Báo Đồng Nai điện tử
En

TS Nguyễn Tri Thức, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Chuyên đề và chuyên san, Tạp chí Cộng Sản: Chuyển đổi số trong báo chí đang diễn ra rất mạnh mẽ

07:06, 17/06/2023

Sau đại dịch Covid-19, hoạt động báo chí trong nước có bước chuyển mình mạnh mẽ với nhiều đổi mới theo hướng tích cực được công chúng đánh giá cao.

Sau đại dịch Covid-19, hoạt động báo chí trong nước có bước chuyển mình mạnh mẽ với nhiều đổi mới theo hướng tích cực được công chúng đánh giá cao.

Nhà báo Nguyễn Tri Thức. Ảnh: NVCC
Nhà báo Nguyễn Tri Thức. Ảnh: NVCC

Theo nhà báo Nguyễn Tri Thức, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Chuyên đề và chuyên san, Tạp chí Cộng Sản, chuyển biến ấy chính là chuyển đổi số (CĐS) trong báo chí.

Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, trên nhiều nền tảng

* Vừa trực tiếp làm nghề, vừa tham gia công tác giảng dạy tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam, ông có nhận xét như thế nào về CĐS báo chí hiện nay ở nước ta?

- Trong vòng 5 năm trở lại đây, CĐS báo chí diễn ra rất mạnh mẽ. Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước đó, Bộ TT-TT ban hành một số văn bản liên quan đến CĐS báo chí và mới đây là  Kế hoạch Hành động thực hiện chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cơ sở để các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương thực hiện CĐS rất quyết liệt, nhanh, hiệu quả.

Dễ thấy nhất là tất cả các tòa soạn, kể cả tạp chí cũng đều CĐS. Nhờ CĐS, thông tin được cập nhật nhanh hơn, trên nhiều nền tảng khác nhau, giúp công chúng nắm bắt thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng, chính xác, góp phần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm báo chuyên đề, nhà báo NGUYỄN TRI THỨC cho biết, yêu cầu làm báo dạng chuyên đề là phải tích hợp được nhiều thể loại báo chí, nội dung thông tin sâu, lắng đọng, trong đó có phân tích, bình luận thấu đáo, khách quan về một chủ đề nào đó. Điều quan trọng khi làm báo dạng chuyên đề là phải chọn được chủ đề phù hợp đồng thời tổ chức nhiều thể loại báo chí, trình bày nhiều cửa sổ, infographic…

* Theo ông, CĐS tác động như thế nào đối với báo chí?

- Tác động mạnh nhất của CĐS với báo chí là cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, trên nhiều nền tảng cho công chúng.

Tôi không có điều kiện khảo sát tất cả các tờ báo nhưng với những gì tôi thấy, tôi tìm hiểu và biết thì trên mặt bằng chung, báo chí đổi mới rất mạnh mẽ. Ngay cả những tạp chí có lịch sử ra đời lâu năm vốn làm theo kiểu truyền thống nay cũng triển khai làm việc theo mô hình tòa soạn hội tụ, đồng thời đều có phiên bản online để tiếp cận công chúng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình CĐS, dễ nhận thấy là không phải tất cả các cơ quan báo chí đều có hạ tầng tốt, đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu CĐS tốt nên nhiều cơ quan báo chí CĐS còn máy móc, kiểu làm theo, thụ động, thiếu sự sáng tạo, thiếu bản sắc của cơ quan báo chí nên còn những cái na ná giống nhau.

* Có điều kiện đi giảng dạy ở nhiều địa phương trong cả nước, ông nhìn nhận tình hình CĐS báo chí ở các địa phương ra sao?

- Thực ra là các cơ quan báo chí giờ không có ranh giới nhiều. Nhiều cơ quan báo chí ở địa phương được đầu tư khá lớn về kinh phí để CĐS mạnh mẽ. Ví dụ như một số báo Đảng địa phương mà tôi biết, ngoài tờ báo in còn được đầu tư rất lớn để làm trường quay, làm truyền hình trên báo mạng điện tử.

Hầu hết các cơ quan báo chí đều tích hợp đa loại hình báo chí trong cùng một tòa soạn, không có sự phân biệt, ranh giới. Nhờ thường xuyên được đầu tư, đổi mới nên có thể thấy, ngày càng nhiều báo địa phương có chất lượng rất tốt, đáp ứng được yêu cầu của CĐS và công chúng.

Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, nhà báo Nguyễn Tri Thức (bìa phải) có thể nhập dữ liệu, ghi âm, quay phim, làm podcast... phục vụ hoạt động chuyên môn của mình
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, nhà báo Nguyễn Tri Thức (bìa phải) có thể nhập dữ liệu, ghi âm, quay phim, làm podcast... phục vụ hoạt động chuyên môn của mình

Yêu cầu nhà báo phải đa di năng

* Trong điều kiện CĐS đang phát triển mạnh mẽ, nhà báo không chỉ yêu nghề, đam mê mà theo ông cần trang bị thêm những kỹ năng gì?

- Nhà báo, việc đầu tiên là phải có trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị. Nhưng nhà báo hiện nay thì không chỉ có những yếu tố đó, ngoài đam mê, dấn thân, sự hiểu biết thì cần phải biết kỹ thuật, khoa học công nghệ, phải sử dụng được nhiều loại hình thiết bị. Bây giờ không chỉ có cây bút với quyển sổ nữa mà 1 cái điện thoại thông minh cũng có thể tác nghiệp cả quay phim, chụp ảnh, video, podcast… Yêu cầu nhà báo phải đa di năng, nghĩa là loại hình nào cũng làm được.

Tôi thường xuyên theo dõi Báo Đồng Nai và thấy đây là tờ báo rất chịu khó cải tiến về mặt nội dung và hình thức, có nhiều tác phẩm báo chí đầu tư công phu, tâm huyết và có sự sáng tạo, mang chất riêng của tờ báo Đảng địa phương.

* Theo ông thì đội ngũ nhà báo hiện đã đáp ứng được những yêu cầu này chưa?

- Để đáp ứng được thì chưa nhưng đa số các cơ quan báo chí đều trang bị cho đội ngũ của mình, nhất là những vị trí cần thiết để đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, việc đào tạo chưa rộng khắp vì không phải nhà báo nào cũng có thể viết được các thể loại báo chí khác nhau, không phải nhà báo nào cũng biết quay phim, chụp ảnh, làm truyền hình…

Về lâu dài, theo tôi vẫn là phải quan tâm đến công tác đào tạo. Những đối tượng đang làm việc phải đào tạo hoặc đào tạo lại còn nhân lực mới tuyển thì yêu cầu ngay từ đầu phải hội đủ yêu cầu này. Theo lộ trình, tất cả các nhà báo đều có thể tác nghiệp tốt trong môi trường số.

* Thời gian qua, một số nhà báo bị bắt do vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp của nghề báo. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

- Theo tôi, nguyên nhân chính là do công tác quản lý nhà nước chưa siết chặt, như với các cơ quan báo chí có nhiều phóng viên vi phạm như vậy thì cần có hình thức xử lý mạnh tay hơn để nâng cao tính răn đe. Không có lý gì, phóng viên bị bắt mà tòa soạn không liên quan được.

Một nguyên nhân, theo tôi có lẽ là do hiện nay, nhiều cơ quan báo chí phải thực hiện tự chủ nên chịu sức ép khá lớn về kinh phí duy trì hoạt động, vì thế dễ vi phạm tôn chỉ mục đích. Phóng viên ở những cơ quan báo chí này phải đi “xin”, rồi “ép”, tống tiền doanh nghiệp, thậm chí hình thành cả đường dây, nhóm để hoạt động.

Tuy trường hợp nhà báo bị bắt chỉ là cá biệt nhưng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của báo chí nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Vì xảy ra những vụ việc này nên con mắt của người dân nhìn báo chí và nhà báo có khác đi, báo chí mất đi vai trò, vị thế, uy tín của mình. Do đó, cần làm quyết liệt, nhất là công tác quản lý về báo chí, đồng thời kêu gọi đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cũng như chăm lo tốt hơn đời sống phóng viên trong các cơ quan báo chí.

* Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Phượng (thực hiện)

Tin xem nhiều