Báo Đồng Nai điện tử
En

Chúa Nguyễn Ánh đã tổ chức các kỳ thi tuyển chọn nhân tài ở đất Gia Định trước khi lên ngôi vua

09:07, 08/07/2023

Từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, để chọn người tài ra giúp chúa, giúp nước, các đời chúa Nguyễn đã tổ chức các kỳ thi tuyển chọn nhân tài.

Từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, để chọn người tài ra giúp chúa, giúp nước, các đời chúa Nguyễn đã tổ chức các kỳ thi tuyển chọn nhân tài.

Truyền thống này được kế tục trước khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi trở thành vua Gia Long năm 1802. Chính vì vậy, khi hình thành một triều đình phong kiến hoàn chỉnh, nhà vua có được sự phục vụ của những người cận thần thật sự có tài.

 Theo sách Đại Nam thực lục, ngay từ năm 1788, khi chúa Nguyễn Ánh chưa đánh bại được Tây Sơn (Chiến thắng giặc Thanh của vua Quang Trung vào năm Kỷ Dậu 1789 - NV) nhưng lúc ấy do nội bộ ba anh em nhà Tây Sơn lục đục và Đông Định Vương Nguyễn Lữ bất tài nên năm Mậu Thân 1788, chúa Nguyễn Ánh đã hoàn toàn kiểm soát được Gia Định và ngay trong năm này, nhà chúa đã tổ chức kỳ thi Nho học tam trường.

Dùng thi cử để tuyển chọn nhân tài có truyền thống lâu đời ở vùng đất chúa Nguyễn trị vì.

Trong sách đáng tin cậy Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục không có danh tính những người đỗ đạt trong kỳ thi này nhưng chính sử nhà Nguyễn ghi nhận những người đỗ đạt được bổ vào Hàn lâm viện và tên tuổi được biết đến khá nhiều, sau này trở thành những danh thần của triều Nguyễn thời Gia Long, Minh Mạng như: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tòng (Tùng) Châu, Lê Bá Phẩm, Phạm Ngọc Uẩn.

Theo sách Đại Nam thực lục thì đây là khoa thi đầu tiên tổ chức trên đất Nam bộ khi chúa Nguyễn Ánh kiểm soát quyền lực vùng đất này. Hành trạng Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tòng Châu đã rõ, còn Lê Bá Phẩm (1748-1823), người Gia Định, chức danh cao nhất là Thượng thư bộ Hình năm Minh Mạng thứ nhất 1820. Ông có người con trai là Lê Bá Đằng đậu Hương cống năm 1821, Quốc triều Hương khoa lục có tên.

Phạm Ngọc Uẩn, người dinh Phiên Trấn (?-1805), khi Nguyễn Ánh lên ngôi là vua Gia Long, bổ nhiệm phụ trách bộ Binh kiêm bộ Hộ, sau Trịnh Hoài Đức coi bộ Hộ, ông  phụ trách bộ Binh. Ông được xếp là Trung hưng công thần, được thờ phía Tây miếu Trung hưng công thần. Hai con ông là Phạm Ngọc Quang và Phạm Ngọc Oánh đều đỗ cử nhân.

Trước khi lên ngôi, chúa Nguyễn Ánh còn tổ chức các kỳ thi năm 1791, 1794, 1796. Năm 1796  là khoa thi cuối cùng khi còn là chúa chưa lên ngôi vua. Đậu Tam trường khóa này có 14 người, trong đó có Phạm Đăng Hưng được biết đến nhiều sau này và các sĩ tử đồng khoa như: Ngũ Khắc Minh, Trần Văn Đản, Nguyễn Văn Uyên…

Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 để tránh cái họa anh rể Trịnh Kiểm, ngay sau đó đã tổ chức các kỳ sát hạch để tuyển chọn nhân tài, vì lúc đó còn là tôi thần nhà Lê nên không tổ chức các kỳ thi như: thi Hương, thi Hội mà chỉ sát hạch gọi là Chính đồ.

Sau này, thi Chính đồ tổ chức trong 3 ngày nên có tên gọi mới là tam trường. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1740 định lại phép thi đến 4 kỳ, người đỗ gọi là Hương cống và được bổ làm tri phủ, tri huyện, huấn đạo… Đến đời Nguyễn Phúc Thuần mới có tên chính thức là thi Hương.

Như vậy thi cử thời chúa Nguyễn có truyền thống và đời sau kế tục đời trước. Thời chúa Nguyễn Ánh, những người đỗ đạt có công giúp triều đình, trong đó có 2 người trong Gia Định tam gia là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định. Sách Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam bộ không có tên Ngô Nhơn Tịnh mà có người cùng họ là Ngô Tòng Châu (uống thuốc độc tự vận khi theo Nguyễn Ánh và thua ở thành Quy Nhơn).

Vị thầy học lừng danh thời này là Võ Trường Toản, nhiều người đỗ đạt đều là học trò ông, trong đó có những tên tuổi lẫy lừng như: Phan Thanh Giản, trước đó là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định…

Trần Phi Châu

Tin xem nhiều