Báo Đồng Nai điện tử
En

Tục thờ cúng ông Địa

04:07, 15/07/2023

Ở Đồng Nai - Nam bộ, quan niệm Ngũ Tự chính thống ít phổ biến trong cộng đồng cư dân Việt, các thần Giếng (Tỉnh), thần Cổng (Môn) thần Cửa (Hộ), ít thấy được thờ cúng. Phổ biến nhất là các vị: Thổ Địa, Táo Quân, thần Tài, Thổ Kỳ, Thổ Chủ...

Ở Đồng Nai - Nam bộ, quan niệm Ngũ Tự chính thống ít phổ biến trong cộng đồng cư dân Việt, các thần Giếng (Tỉnh), thần Cổng (Môn) thần Cửa (Hộ), ít thấy được thờ cúng. Phổ biến nhất là các vị: Thổ Địa, Táo Quân, thần Tài, Thổ Kỳ, Thổ Chủ...

Ông Địa (còn được gọi là Thổ Công) là một dạng thần Đất được dân gian thờ cúng từ lâu đời. Cư dân Việt ở  Đồng Nai - Nam bộ thờ cúng ông Địa - Thổ Công khá phổ biến, thờ trong nhà là chủ yếu, còn thờ ở đình, ở miễu và cả ở trong chùa.

Ở trong nhà, ông Địa thường được thờ ở khám thờ dưới đất phía bên trái bàn thờ chính, vật thờ gồm: nhang, đèn, nước, và cốt tượng ông Địa. Trong sưu tập của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng, có 116 kiểu cốt tượng khác nhau về phong cách mỹ thuật nhưng tất thảy đều thể hiện nét chung của ông Địa: nét mặt vui tươi, lạc quan; bụng và vú to thể hiện sự sung mãn, tính nữ. Đó là biểu tượng của sự thịnh vượng và sinh sản. Điều này phản ánh đúng quan niệm của dân gian về ông Địa.

Thổ Công là tên gọi dân gian khác của Thổ thần, Thổ Địa, được hiểu là thần bảo hộ đất đai của một cộng đồng cư dân nhất định. Khi Thành hoàng được “Thiên tử” ban sắc và giao nhiệm vụ: “Hộ quốc tí dân”, thì  Thổ thần trở thành vị thần bảo hộ cộng đồng cư dân trong phạm vi nhỏ hơn làng xã, thậm chí là một mảnh ruộng, mảnh vườn, khu đình, đền, chùa... Nhờ vậy mà Thổ Địa gần với gia chủ hơn Thành hoàng. Trong tín ngưỡng dân gian, Thổ Địa là một vị gia thần vui vẻ, dễ tính, cần mẫn, thấu đáo mọi việc trong nhà, thiên về sinh sôi nảy nở, phụng sự, giúp đỡ hơn là ban phước và gây họa. Người địa phương gọi là ông Địa bởi xem vị thần này gần gũi như một người bạn, vừa là thiên thần vừa là nhân thần, ban phúc hơn là gây họa.

Ở ông Địa có những thuộc tính dân dã rất gần với sinh hoạt thường ngày của con người. Ông Địa là người mau mắn sẵn lòng giúp đỡ mọi người không nề hà việc hèn mọn hay cao cả, không cần phải khấn vái, cầu xin, chỉ cần một lời nhờ, gọi thông thường là đủ. Bởi vậy, ông Địa được nhờ giúp cả việc đỡ đẻ. Các bà mụ gặp trường hợp đẻ khó thường nói: “đẻ mau, mau mau ông Địa”. Ông Địa giúp cả việc dẫn vía trẻ nhỏ, chứng thực lễ thôi nôi, đầy tháng, tá thổ; thông thạo mọi ngõ ngách trong phạm vi mình quản lý cho nên thường là hướng dẫn viên cho việc tìm kiếm: “Tìm cây huê giếng nước” trong chặp Địa - Nàng, tìm đất tốt để gieo trồng, tìm vật bị đánh mất. Mỗi khi cần tìm vật gì người ta thường vái “ông bà, ông Địa”, ông Địa của cư dân Việt dường như có “họ hàng” với “Môn khẩu Thổ Địa tiếp dẫn Tài thần“ một vị thần cửa - “tiếp dẫn viên” của người Hoa.

Xung quanh ông Địa có nhiều truyện vui gắn với thuộc tính của ông. Ông dễ tính, vị tha nên bị đổ oan: Một cô gái chưa chồng chửa hoang, bị tra vấn, khai gian là do ông Địa, khi đẻ con ra, đứa trẻ bụ bẫm, hay cười, quả có giống ông Địa; thành ra có “nỗi oan ông Địa” dân gian thường dùng trong khẩu ngữ. Ông Địa cả tin, ngây thơ nên cũng dễ bị lừa. Có người buôn bán, cầu ông Địa phù hộ để buôn may bán đắt, hứa cúng con hai cẳng, con bốn chân rồi con tám chân; ông Địa nhiệt thành trợ giúp, đầy hy vọng; cuối cùng được cúng con “cua nướng”. Ông Địa vỡ lẽ, chỉ cười, thành ra có “nụ cười Ông Địa”, ông Địa có lúc nghịch ngợm, chơi khăm Hà Bá, bị Hà Bá đạp xuống sông, bị uống nước đến “cái bụng chình bình” như bây giờ. Và Địa cũng bị chơi khăm, do lỡ lời bị ông Táo đạp rớt xuống đất, đành chịu ngồi dưới đất cho đến nay... Tích truyện truyền khẩu về ông Địa khá nhiều, thường là những chuyện vui nhằm cắt nghĩa về tính cách vui nhộn, dễ tính của ông Địa.

Do thuộc tính dễ tính mà ông Địa hòa nhập với mọi giới (nông dân, thợ thủ công, thương nhân) được thờ cúng rộng rãi; thờ trong nhà, thờ cả trên ghe xuồng, trong chòi rẫy; người Công giáo cũng bắt đầu thờ ông Địa - thần Tài trong nhà.

Ngày vía của ông Địa chưa được giải thích đầy đủ, cư dân Việt ở Nam bộ giữ lệ cúng ông Địa vào ngày mùng 10 của 5 tháng đầu năm từ tháng Giêng đến tháng 5 âm lịch. Những ngày này ông Địa - Thổ Công - thần Tài được cúng hoa, chuối, chè xôi và các thứ bánh ngọt khác. Người ta kiêng cúng ông Địa bằng chè hoặc bánh tét có đậu đen vì có chuyện kể rằng, có kẻ trộm giống đậu đen đem về trồng quanh miễu Ông Địa, khi bị phát hiện hắn đổ oan cho Ông Địa. Ông Địa bị tội oan, từ đó rất ghét đậu đen. Vào các ngày mùng 2 và 16 âm lịch hàng tháng ông Địa cũng được khấn cúng với lễ vật tùy tâm của gia chủ. Có người cho rằng từ tháng 6 âm lịch Thổ Địa đi tu cho nên không phải cúng. Cách giải thích đượm màu sắc Phật giáo như thế vẫn chưa lý giải được vì sao phải cúng vào ngày mùng 10. Theo Huỳnh Ngọc Trảng, lệ cúng ông Địa ngày mùng 10 âm lịch có lẽ xuất phát từ quan niệm cổ truyền “ngày mồng chín sinh trời, ngày mùng mười sinh đất”. Ông Địa là thần Đất nên được cúng trong ngày vía đất, 5 tháng đầu năm có lẽ là chu kỳ “thai nghén để sinh sản của đất” cho nên ông Địa được cầu cúng đáo lệ mỗi tháng.

Có lẽ vì ông Địa là vị thần dân dã dễ tính, dễ thờ cúng, sát hợp với tín ngưõng của nhiều giới cho nên hiện tượng thờ cúng ông Địa phổ biến ở Đồng Nai - Nam bộ, thâm nhập vào thần điện của Phật giáo và đình thờ, được một số giáo dân dung nạp thờ trong nhà, đang có xu hướng lan tỏa khắp cả nước, và ông Địa ngày càng tăng vị thế của mình trong giới thị dân.

Ong Mật

Tin xem nhiều