốc của hũ đất cố thổ. Qua trao đổi với ông Lưu Tiến Long, nguyên Chủ tịch Chính hiệp Đông Sơn, người lưu tâm nghiên cứu về Quan Công ở Đông Sơn, được biết: Năm 1661, tướng quân Trịnh Thành Công chủ trương phản Thanh phục Minh chuyển quân đến Đài Loan, giao Trần Thượng Xuyên cai quản vùng Cao - Lôi - Liêm, có đóng quân ở Đông Sơn. 18 năm sau (năm 1679), do không chịu được áp lực của nhà Thanh, Trần Thượng Xuyên tập hợp quân binh, gia quyến giong thuyền đến Việt quốc, tạo nên sự kiện người Hoa đến cù lao Phố khẩn hoang, lập miếu.

 Chuyến hải hành có thể xuất phát từ bến cảng Đông Sơn. Cuộc hành trình ly hương ắt đã được tính toán, chuẩn bị rất kỹ, từ vũ khí, nông cụ, thực phẩm, con giống đến hình bóng tổ tiên để phục thờ. Vì vậy, cổ tục “cố thổ nan ly” có thể đã được thực hiện, thỉnh đất ở miếu Quan Đế Đông Sơn.

Miếu Quan Đế Đông Sơn là miếu thiêng, thường có nhiều nhóm người Hoa đến cầu nguyện, thỉnh ý Đức Ông đi hướng nào, lúc nào; rồi thỉnh nắm đất, hoặc chân hương làm hành trang, đến vùng đất mới, lập miếu thờ mới. Miếu Quan Đế Đông Sơn là một trong tứ đại danh miếu thờ Quan Thánh Đế Quân ở Trung Quốc (tại Sơn Tây, Hồ Bắc, Hà Nam, Đông Sơn). Thời ấy, địa bàn Sơn Tây, Hồ Bắc, Hà Nam nằm trong vùng kiểm soát của nhà Thanh; việc Trần Thượng Xuyên thỉnh nắm đất cố thổ để ly hương thực hiện tại Đông Sơn là hợp lý.

Qua lý giải của ông Lưu Tiến Long, thêm một “lý sự” để củng cố niềm tin: Nắm đất “cố thổ” ở chùa Ông cù lao Phố có nguồn gốc từ Đông Sơn. Dẫu sao, đó cũng là cảm nghĩ từ suy luận. Muốn chứng thực khoa học, cần có thực chứng so sánh nắm đất “cố thổ” ở chùa Ông cù lao Phố với nắm đất “cố thổ” từ Đông Sơn thời nay. Nhưng việc không dễ vì hũ đất cố thổ đã được để lại nguyên vị dưới đất tại bệ thờ Ông ở chính điện.

Dẫu sao, cổ tục “cố thổ nan ly” cũng giúp ta hiểu được tâm tình hoài niệm cố hương của người xa xứ.

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều