Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai dẫn đầu vùng Đông Nam bộ về đa dạng sinh học

08:06, 30/06/2023

Đồng Nai là một trong những tỉnh có đa dạng sinh học (ĐDSH) phong phú nhất khu vực Đông Nam bộ.  Trên địa bàn tỉnh có các hệ sinh thái đặc trưng của rừng, vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn, sông hồ; động, thực vật đa dạng với nhiều nguồn gen quý hiếm.

Đồng Nai là một trong những tỉnh có đa dạng sinh học (ĐDSH) phong phú nhất khu vực Đông Nam bộ.  Trên địa bàn tỉnh có các hệ sinh thái đặc trưng của rừng, vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn, sông hồ; động, thực vật đa dạng với nhiều nguồn gen quý hiếm.

Voi tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: CTV
Voi tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: CTV

Để có được điều này, tỉnh đã huy động các nguồn lực, ban hành nhiều kế hoạch, chương trình nhằm ngăn chặn đà suy giảm, phục hồi và phát triển ĐDSH.

* Dẫn đầu khu vực về ĐDSH

Trên địa bàn tỉnh có 9 khu vực có ĐDSH cao, trong đó, Vườn quốc gia Cát Tiên đứng đầu. Tại đây có nguồn gen phong phú về số lượng, thành phần các loài, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Thống kê năm 2021, Vườn quốc gia Cát Tiên có hơn 1,6 ngàn loài thực vật, trong đó 28 loài thuộc danh mục quý hiếm và hơn 1,7 ngàn loài động vật với 65 loài quý hiếm.

Đứng thứ hai là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có 1,5 ngàn loài thực vật và hơn 1,8 ngàn loài động vật. Ngoài ra, hồ Trị An và các sông hồ khác cũng có hàng trăm loài thủy sinh. 

Điểm đặc biệt của 2 khu vực nói trên là đều có các khu đất ngập nước nên ĐDSH có cả trên cạn lẫn dưới nước. Đồng thời, hai nơi này đều nằm trong vùng lõi (vùng được bảo vệ nghiêm ngặt) của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã được UNESCO công nhận năm 2011.

Trên địa bàn Đồng Nai có 9 khu vực có ĐDSH cao là: Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, rừng phòng hộ Long Thành - Nhơn Trạch, núi Chứa Chan, rừng phòng hộ Tân Phú, sông Đồng Nai và hồ Trị An, sông Thị Vải và các lưu vực, rừng phòng hộ 600, rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm trường La Ngà.

Ngoài ra, còn 7 khu vực có ĐDSH nằm rải rác ở các địa phương, chủ yếu là nơi có rừng. Chẳng hạn như rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch có các loài thủy sinh đặc trưng của vùng nước lợ; núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) có quần thể voọc chà vá chân đen…

Có ĐDSH phong phú là do tỉnh đã tiến hành đóng cửa rừng tự nhiên từ hơn 20 năm trước nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ. Tỉnh huy động nhiều nguồn để thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn, phát triển giá trị ĐDSH. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH cũng được chú trọng.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, những năm qua, các đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ rừng và ĐDSH; bảo tồn và phát triển nguồn gen có giá trị, tiêu biểu của vùng Đông Nam bộ.

Đồng Nai triển khai nhiều chương trình, dự án về bảo tồn ĐDSH như: Khẩn cấp bảo tồn voi, lập các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, phục hồi rừng tự nhiên, trồng mới rừng...

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, trong giai đoạn 2013-2020, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của vườn đã tiếp nhận, cứu hộ và tái thả về rừng hơn 900 cá thể động vật.Vườn hợp tác với nhiều tổ chức, nhà tài trợ trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng, cứu hộ động vật hoang dã.

* Khai thác bền vững các giá trị 

Mặc dù công tác bảo tồn được triển khai sớm và mang lại hiệu quả tốt nhưng ĐDSH của tỉnh đang đối mặt với nhiều mối đe dọa. Đó là tình trạng săn bắt thú, chặt cây rừng trái phép. Sự tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đô thị hóa đã làm cho môi trường sống của nhiều loài bị thu hẹp, nguồn thức ăn khan hiếm.

Đồ họa thể hiện tổng diện tích rừng trên địa bàn Đồng Nai và diện tích rừng tại một số địa phương trong tỉnh theo công bố hiện trạng rừng năm 2021 của tỉnh. Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Hà
Đồ họa thể hiện tổng diện tích rừng trên địa bàn Đồng Nai và diện tích rừng tại một số địa phương trong tỉnh theo công bố hiện trạng rừng năm 2021 của tỉnh. Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Hà

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH còn thiếu. Nhân lực phụ trách công tác bảo tồn chưa đáp ứng chuyên sâu về điều tra, nghiên cứu, cứu hộ động vật hoang dã.

TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển Việt Nam cho rằng, Đồng Nai đã làm tốt công tác bảo vệ ĐDSH tại Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Tỉnh cần khai thác các lợi thế từ ĐDSH để phát triển du lịch, bán tín chỉ carbon, nghiên cứu khoa học nhằm tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện một phần khó khăn cho đội ngũ làm kiểm lâm, bảo vệ rừng và ĐDSH.

Theo Bộ NN-PTNT, Đồng Nai giữ rừng tự nhiên khá tốt nên góp phần bảo tồn phát triển ĐDSH. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để khai thác bền vững tài nguyên rừng và ĐDSH phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là nơi có đa dạng sinh học cao. Ảnh: H.LỘC
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là nơi có đa dạng sinh học cao. Ảnh: H.LỘC

Định hướng của tỉnh là phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường ở các khu vực có ĐDSH cao. Kết hợp mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục, tổ chức trong và ngoài nước trong đào tạo, nghiên cứu về môi trường, lâm nghiệp. Như vậy, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên sẽ có nguồn kinh phí để tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển ĐDSH.

Vào cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi; bảo tồn, sử dụng hiệu quả các giá trị ĐDSH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nội dung bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH của Đồng Nai đã được đưa vào quy hoạch tỉnh đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu là giữ gìn ĐDSH, cân bằng sinh thái và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.              

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều