Sau khi Báo Đồng Nai cuối tuần đăng bài Tục thờ cúng ông bà của người Việt ở Đồng Nai - Nam bộ, bạn đọc có nêu nhiều câu hỏi, tác giả bài báo xin giải đáp để làm rõ thêm.
Sau khi Báo Đồng Nai cuối tuần đăng bài Tục thờ cúng ông bà của người Việt ở Đồng Nai - Nam bộ, bạn đọc có nêu nhiều câu hỏi, tác giả bài báo xin giải đáp để làm rõ thêm.
Bàn thờ gia tiên của gia đình Việt. (Ảnh: Vietnam+) |
* Hiện vật bày ở bàn thờ gồm những gì, có ý nghĩa như thế nào?
Bày ở bàn thờ trong nhà thường có: Cặp chân đèn tượng trưng cho nhật nguyệt quang minh; bát nhang; Khay trầu rượu thường là "bát đèn khay vuông" tượng trưng cho sự vuông tròn của trời đất. Lư hương tròn như là thái cực; "bình bông" ở bên trái và "chò quả tử” ở bên phải (đông bình tây quả), một giá gương ghi họ hoặc một chữ nho biểu niệm như: Phước, Thọ, Khang, Đức... Chất liệu của đồ thờ chủ yếu bằng gỗ quý, gốm sứ và đồng. Những nhà khá giả bày đồ thờ bằng đồng theo bộ tam sự, (3 món: chân đèn, lư hương, bình bông), ngũ sự (5 món gồm tam sự có thêm cặp hạc - rùa và hộp trầu), thất sự (bảy món gồm ngũ sự có thêm hai món khác). Tủ thờ, vật thờ bằng gỗ, thường được chạm cẩn xà cừ tinh xảo, đồ đồng luôn giữ bóng, đồ gốm sứ càng cổ càng quý giá.
* Vì sao có nơi còn nhắc đến “giường thờ” trong gia đình?
Người Đồng Nai - Nam bộ còn gọi bàn thờ là giường thờ vì tục xưa giữ nguyên giường nằm của người chết kê thờ ở vị trí của bàn giỗ, trên giường bày các vật dụng thường dùng sinh thời như: Gối, mền, kỷ trà, quạt... Khi cúng giỗ, đồ cúng được bày trên chiếc giường này. Dần dần, giường thờ và vật thờ được thu nhỏ, mang ý nghĩa tượng trưng, rồi sau này thể hiện thành bàn giỗ như hiện nay. Người địa phương có câu hát:
Ngó lên nhang tắt, đèn mờ
Mẫu thân đâu vắng giường thờ quạnh hiu.
* Hoành phi - câu đối trong gian thờ có ý nghĩa gì?
Thờ phụng ông bà không chỉ ở bàn thờ mà còn thể hiện ở việc bài trí hoành phi, câu đối/liễn đối trong nhà. Nhà khá giả của cư dân Việt xưa thường có hoành phi treo cao ở giữa nhà với các đại tự (chữ nho) thông dụng: Kính như tại, Phúc mãn đường, Đức lưu phương (quang), Danh vạn đại, Vạn sự thành, Chấn gia thinh, Đức huệ hương…
Cùng với hoành phi thường có các liễn đối treo song song thành cặp sau hoặc trước bàn thờ, bằng chữ Hán, Nôm hoặc Quốc ngữ. Cặp đối phổ biến thường thấy ở gia đình người Việt Đồng Nai - Nam bộ có nguồn gốc Trung bộ:
Tổ công phụ đức thiên niên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh.
Hoành phi, liễn đối trong nhà cư dân Việt không phải chỉ để trang trí mà trong đó kết tinh tinh thần, ý chí, truyền thống, nguyện vọng của ông bà để lại được con cháu trân trọng giữ gìn và lấy đó làm nền tảng cho sinh hoạt gia đình; xem đó là di sản của gia đình, như là “nghị quyết” của gia đình.
Huỳnh Văn Tới