"Bố", "Bố Tư" - không ít người sẽ ngạc nhiên khi đọc lên dòng chữ ấy, nghe cách gọi tên ấy trong một cơ quan nhà nước. Nhưng với chúng tôi, những lớp cán bộ Bảo tàng Đồng Nai (BTĐN) thập niên 80-90 của thế kỷ trước, đây là cách gọi phổ biến xuất phát từ lòng thương yêu, kính trọng nhưng cũng hết sức gần gũi, thân tình dành cho vị giám đốc khả kính có cái tên không kém phần độc đáo: Đỗ Bá Nghiệp.
“Bố”, “Bố Tư” - không ít người sẽ ngạc nhiên khi đọc lên dòng chữ ấy, nghe cách gọi tên ấy trong một cơ quan nhà nước. Nhưng với chúng tôi, những lớp cán bộ Bảo tàng Đồng Nai (BTĐN) thập niên 80-90 của thế kỷ trước, đây là cách gọi phổ biến xuất phát từ lòng thương yêu, kính trọng nhưng cũng hết sức gần gũi, thân tình dành cho vị giám đốc khả kính có cái tên không kém phần độc đáo: Đỗ Bá Nghiệp.
Với “Bố Tư”, bảo tàng không chỉ là cái “duyên” mà còn là “nợ” bởi nó luôn đeo bám ông mãi không rời. Hơn 20 năm làm Giám đốc Bảo tàng, nghỉ hưu từ năm 1997, nhưng cho đến cuối cuộc đời, vị giám đốc đầu tiên của BTĐN vẫn không sao thôi nghĩ về hoạt động của bảo tàng, về tương lai của bảo tàng bởi nó đã trở thành máu thịt, là một phần cơ thể, là gia sản của ông trong những tháng năm dài dồn hết tâm lực để gầy dựng, tạo lập nên một BTĐN vốn khởi nguồn từ con số 0.
Lúc nào ông cũng nhớ, cũng canh cánh nỗi lo về tuổi thọ của các bộ sưu tập hiện vật, về công tác trưng bày bảo tàng, về định hướng sưu tầm hiện vật theo các chuyên đề, về những con người làm công tác bảo tàng… Nỗi lo, nỗi nhớ bảo tàng cứ bám riết vào suy nghĩ của ông một cách thường trực, len lỏi vào trong giấc ngủ, đi cả vào giấc mơ. Nhiều đêm ông chợt tỉnh giấc, rồi thao thức trắng đêm bởi nỗi nhớ đến nao lòng những bạn bè, đồng nghiệp chí nghĩa chí tình đã kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ cùng ông xây dựng bảo tàng; nhớ như in những chuyến điền dã cơ sở sưu tầm hiện vật biết bao vất vả mà lương thực mang theo chỉ có cơm nắm muối mè; nhớ những con người, những chủ nhân hiện vật đầy ắp ân tình sẵn lòng trao tặng kỷ vật quý giá của mình cho bảo tàng mà không đòi hỏi sự đền ơn đáp nghĩa nào…
Thời gian trước, trên chiếc xe máy cổ lỗ sĩ, ông thường đến bảo tàng. Rồi những chuyến đi như thế cứ thưa dần vì sức khỏe. Chúng tôi nhiều lúc “thót tim” bởi những cuộc gọi điện thoại đột ngột của ông mà mục đích cũng chỉ hỏi về tình hình hoạt động của bảo tàng, về hiện vật, về các chủ nhân hiện vật ngày ấy bây giờ còn mất ra sao… Mỗi lần đến nhà thăm, ông vẫn hay nhắc lại câu đã nói với chúng tôi nhiều lần: “Bố có mất, lúc đưa đi, nhớ đưa ngang qua bảo tàng để bố “nhìn” lại bảo tàng lần cuối”. Nghe mà nhói lòng!
Tuyết Hồng