Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần sự chia sẻ từ nhiều phía

08:07, 28/07/2023

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành có quy mô trường lớp và học sinh rất lớn, đứng thứ 5 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Điều này dẫn tới những áp lực rất vô hình cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trả lương giáo viên và nhiều vấn đề khác.

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành có quy mô trường lớp và học sinh rất lớn, đứng thứ 5 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Điều này dẫn tới những áp lực rất vô hình cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trả lương giáo viên và nhiều vấn đề khác.

Một lớp học quá tải tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa)
Một lớp học quá tải tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa)

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh: “Hàng năm, chỉ tính riêng hệ thống các trường công lập trong tỉnh đã chiếm tới 40% chi phí chi thường xuyên của tỉnh. May mắn là những năm qua, tỉnh đã làm khá tốt công tác xã hội hóa giáo dục nên đã bớt áp lực trường công và cho ngân sách”.

* Giảm gánh nặng cho ngân sách

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đi sớm trong phát triển xã hội hóa giáo dục so với cả nước. Đến nay, tỉnh đã có hệ thống giáo dục tư thục hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Đặc biệt, hệ thống các cơ sở giáo dục tư thục đã hình thành nhiều phân khúc, phù hợp với khả năng chi trả dịch vụ giáo dục của phụ huynh khác nhau. Trong số trên 900 cơ sở giáo dục, tỷ lệ các cơ sở giáo dục ngoài công lập của tỉnh chiếm trên 20%, đặc biệt tại TP.Biên Hòa số lượng các trường phổ thông tư thục đang chiếm tới 50% tổng số học sinh toàn thành phố.

Ông Đỗ Đăng Bảo Linh cho rằng, những năm qua, hệ thống trường tư thục đã góp phần chia sẻ áp lực rất lớn với hệ thống trường công lập. Lợi ích của xã hội hóa là Nhà nước có thể thu được tiền sử dụng đất, không phải đầu tư xây dựng trường lớp, không phải chi thường xuyên suốt quá trình hoạt động của các trường, trong đó có tiền trả lương cho giáo viên. Khi xã hội hóa tốt, ngành Giáo dục chỉ có nhiệm vụ là quản lý và hỗ trợ cho các trường tư thục hoạt động đảm bảo chất lượng và đúng theo quy định của pháp luật.

Phó giám đốc Sở Tài chính ĐẶNG THỊ KIM THẮM: Trên 40% tổng chi thường xuyên hàng năm dành cho giáo dục

Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến phát triển giáo dục. Minh chứng rõ nét nhất là hàng năm tỉnh đều dành nguồn lực rất lớn phân bổ cho sự nghiệp GD-ĐT, chiếm đến trên 40% tổng chi thường xuyên của tỉnh, tương đương 5.467 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có đủ các cấp học thuộc hệ thống trường tư thục từ mầm non đến đại học. Hệ thống các trường mầm non, phổ thông tư thục đã góp phần chia sẻ rất lớn những áp lực về sĩ số với hệ thống trường công lập. Nếu không có các trường tư thục thì những năm qua, thành phố có thể đã phải đầu tư cả ngàn tỷ đồng mới đủ số trường công lập để tiếp nhận hết số học sinh mà thành phố có.

Còn tại H.Trảng Bom, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thị Minh Châu cho biết, huyện đầu tư rất lớn cho giáo dục nhưng vẫn là chưa đủ so với sĩ số học sinh của huyện. Những năm trước, huyện tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng trường và tổ chức hoạt động dạy và học, trong đó có những ngôi trường liên cấp quy mô như: Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa, Trường TH-THCS-THPT Trịnh Hoài Đức, Trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn… Bên cạnh đó, huyện còn thu hút doanh nghiệp đầu tư và trực tiếp vận hành 1 trường mầm non dành cho con công nhân. Doanh nghiệp này ủng hộ kinh phí kết hợp với Nhà nước xây dựng 1 trường THCS với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

* Cần mở rộng cửa cho nhà đầu tư

Đồng Nai hiện có gần 200 cơ sở giáo dục tư thục được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, chiếm trên 20% tổng số cơ sở giáo dục toàn tỉnh (cả nước là 6,68%). Hiện số các trường tư thục trên địa bàn bàn đang chiếm tỷ lệ khoảng 20% tổng số học sinh toàn tỉnh. Ước tính số vốn thu hút đầu tư xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2016-2021 vào khoảng 1 ngàn tỷ đồng. Còn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn Đồng Nai tiếp tục có thêm nhiều nguồn lực xã hội hóa giáo dục.

Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục. Năm 2023, có 157/376 trường ngoài công lập ở bậc học mầm non, đạt tỷ lệ 41,7%; có 27/77 trường cấp THPT, đạt tỷ lệ 35,06%.

Điển hình là sự ra đời của Trường quốc tế Bắc Mỹ tại TP.Biên Hòa - ngôi trường quốc tế đầu tiên tại Đồng Nai. Nhiều nhà đầu tư về giáo dục tăng thêm vốn đầu tư mở rộng các trường, hoặc mua lại các trường, từ đó tiếp tục đầu tư, như: Hệ thống giáo dục IGC tiếp tục đầu tư mở rộng Trường TH-THCS-THPT Trịnh Hoài Đức (H.Trảng Bom), Tập đoàn Nguyễn Hoàng đầu tư vào Trường đại học Công nghệ Miền Đông và một trường phổ thông tại TP.Long Khánh. Hay Công ty CP Đinh Thuận tiếp tục đầu tư Trường
TH-THPT-THPT Đinh Tiên Hoàng 2 tại xã Tam An (H.Long Thành) và có kế hoạch tiếp tục xây dựng cơ sở tại H.Trảng Bom…

Hiện hệ thống các trường công lập ở một số địa phương đang trong tình trạng quá tải, trong khi đó đầu tư ngân sách thì hạn chế, nhất là tình trạng tăng thêm biên chế ngày một khó khăn. Do đó, việc khuyến khích thu hút xã hội hóa giáo dục ngày càng trở nên cấp bách. Khi “khơi thông” được dòng vốn đầu tư vào giáo dục sẽ tạo ra nhiều ngôi trường tư thục chất lượng tốt, từ đó giảm áp lực cho ngân sách. Muốn “khơi thông” được dòng vốn “chảy” vào giáo dục thì cần có quỹ đất sạch, thủ tục đầu tư thuận lợi để nhà đầu tư có thể triển khai các dự án nhanh chóng.

TP.Biên Hòa chuẩn bị đưa vào sử dụng 11 công trình trường học, trong đó có Trường tiểu học Tân Phong mới tại P.Tân Phong với quy mô 40 phòng học
TP.Biên Hòa chuẩn bị đưa vào sử dụng 11 công trình trường học, trong đó có Trường tiểu học Tân Phong mới tại P.Tân Phong với quy mô 40 phòng học

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho hay, thành phố muốn tiếp tục thu hút vốn đầu tư vào giáo dục, từ đó giảm áp lực cho ngân sách thành phố. Bởi hiện ngân sách thành phố chi cho giáo dục hàng năm, gồm đầu tư cơ sở vật chất, chi lương giáo viên và các hoạt động khác của ngành chiếm quá lớn tổng chi thường xuyên của thành phố. Nhưng khó nhất là quỹ đất, ở những nơi thuận tiện thì quỹ đất không còn, ở những nơi xa trung tâm thành phố, nhà đầu tư không mấy mặn mà.

Một nhà đầu tư có ý định xây dựng trường tư thục mới tại TP.Biên Hòa cho hay, việc tìm một khu đất đủ rộng để xây một ngôi trường quy mô rất khó. Khó nhất là quỹ đất quy hoạch giáo dục rất hiếm, vị trí không thuận lợi và giải phóng mặt bằng để có đất sạch cũng là vấn đề rất lớn. Nếu như tỉnh có chính sách thu hút giáo dục thì có thể tạo thuận lợi về thủ tục giao đất, thủ tục xây dựng… từ đó nhà đầu tư có thể giảm chi phí, đồng thời giảm học phí cho người học.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều