Đến nay, trên địa bàn Đồng Nai số lượng trường tư thục đã có mặt ở tất cả các cấp học với chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, cho thấy xã hội hóa giáo dục là hướng đi đúng đắn, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Đến nay, trên địa bàn Đồng Nai số lượng trường tư thục đã có mặt ở tất cả các cấp học với chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, cho thấy xã hội hóa (XHH) giáo dục là hướng đi đúng đắn, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Theo Sở GD-ĐT, so với cả nước, Đồng Nai là địa phương thực hiện tốt chủ trương XHH giáo dục. Việc phát triển hệ thống trường ngoài công lập đã chia sẻ áp lực với hệ thống giáo dục công lập, giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn về trường lớp, hình thức đào tạo. Thực tế nhiều trường tư thục ở Đồng Nai có chất lượng khá tốt được phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình theo học. Chất lượng “đầu vào” và “đầu ra” ngày càng được đảm bảo, từng bước khẳng định được uy tín, năng lực đào tạo.
Tuy nhiên, dù thu hút nguồn lực XHH khá tốt song ở những địa bàn đông dân như TP.Biên Hòa hay H.Trảng Bom, hệ thống trường lớp hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thậm chí, nhiều phường ở TP.Biên Hòa hiện vẫn chưa có đủ các cấp học, buộc học sinh phải đi học xa nhà vì không có sự lựa chọn nào khác. Đặc biệt, khi áp lực tăng dân số cơ học ngày càng cao trong khi trường lớp tăng thêm không đáng kể, “suất” vào trường công lập ngày càng khó khăn thì trường tư thục là lựa chọn của nhiều học sinh. Thế nhưng dù rất muốn có thêm trường lớp song nhiều địa phương đành ngậm ngùi vì quỹ đất sạch không còn để giao cho nhà đầu tư.
Một vấn đề khác cũng cần tháo gỡ trong XHH giáo dục, đó là Đồng Nai chưa có cơ chế, chính sách riêng cho lĩnh vực này. Những cơ chế, chính sách hiện có chưa thực sự thu hút mạnh các đơn vị, cá nhân có tiềm lực. Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư đã triển khai các dự án giáo dục trên địa bàn tỉnh, họ rất muốn mở rộng cơ sở của mình nhưng đất đai không còn, hơn nữa những chính sách về thuế, thủ tục hành chính… vẫn chưa được tạo điều kiện một cách tốt nhất. Do đó, dù vẫn biết tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục còn khá tốt nhưng họ đành chờ một cơ chế thông thoáng hơn để đảm bảo đầu tư đem lại hiệu quả tốt nhất.
Một trong những giải pháp mà Đồng Nai đặt ra trong XHH giáo dục, đó là khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tham gia đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, nói như Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kế hoạch của Tỉnh ủy về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Tỉnh ủy tổ chức vừa qua, chúng ta đang kêu gọi “suông”. Bởi thực tế, nhà đầu tư khi đã đầu tư vào bất kể lĩnh vực nào cũng đặt lợi ích là yếu tố quan trọng nhất.
“Nếu không có cơ chế, chính sách một cách hợp lý để thu hút nguồn lực đầu tư cho XHH, thì 5, thậm chí là 10 năm nữa, Đồng Nai sẽ không giải quyết được vấn đề tinh giản biên chế giáo dục và thiếu trường lớp vẫn là một hạn chế còn kéo dài nhiều, nhiều năm nữa” - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh.
Nguyễn Phượng