Từ năm 2009, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường đại học phải công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp và đưa thông tin này lên website của nhà trường.
Từ năm 2009, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường đại học phải công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp và đưa thông tin này lên website của nhà trường. Yêu cầu này nhằm công khai những thông tin liên quan đến tình hình sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm việc làm ra sao, từ đó làm căn cứ cho công tác tuyển sinh, là kênh tham khảo quan trọng đối với học sinh phổ thông trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề, trường sẽ theo học.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc thực hiện yêu cầu này của các trường khá hình thức. Không ít trường bỏ trống hoặc làm cho có, thông tin rất chung chung, như đa số sinh viên sau tốt nghiệp đều có việc làm, đúng ngành nghề đào tạo, trong số đó có những em được các tập đoàn lớn tuyển dụng… Có trường kỹ hơn đôi chút, đưa ra được con số về tỷ lệ ở từng ngành đào tạo cụ thể cùng “bài ca” về tính ưu việt của những ngành nghề này nhằm thu hút thí sinh vào học ở trường.
Khá nhiều trường lại chọn cách công bố những con số rất ấn tượng về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, đạt từ 90%, thậm chí là 100%. Đây, nếu đúng thì quả thật là con số rất đáng mừng bởi cơ hội việc làm rộng mở dành cho sinh viên. Tuy nhiên, đó là con số thống kê thật chất hay “ảo” thì vẫn rất khó xác định. Bởi theo quan sát, sinh viên tốt nghiệp sau khi ra trường rất ngại tham gia vào các cuộc khảo sát về tình trạng việc làm. Do đó, tâm lý chung của các em vẫn là làm cho có, số nghiêm túc hoặc điền trung thực thông tin không nhiều.
Những con số thống kê về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm vẫn chưa được một đơn vị độc lập nào xác thực ngoài thông tin được chính các trường đó công bố. Do đó, việc không ít trường đại học đưa ra tỷ lệ 99-100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm khá “ảo”, khiến nhiều người nghi ngờ và đặt ra dấu hỏi, tỷ lệ này là số sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề được nhà trường đào tạo hay làm trái ngành, trái nghề. Thậm chí, cả khi tốt nghiệp phải đi làm bưng bê, xe ôm hay shipper cũng được tính là có việc làm?
Với nhiều học sinh phổ thông khi đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề và chọn trường, thông tin về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất quan trọng. Những thông tin này cùng với định hướng từ gia đình, thầy cô, bè bạn, giúp các em tham khảo để xây dựng kế hoạch học tập, có động cơ phấn đấu nhằm đạt được ước mơ vào ngành nghề dễ xin việc, có thu nhập cao.
Thực tế, khá nhiều em chọn những ngành nghề hot, tỷ lệ ra trường có việc làm cao để theo học nhưng sau đó đã “vỡ mộng” vì tất cả không như thông tin trước đó. Đấy là chưa kể, bản thân vì không muốn mình thực sự thích gì nên học theo xu hướng và tâm lý đám đông, học xong nhưng chán nản, chọn “đại” một việc làm để nuôi sống bản thân hơn là yêu thích.
Hiện nay, dù học sinh được tiếp cận với khá nhiều thông tin nhưng thông tin chính thống từ chính các trường đại học vẫn rất quan trọng. Do đó, việc công khai thông tin về tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm sẽ giúp ích rất nhiều cho các em. Đây cũng là cách để các trường khẳng định thương hiệu, uy tín, chất lượng đào tạo. Vì vậy, tỷ lệ này cần được “lọc ảo” và tiến hành nghiêm túc, thực chất hơn nữa.
Minh Ngọc