Báo Đồng Nai điện tử
En

Mỹ thuật công cộng trong không gian văn hóa

09:06, 10/06/2023

Mỹ thuật công cộng là một phần của đời sống con người, được thể hiện qua các lễ hội, công trình điêu khắc đình làng, đền miếu, chùa, khu vui chơi giải trí và không gian văn hóa đô thị.

Mỹ thuật công cộng là một phần của đời sống con người, được thể hiện qua các lễ hội, công trình điêu khắc đình làng, đền miếu, chùa, khu vui chơi giải trí và không gian văn hóa đô thị.

Thanh niên đến vui chơi trong không gian mở của công viên Biên Hùng. Ảnh: HUY NGUYỄN
Thanh niên đến vui chơi trong không gian mở của công viên Biên Hùng. Ảnh: HUY NGUYỄN

Hiện nay, vấn đề mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng đang thể hiện nhiều bất cập trong sự kết hợp giữa không gian cảnh quan với kiến trúc, điêu khắc ngoài trời hay các công trình tranh hoàng tráng, làm hạn chế khả năng tương tác với cộng đồng.

* Biên Hòa rất ít các công trình làm “điểm nhấn”

Lấy ví dụ không gian văn hóa của TP.Biên Hòa. Chưa có công trình nghiên cứu hiện trạng mỹ thuật trên địa bàn nhưng có thể thấy, rất ít các công trình có chất lượng tại quảng trường, công viên, vườn hoa công cộng... làm “điểm nhấn” biểu trưng cho nét văn hóa, thẩm mỹ của Biên Hòa.

Mới đây, công viên Biên Hùng được giải tỏa đã phần nào cải thiện không gian văn hóa khu vực trung tâm nhưng nhìn tổng thể thì khu vực này cần được sắp xếp, cấu trúc lại cho đẹp và phù hợp. Thiếu cây xanh trên những trục đường chính; các dải phân cách được trồng hoa và cắt tỉa cây tạo dáng nhưng hàng chục năm nay vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu, không có sự thay đổi.

Đồng Nai đang trong quá trình hội nhập, tất yếu phải mở rộng quy mô các thành phố, thị xã, khu dân cư, trường học, siêu thị... Việc xây dựng môi trường đô thị văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội là cấp thiết đối với các cấp chính quyền.

Chính quyền thành phố đã nỗ lực cải tạo, nâng cấp cảnh quan đô thị và môi trường sống cho người dân như: thay gạch lát vỉa hè, chỉnh trang đường, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng... Tuy nhiên, các công viên của TP.Biên Hòa hầu như vắng bóng các tác phẩm điêu khắc, hội họa, đồ họa có chất lượng nghệ thuật và phù hợp với không gian ngoài trời.

Để làm mới diện mạo, thành phố cần được quy hoạch, xây dựng các công trình nghệ thuật công cộng, duy tu, bảo dưỡng và quản lý để nghệ thuật công cộng phát huy được các giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa lịch sử, góp phần xây dựng không gian văn hóa xứng với tầm vóc của đô thị loại I. 

Nhìn bao quát tỉnh Đồng Nai, hầu hết các công trình, tác phẩm điêu khắc đều được xây dựng ở những điểm di tích lịch sử, khuôn viên công sở, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang... trong đó chủ yếu là các công trình thể hiện đề tài nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử với chất liệu xi măng, bê tông cốt sắt, đá...

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai trước đây từng tổ chức trại sáng tác điêu khắc, thu được vài chục tác phẩm có chất lượng, tuyển chọn và trưng bày vườn tượng tại Khu di tích Bà Hào. Nhưng việc vườn tượng bố trí ở nơi khá xa khu dân cư, thưa vắng người qua lại đã hạn chế sự tương tác, hiệu ứng xã hội dù có thể coi vườn tượng là điểm nhấn trong hoạt động du lịch.

Tương tự như vậy, các tượng danh nhân khu vực bờ hồ đối diện Văn miếu Trấn Biên chưa thật sự phát huy tác dụng do cảnh quan còn thô sơ, tổng thể chưa hoàn chỉnh. Để phát huy giá trị nghệ thuật của vườn tượng, chủ sở hữu hoàn toàn có thể nghĩ đến việc xây dựng hệ thống cây xanh, thảm cỏ, đèn chiếu sáng... vừa tôn lên giá trị của các tác phẩm điêu khắc, vừa kết hợp với cảnh quan thiên nhiên để tạo nên tổng thể đẹp từ nhiều hướng. Như vậy, công chúng và khách du lịch có thể tham quan, chụp hình lưu niệm đám cưới, sinh hoạt gia đình, đi picnic... giúp cho những tác phẩm điêu khắc được chế tác công phu, phong phú về ý tưởng khỏi bị lãng phí và phát huy được giá trị nghệ thuật công cộng. 

* Thiếu các công trình điêu khắc hoành tráng mang tính biểu tượng

Hiện nay hệ thống biển hiện, quảng cáo, đèn trang trí, các công trình kiến trúc, thiết bị tập thể thao, vui chơi ở công viên TP.Biên Hòa và các thành phố, huyện còn còn thiếu tính thẩm mỹ, cần được căn chỉnh. Trào lưu “làm đẹp” bằng cách vẽ các bức bích họa lên tường nhà, tường cơ quan, đơn vị... đang được các địa phương trong cả nước quan tâm. Nhiều nơi vận động, hướng dẫn người dân thiết kế các con hẻm văn hóa với hoa lá, cây xanh, nhà nào có vườn, cổng nhà thiết kế đẹp đạt chuẩn thì được gắn biển công nhận nhà đẹp, nhà kiểu mẫu. Những việc làm này tuy nhỏ nhưng góp phần truyền cảm hứng sống tích cực đến cộng đồng, đồng thời góp thêm sắc màu cho không gian sống của con người.

Tuy nhiên, cần lưu ý là ở một vài địa phương nghệ thuật tranh đường phố, nhất là tranh graffiti vẽ trên tường nhằm chia sẻ các thông điệp về cuộc sống nhưng nội dung và hình thức thể hiện lại theo cảm tính, chủ quan, mang tính tự phát, không phù hợp với nhận thức của người dân. Chẳng hạn vừa qua, ở một làng chài miền Trung, bà con phản đối các bức bích họa, vì cho rằng nó không đúng với hiện thực ở làng chài, kết quả thay vì làm đẹp cảnh quan thì bích họa lại phản tác dụng.

Xây dựng không gian văn hóa thành công sẽ phục vụ tốt hơn đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao trình độ thẩm mỹ của cộng đồng, góp phần vào việc xây dựng và phát triển văn hóa - nghệ thuật Việt Nam.

Tác phẩm nghệ thuật được trưng bày ngoài trời có sự tương tác rất mạnh với người thưởng lãm. Vì vậy, mỹ thuật công cộng cần có kết hợp hài hòa giữa kiến trúc với điêu khắc, lồng ghép các hình ảnh mô tả lịch sử, các truyền thuyết, huyền thoại đậm nét văn hóa dân tộc. Ở nước ta, công trình mỹ thuật hoành tráng hầu hết là các danh nhân, anh hùng dân tộc, sự kiện lịch sử, được sáng tạo theo phương pháp tả thực, nhằm đảm bảo tính lịch sử và đặc trưng của các nhân vật. TP.Biên Hòa và các đô thị của Đồng Nai còn thiếu các công trình điêu khắc hoành tráng mang tính biểu tượng, kết hợp giữa hình khối kiến trúc và điêu khắc, thể hiện đề tài về văn hóa lịch sử vùng miền, nét đẹp thẩm mỹ đặc trưng của thành phố công nghiệp miền Đông Nam bộ.

* Một số giải pháp phát triển mỹ thuật công cộng

Các nhà quy hoạch đô thị luôn quan tâm đến không gian văn hóa cộng đồng từng khu vực, các công viên, vườn hoa, quảng trường, những trục đường chính của đô thị, đó là nơi lý tưởng để sắp đặt các công trình nghệ thuật công cộng. Biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa, hiệu ứng nhà kính... đòi hỏi đô thị phải có nhiều cây xanh, nhiều công trình mỹ thuật tương xứng với sự phát triển của đời sống vật chất và tinh thần của người dân, qua đó thể hiện trình độ dân trí, nấc thang văn minh của xã hội.

Để phát triển mỹ thuật công cộng và xây dựng không gian văn hóa, xin đề xuất một số giải pháp:

- Chính quyền địa phương cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, quy hoạch, xây dựng các công trình mỹ thuật nhằm tạo dấu ấn riêng. Cần thiết thì mời chuyên gia về mỹ thuật đô thị tư vấn, tổ chức các cuộc thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật không gian đô thị dành cho các họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, các nhà quản lý văn hóa tham gia để có cái nhìn đa dạng hơn về không gian đô thị. Sự kết hợp hài hòa giữa tác phẩm mỹ thuật ngoài trời với công trình kiến trúc hiện hữu sẽ tạo nên không gian văn hóa đẹp và ấn tượng.

 - Tổ chức triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu chuyên đề nhằm tạo điều kiện cho người dân và du khách trong, ngoài tỉnh được thụ hưởng, nâng cao hiểu biết về các loại hình văn hóa, nghệ thuật của địa phương. Xây dựng không gian văn hóa cần có trọng điểm, không nên dàn trải, đồng thời phải hiện đại hóa các công trình văn hóa, lịch sử, tiện lợi cho người dân khi đến tham quan.

- Nên đổi mới hình thức trưng bày trong các bảo tàng nhằm thu hút người xem qua không gian mạng, trong đó tập trung đầu tư vào bảo tàng ảo để bất cứ thời điểm nào người dân cũng có thể vào xem và tìm hiểu, học tập.

Với sự thay đổi nhận thức, quan niệm xã hội theo hướng mở, không gian văn hóa không chỉ là những tác phẩm mỹ thuật hoành tráng, công viên, đường phố mà còn thể hiện qua lễ hội âm nhạc, festival nghệ thuật đường phố... Nếu làm tốt việc quy hoạch và có sự phối hợp giữa các ngành chức năng thì không gian văn hóa cộng đồng có thể thu hút du khách trong, ngoài tỉnh. Gần đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có chủ trương chọn công viên Biên Hùng, công viên Dương Tử Giang, khu vực Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh để xây dựng không gian văn hóa, hình thành con đường phù điêu gốm, khu vực biểu diễn nghệ thuật, đường sách... Đó là tín hiệu rất đáng mừng. Hy vọng những địa điểm nói trên sẽ là nơi các nghệ sĩ đến từ nhiều loại hình nghệ thuật thể hiện tài năng và sức sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Tiến sĩ - họa sĩ Đoàn Minh Ngọc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích