Đem chuông đi đánh Sài Gòn
Để cho nữ giới biết con ông Đồ
Nghe câu thơ lưu truyền trong dân gian đã lâu nhưng mãi đến đầu năm 2023, chúng tôi mới có dịp ghé thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu ở H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Đem chuông đi đánh Sài Gòn
Để cho nữ giới biết con ông Đồ
Nghe câu thơ lưu truyền trong dân gian đã lâu nhưng mãi đến đầu năm 2023, chúng tôi mới có dịp ghé thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu ở H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Ban biên tập Báo Đồng Nai viếng mộ bà Sương Nguyệt Anh tại Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Ảnh: L.Viên |
Đến đây, chúng tôi không khỏi bồi hồi ngưỡng vọng về danh nhân, nhà thơ, ông Đồ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu mà còn có cơ hội hiểu rõ hơn về người con gái của Đồ Chiểu - Sương Nguyệt Anh, nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam.
* Nữ sĩ tài hoa, truân chuyên
Qua tìm hiểu nhiều tài liệu, tên thật của bà Sương Nguyệt Anh được ghi nhận nhiều tên như: Nguyễn Thị Khuê, Nguyễn Xuân Hạnh, hay Nguyễn Xuân Khuê, Nguyễn Thị Ngọc Khuê… Trong danh xưng Sương Nguyệt Anh của bà, người đời còn hay gọi nhầm lẫn là Sương Nguyệt Ánh. Ngoài ra, năm sinh, năm mất của bà cũng có nhiều dữ liệu, không thống nhất.
May mắn là trong đợt về thăm viếng Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi đến viếng thăm nơi an nghỉ của cụ Đồ Chiểu và vợ cùng người con gái Sương Nguyệt Anh. Các thông tin ghi rõ trên bia mộ cung cấp các thông tin chính xác về nữ sĩ tài hoa này:
“Nữ sĩ SƯƠNG NGUYỆT ANH
nhũ danh NGUYỄN NGỌC KHUÊ
Hưởng thọ 58 tuổi
Từ trần ngày 12 tháng 12 năm Tân Dậu 1922”.
Qua đây có thể suy ra, bà sinh năm 1864 tại Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Thời trẻ, bà nổi tiếng là người nết na, dịu dàng, xinh đẹp và học hành thông minh nên nhiều người mến mộ. Vì gia đình đông anh em, cha mù lòa, bà phải dở dang việc học. Nhưng không vì thế mà bà nản chí. Ngoài thời gian phụ giúp việc nhà, trồng thuốc, phụ với cha chữa bệnh, dạy học, bà còn kiên trì tự học, đọc sách, làm thơ…
Về nội dung, tờ Nữ Giới Chung ngoài chú trọng truyền bá chữ quốc ngữ, bà Sương Nguyệt Anh còn đề ra 4 mục đích: nâng cao nền luân lý; dạy cho độc giả biết cách sống hàng ngày; chú trọng đến thương mại và tiểu công nghệ; tạo sự tiếp xúc giữa con người. |
Nếu nói cuộc đời bà Sương Nguyệt Anh là hồng nhan bạc phận cũng không phải là sai khi bà liên tiếp gặp phải những trắc trở, khó khăn trong cuộc đời. Đó là khi chồng mất sớm, bà phải chịu cảnh mẹ góa con côi, thủ tiết thờ chồng. Có chi tiết khi chồng mắt, bà thêm chữ “Sương” trước bút danh để nêu rõ là người phụ nữ ở góa (sương phụ). Đến khi con gái lớn lấy chồng, sinh con không bao lâu thì con bà cũng mất, bà lại phải nuôi cháu nhỏ.
Khi tờ báo tâm huyết Nữ Giới Chung bị đình bản vào năm 1918, bà cùng cháu ngoại quay trở về quê nhà Ba Tri nương tựa người thân nhưng rồi một lần nữa, cũng như người cha của mình, bà lại bị đau mắt và trở nên mù lòa. Dù vậy, bà vẫn âm thầm dạy dọc, bốc thuốc cho người dân trong vùng và mất không lâu sau đó.
* Chủ bút tờ Nữ giới chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Sài Gòn
Về hoàn cảnh ra đời tờ Nữ Giới Chung, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo bài viết của Thanh Việt Thanh đăng trên Kiến thức ngày nay số 57 đang được lưu trữ tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM, cuối năm 1917, bà Sương Nguyệt Anh được người con rể là giáo sư Mai Bạch Ngọc giới thiệu với ông Trần Văn Chim, tổng lý báo và ông A.Blaquiere, Chủ nhiệm Báo Le Courrier Saigonnais, chịu trách nhiệm xin chính quyền thực dân Pháp ra tờ tuần báo Nữ Giới Chung, để bà làm chủ bút.
* Nữ Giới Chung - “Tiếng chuông của nữ giới” Trong lời tựa đầu in trong số đầu tiên của tờ Nữ Giới Chung, nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh nêu: “Người xưa có câu thơ để chuông rằng: “Một tiếng khua năm hồ, bốn biển”. Bổn báo tài nhỏ, sức mọn, đâu dám tự phụ như cổ nhân, nhưng cũng chẳng dám quá liều như lời tục nói: “Vác chiêng đi đánh nước người, chẳng kêu cũng đánh một hồi lấy danh”. Nghĩa chỉ có ý muốn tỷ mình như chuông báo thức, kề tai mấy tiếng, kêu nhau trong chị em nhà. Bởi thế nên lấy tên Nữ Giới Chung mà đặt hiệu báo”. |
Còn trong cuốn Sài Gòn vang bóng do Saigonbooks và NXB Văn hóa - văn nghệ ấn hành thì cho biết: “Năm 1918, có một người tên là Henri Blaquiere (có tên Việt là Lê Đức) đã xin phép xuất bản một tờ báo dành riêng cho phụ nữ với tên là Nữ Giới Chung, nội dung bài vở do người Việt viết và in hoàn toàn bằng chữ Việt. Ông Henri Blanquiere đã mời nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đứng ra làm chủ bút”.
Dù vậy, các tài liệu đều thống nhất cho rằng tờ Nữ Giới Chung phát hành số đầu tiên vào ngày 1-2-1918, xuất bản mỗi tuần một lần vào thứ sáu. Mỗi số gồm 18 trang, 8 trang quảng cáo (có tài liệu ghi báo có 24 trang) giá 40 xu. Mỗi số in 4 ngàn bản, riêng số 4, 5, 6, báo in thêm 2 ngàn bảng để tặng. Trụ sở của báo đặt tại số 15, đường Taberd, Sài Gòn, nay là đường Nguyễn Du.
Theo một số tài liệu tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM, tờ báo “chủ trương phổ biến những bài vở có tính cách xây dựng và giáo dục nữ giới với những vần thơ yêu nước, đồng thời viết bài cổ vũ, công khai vận động cổ phần cho Công ty Liên Thành, một tổ chức của những nhà yêu nước đứng ra kinh doanh để lấy tiền giúp phong trào Đông Du. Báo cũng vận động truyền bá Quốc ngữ, thành lập nghĩa trang để những người chết có chỗ chôn cất đàng hoàng. Đặc biệt, báo luôn có những bài nêu lên nhiều tấm gương sáng về lòng yêu nước của người xưa”.
Một số vần thơ yêu nước trên Nữ Giới Chung như:
Chị em ơi hỡi chị em
Có lòng nghĩ đến nước Nam ta cùng
Hoặc:
Kìa kìa địa thế nước ta
Thiên thơ định mệnh sanh ra cùng kỳ
Do Nữ Giới Chung hướng về tinh thần yêu nước thương nòi, mang đậm chất nhân văn, giáo dục sâu sắc nên nhanh chóng được bạn đọc gần xa đón nhận và yêu mến nồng nhiệt. Nhận thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn của tờ báo sẽ bất lợi cho quá trình cai trị và khai thác thuộc địa của mình nên vào ngày 19-7-1918, chính quyền thực dân Pháp đã ra lệnh đóng cửa tờ báo.
Tranh vẽ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ, bà Sương Nguyệt Anh ghi chép của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh, năm 1973. Ảnh chụp tại triển lãm Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - cuộc đời và sự nghiệp tại Bảo tàng TP.HCM vào năm 2022 |
Có thể thấy, dù tờ báo chỉ tồn tại trong thời gian 5 tháng, 19 ngày, phát hành được 22 số nhưng đã phản ảnh được phần nào bức tranh xã hội Việt Nam. Sự ra đời và tồn tại của tờ báo là sự kiện quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam, cũng như đối với công chúng nói chung và công chúng là nữ giới nói riêng trong xã hội Việt Nam vào thập niên 20-30 của thế kỷ trước.
Lâm Viên